Người trẻ Trung Quốc nghiện hòn đá
Chúng không kêu “gừ gừ”, vẫy đuôi, yêu cầu âu yếm hay phản ứng khi nghe thấy tên mình, nhưng lại trở thành “vật nuôi” của nhiều người trẻ Trung Quốc. Đó là "pet rock", hay đá thú cưng.
Lấy cảm hứng từ bộ phim hoạt hình Minions: The Rise of Gru với nhân vật Otto đặc biệt yêu thích pet rock, những người tiêu dùng trẻ nhanh chóng đón nhận “vật nuôi” độc đáo này. Họ bắt đầu mua sắm những phiên bản đá thú cưng trang trí mắt nhựa, đội mũ và có biểu cảm đáng yêu, theo Sixth Tone.
Năm nay, pet rock tăng vọt về mức độ phổ biến trên sàn TMĐT hàng đầu Trung Quốc Taobao. Doanh số đến từ sản phẩm này trong tháng 8 tăng 246% so với tháng trước. Theo các báo cáo của phương tiện truyền thông, phần lớn người mua là phụ nữ, sinh sau năm 1995.
Trào lưu nuôi đá
Đá thú cưng thường có giá 20 NDT (khoảng 3 USD), chỉ là những viên sỏi thông thường. Tuy nhiên, một số người chơi chăm sóc chúng như chó, mèo, tắm cho đá bằng tinh dầu, thoa kem dưỡng ẩm, đảm bảo mức độ sáng bóng.
Một chủ cửa hàng chuyên kinh doanh pet rock báo cáo doanh thu đạt 20.000 NDT vào tháng 9. Một số mặt hàng phổ biến bán được hơn 1.000 sản phẩm.
Trên mạng xã hội Xiaohongshu, các bài đăng về đá thú cưng thu hút gần 3,1 triệu lượt xem. Nhiều người dùng chia sẻ hình ảnh, tìm kiếm các món phụ kiện như kính mắt và mũ. Một số thậm chí còn thực hiện video hướng dẫn chăm sóc đá thú cưng.
Pet rock không phải khái niệm mới. Sản phẩm này xuất hiện từ năm 1975, khi giám đốc quảng cáo người Mỹ Gary Dahl giới thiệu nó như vật nuôi dễ chăm sóc, không cần cho ăn, chải chuốt hay huấn luyện.
Được quảng cáo như một trò đùa, song sản phẩm này nhanh chóng trở thành một hiện tượng văn hóa. Hàng triệu sản phẩm bán thành công giúp Dahl trở thành triệu phú.
Sự hấp dẫn của đá thú cưng nằm ở chiến lược tiếp thị thông minh, khai thác sự hài hước và làm nổi bật lợi ích của việc sở hữu một “vật nuôi” mà không cần chịu trách nhiệm.
Kiếm bộn từ kinh doanh đá thú cưng
Lấy cảm hứng từ bộ phim Minions, Ye Zi muốn sở hữu pet rock của riêng mình, song không thể tìm thấy chúng ở các cửa hàng trực tuyến. Vì vậy, cô quyết định tự làm đá thú cưng và mở một gian hàng trên Taobao hồi giữa năm 2023 để bán các sản phẩm thủ công này.
Mỗi mặt hàng của Ye có giá 28,8 NDT. Hiện nay, cô thành công bán ra 1.200 đá thú cưng trên sàn TMĐT.
Ye Zi nhập những viên đá này từ một nhà sản xuất tại Thiểm Tây (Trung Quốc). Đơn vị này sàng lọc những viên đá này theo kích thước và gửi cho cô.
Sau đó, Ye làm sạch những viên đá, trang trí chúng bằng mắt nhựa và chụp hình để quảng cáo. Cô thậm chí còn tạo ra một chiếc thẻ căn cước, bao gồm tên, ảnh và tính cách MBTI được xác định dựa trên biểu cảm sau khi gắn mắt, cho mỗi pet rock.
“Mỗi viên đá đều là phiên bản độc nhất”, Ye chia sẻ.
Xie Xuan, một giáo viên 25 tuổi đến từ Thiểm Tây, thường xuyên mặc quần áo cho đá thú cưng và xây dựng nhà cho “vật nuôi” của mình. “Pet rock dễ thương, không cần ăn hay đi vệ sinh. Nó đáp ứng nhu cầu cảm xúc và không mang lại phiền toái cho tôi”, cô nói.
Zhang Zhe, phó giáo sư tiếp thị tại Trường Quản lý thuộc Đại học Phúc Đán (Thượng Hải), giải thích rằng xu hướng tiêu dùng hiện nay tập trung vào cảm xúc và tính cá nhân. Tâm lý, hành vi tiêu dùng này thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm trị liệu dựa trên sở thích cá nhân.
Zhang cũng nhấn mạnh rằng Gen Z hiện nay bị thu hút bởi những món đồ chơi có giá cả phải chăng, theo chủ đề nhân vật. Sự thịnh hành của chú thỏ bông răng nhọn Labubu cũng nhằm phục vụ sở thích này của khách hàng trẻ.
Linh Vũ