Người thu âm sách nói đọc 250 cuốn một năm
Đối với mọi người, việc đọc sách thường diễn ra vào lúc rảnh rỗi, đọc để thưởng thức, chiêm nghiệm trong những khoảnh khắc sống chậm. Thời gian đọc sách của mọi người có thể vào bất kỳ lúc nào trong ngày, miễn sao bản thân cảm thấy được thả lỏng. Tuy nhiên, đối với những người làm audiobook, công việc đọc sách có những thử thách mà không phải ai cũng vượt qua.
Đọc sách không phải là một việc dễ dàng
Chị Lê Thị Yến (trú tại TP.HCM) là một giọng đọc quen với các nền tảng sách nói của Việt Nam. Trung bình chị có thể thu âm được một cuốn sách 200 trang/ngày. Vào thời điểm nhiều đơn đặt hàng, chị có thể làm đến 4-5 cuốn sách/tuần và khoảng 250 cuốn/năm.
Nếu so với mức trung bình, một người làm audiobook như chị Yến đã đọc gấp 90 lần số sách trung bình của người Việt đọc một năm.
Anh Ka Nguyễn (trú tại TP.HCM), một giọng đọc thường gắn với các cuốn sách dài về cuộc sống, chia sẻ: “Trong một tháng tôi có thể thu âm 3-5 quyển. Áp lực của công việc làm sách nói nằm ở việc tôi luôn phải nắn giọng làm sao cho thật đẹp giúp người nghe tiếp nhận được thông tin chính xác nhất. Không chỉ vậy, khi có những đoạn hội thoại trong sách, tôi phải tìm hiểu nhân vật xem họ có tính cách như nào, độ tuổi bao nhiêu, thái độ gì để điều chỉnh giọng đọc phù hợp. Có những hôm thu âm vào buổi đêm, tôi phải làm đến 3-4 giờ sáng mới xong”.
Công việc thu âm cũng khiến cho người đọc phải đánh đổi không ít sức khỏe, đặc biệt là các bệnh về tai mũi họng. Khi mới bắt đầu làm audiobook, Lê Thị Yến là một sinh viên năm hai đang hoạt động trong các câu lạc bộ phát thanh của trường. Chị không quá hiểu về cơ chế họng của mình cũng như lường trước rủi ro sức khỏe bản thân.
"Có thời điểm tôi đã thu âm quá nhiều và khiến cổ họng mình sưng nhiều tháng, cứ ngơi nghỉ một lúc tôi lại thu tiếp thế nên luôn ở trong tình trạng sức khỏe không ổn định. Triệu chứng này kéo dài nhiều tháng. Cho đến tận bây giờ, trên bàn làm việc của tôi luôn có những chai súc họng, xịt họng keo ong, bạc hà, thảo mộc hay kẹo ngậm”, chị Yến tâm sự.
“Tôi trở thành con người mới nhờ làm sách nói”
So với các công việc khác trong lĩnh vực thu âm, mức thù lao của người làm sách nói không quá cao trong khi các yêu cầu hiện tại ngày một khắt khe hơn. Mặc dù nhận được những cơ hội lớn hơn, những người làm sách nói như chị Lê Thị Yến hay anh Ka Nguyễn vẫn tiếp tục gắn bó với nghề. Họ cảm thấy rằng công việc sách nói thực sự thay đổi cuộc sống của họ.
“Nếu không làm công việc sách nói, tôi không thể trở thành con người như bây giờ. Những cuốn sách thay đổi tôi mỗi ngày bởi kiến thức chúng đem lại. Trong những ngày tháng học tập và rèn luyện tại giảng đường đại học, công việc sách nói đem đến cho tôi một không gian mở để rèn luyện giọng nói. Vì vậy, việc làm sách nói đối với tôi hiện tại không chỉ vì giá trị kinh tế nữa”, chị Lê Thị Yến chia sẻ.
Trong khoảng thời gian gần đây, anh Ka Nguyễn cho biết anh đang trải nghiệm với các cuốn sách thiếu nhi cho trẻ từ 8 tuổi. Anh nhận thấy mỗi lĩnh vực lại đem đến cho mình một cách nhìn mới và với dòng sách này, chúng giúp anh cảm thấy tâm hồn mình được trong trẻo hơn, nhìn nhận mọi thứ không quá phức tạp nữa. Anh Ka thấy mình như được nâng tầm giá trị bản thân hơn mỗi khi hoàn thành một cuốn sách.
Đối với cả hai, công việc sách nói luôn đầy những thách thức cho dù có làm nhiều năm nhưng thị trường và yêu cầu sẽ thay đổi mỗi ngày theo thị hiếu của công chúng. Chính vì vậy, họ cũng cập nhật và đổi mới từng ngày. Chìa khóa để theo đuổi công việc này chính là sự kiên nhẫn và lòng đam mê bởi nếu không có cả hai thì công việc này chỉ dừng lại ở mức thời vụ và tạm bợ.
Trên các nền tảng số hiện nay, sách nói đang ngày một phát triển và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu với một bộ phận người yêu sách. Sách nói đáp ứng được đa dạng đối tượng độc giả và hoàn toàn dễ dàng tìm kiếm trên các ứng dụng của điện thoại thông minh. Các đầu sách cũng đang được đa dạng hóa giúp người đọc không bị nhàm chán.
Đức Huy