Lý do VTV quyết mua bản quyền World Cup 2022
Năm 2002, VTV mua bản quyền kỳ World Cup được tổ chức tại Nhật Bản và Hàn Quốc với giá 1 triệu USD. Sau 20 năm, con số đang tăng 15 lần. Không món hàng nào có giá trị sử dụng chỉ kéo dài 1 tháng lại tăng giá với biên độ kiểu này.
Vì sao phải nhất quyết mua bản quyền World Cup?
VTV trong nhiều năm trở lại đã nhấn mạnh việc mua bản quyền World Cup là điều quá sức với nhà đài, dù thực tế giá bản quyền cúp thế giới ở Việt Nam được xem là rất rẻ (chưa bằng 1/3 so với giá bán tại Thái Lan).
Nhiều chuyên gia trong các năm qua nhận định còn vài phương án để tiếp cận mua bản quyền các giải đấu như World Cup và Euro là việc các nhà đài bắt tay nhau mua và chia sẻ sóng.
Tuy nhiên, với cơ chế như hiện tại, VTV không thể tham gia màn bắt tay này. Không thể bắt đài truyền hình với các kênh quảng bá hợp tác với đài truyền hình trả tiền để cùng phát sóng miễn phí. Phần thiệt đến cho đơn vị truyền hình trả tiền là quá lớn.
Phương án hai là chuyển sang truyền hình trả phí. Phương án này không đơn giản khi với hạ tầng Internet của Việt Nam hiện nay, nhiều khán giả sẵn sàng chọn cách xem lậu miễn phí thay vì trả tiền.
Và nếu bán gói truyền hình để xem World Cup, giá bản quyền có thể còn đội giá lên cao hơn, trực tiếp đẩy VTV vào thế khó nếu đi theo hướng đi rủi ro này.
VTV nhìn chung không còn cách nào khác trước các kỳ World Cup ngoài việc mua bản quyền. Điều này vừa để đáp ứng nhu cầu, vừa giữ vững vị thế đài truyền hình quốc gia, và cũng để mò mẫm những hướng đi mới trong tương lai, khi những cơ chế hợp tác có thể thay đổi.
Cách VTV kiếm lợi nhuận
Chia sẻ với Zing, một đơn vị chuyên nhận đặt quảng cáo lên sóng Đài truyền hình Việt Nam (VTV) cho biết chưa có báo giá quảng cáo cụ thể của World Cup 2022, nhưng con số ước tính vào khoảng 450 triệu - 600 triệu đồng cho 1 spot 30 giây ở trận chung kết.
Tại Euro 2020, mức giá cũng tương tự. Xét trên toàn bộ khung giờ chiếu với các suất quảng cáo với thời lượng khác nhau, mức giá trung bình là 230 triệu/ 1 spot quảng cáo 30 giây.
Về cơ bản, không thể lấy số tiền mua bản quyền (372 tỷ) chia giá tiền mỗi suất quảng cáo (230 triệu), để ra số đơn vị quảng cáo cần trong thời gian World Cup giúp hòa vốn.
VTV không đàm phán trực tiếp với các nhãn hàng muốn đặt quảng cáo trên sóng. Đơn vị này sẽ làm việc qua bên trung gian (agency). VTV sẽ đặt giá các suất quảng cáo trên sóng, và công ty trung gian sẽ sẽ đi chào mời các doanh nghiệp/nhãn hàng mua để quảng bá.
Tùy vào độ uy tín, phía agency sẽ được VTV chiết khấu, từ 30-40% giá quảng cáo. Tức với giá 230 triệu đồng đã nêu, số tiền VTV nhận sau khi chiết khấu cho bên trung gian chỉ còn khoảng 138-161 triệu đồng. Nếu trừ thêm thuế và chi phí sản xuất, con số thực nhận cho mỗi quảng cáo của VTV sẽ giảm thêm.
Giả sử con số VTV thực nhận là 150 triệu đồng cho một suất quảng cáo bất kỳ ở đợt World Cup sắp tới, với 64 trận phát sóng, trung bình VTV sẽ phải phát 39 quảng cáo/trận để ít nhất hòa vốn. Tính toán này đặt trong điều kiện lý tưởng doanh nghiệp và nhãn hàng mua tất cả suất quảng cáo nhà đài rao.
VTV cũng có thể bán quảng cáo ở các chương trình đồng hành, hay bình luận cùng World Cup, thay vì chỉ trong thời gian trước, giữa và trong các trận đấu. Song con số này không ở mức giá tương đương con số 230 triệu đã nêu.
Tại Euro 2020, giá quảng cáo trung bình của chương trình bình luận trước, giữa và sau trận chỉ là 113 triệu đồng, tức thực nhận có thể chỉ rơi vào khoảng 65 triệu.
Đấy là lý do để VTV luôn muốn nhận trợ giá bản quyền từ các doanh nghiệp bên ngoài. Với trường hợp bản quyền World Cup 2022, VTV vẫn sẽ được trợ giúp nhất định từ 6 doanh nghiệp với tổng số tiền lên tới hơn 300 tỷ đồng.
Phần trợ giúp này giúp gánh nặng quảng cáo của VTV bớt nặng nề, so với việc phải trả toàn bộ khoản tiền 372 tỷ. Thay vì phải bán được 39 quảng cáo/trận, con số thực tế sẽ thấp và vừa miếng hơn với đài quốc gia.
Chỉ cần chào mời mát tay, VTV còn có thể lãi nhờ bản quyền World Cup.
Nhật Anh