Người Việt Nam giàu bậc nhất thế kỷ 20, tài sản nhiều đến mức di chúc 30 trang mới viết hết được
Bạch Thái Bưởi (1874 – 1932) là một doanh nhân vô cùng nổi tiếng. Sinh ra trong một gia đình nông dân ở Hà Đông, Hà Tây (cũ), khi cha mất ông được một người đàn ông họ Bạch nhận nuôi, cho đi học và đổi tên ông từ họ Đỗ thành họ Bạch, lấy tên Thái Bưởi.
Được tiếp xúc trực tiếp với văn hóa, kinh tế Pháp, Bạch Thái Bưởi bắt đầu dấn thân vào kinh doanh khi hợp tác với một nhà thầu người Pháp cung cấp gỗ làm tà-vẹt cho công trình đường xe lửa nối liền Hà Nội – Sài Gòn. Sau đó, ông tiếp tục mở tiệm cầm đồ, cạnh tranh với những thương nhân người Hoa giàu kinh nghiệm và chiến thắng.Việc làm ăn thuận buồm xuôi gió, ông Bưởi tiếp tục thầu thuế, mở hàng cơm, công ty rượu,...
Bước ngoặt lớn nhất trong đời ông chính là tham gia vào ngành vận tải đường sông. Đối mặt với những đối thủ đáng gờm toàn ông chủ người Pháp, người Hoa sành sỏi, Bạch Thái Bưởi khi đó đã sử dụng tinh thần dân tộc của người Việt Nam để đối đầu với sự áp chế của ngoại bang, cụ thể như đặt tên các anh hùng dân tộc cho các đội tàu của mình, tạo dựng các bến đỗ thuận tiện, ra giá vé hợp lý, cổ động "người Việt dùng hàng Việt". 10 năm (1909 -1919) làm vận tải, công ty Bạch Thái Bưởi sở hữu được 30 chiếc tàu lớn nhỏ cùng nhiều xà lan chạy hầu hết các tuyến sông trong và ngoài nước. Sau đó, ông chuyển nhượng công ty tàu của mình và chuyển sang đầu tư khai thác than đá. Than của ông không chỉ bán cho đồng bào mà còn xuất khẩu sang Pháp và Nhật.
Xuất phát điểm chỉ là hai bàn tay trắng, Bạch Thái Bưởi tuổi trung niên đã nằm trong top những doanh nhân Việt giàu có nhất, được tôn làm bậc anh hùng kinh tế của nước nhà. Đến khi Bạch Thái Bưởi đột ngột qua đời vì 1 cơn đau tim, khối tài sản khủng của ông mới lộ diện toàn bộ. Theo chắt nọi của ông là bà Bạch Quế Hương - người giữ bản di chúc của Bạch Thái Bưởi thì toàn bộ di chúc dài 30 trang, viết bằng tiếng Pháp, được lập trước ngày Bạch Thái Bưởi mất khoảng 3 tháng. Ông để lại cho con cháu tất cả bằng ngân phiếu và bất động sản, không có vàng. Bất động sản của ông trải dài ở Hà Nội, Hải Phòng, Uông Bí - Quảng Ninh, Nam Định, Thanh Hóa, Vinh (Nghệ An). Ngoài ra còn có nhiều tàu, hầm mỏ, công ty in ấn,...
Đến nay, khi nhắc về những người giàu có nhất Việt Nam vào những năm đầu của thế kỷ 20, người ra vẫn lan truyền câu nói: "Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Bưởi".
Theo Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo