Người S'tiêng trong hành trình phát triển
Bài 1:
BÁM ĐẤT LÀM GIÀU
Xóa bỏ tập tục “du canh, du cư” lạc hậu, không còn lối suy nghĩ “bán đất mà sống”, đồng bào S’tiêng Bình Phước đang dần hình thành quan điểm “tấc đất tấc vàng”, bám đất để mưu sinh, phát triển và làm giàu cho gia đình. Tại Bình Phước không còn thiếu những tỷ phú người S’tiêng “phất” lên từ vườn rẫy và các mô hình cho hiệu quả kinh tế cao.
Chỉ mở rộng, không thu hẹp
Đó là khẳng định của triệu phú người S’tiêng Điểu Diêm ở thôn Bù Tam, xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập khi chúng tôi hỏi: “Hơn 20 ha đất rộng lớn vậy, gia đình lại neo người, ông có nghĩ đến việc bán bớt không?”.
Ông Điểu Diêm chia sẻ: “Sinh ra, lớn lên và cũng từng cầm súng bảo vệ từng thước đất của đồng bào mình nên tôi quý mảnh đất quê hương lắm! Tôi từng nói với cha rằng sẽ chỉ mở rộng thêm đất chứ không bán phần đất cha mẹ để lại”.
Quan sát theo ánh mắt tò mò của chúng tôi khi dừng lại ở ngôi nhà kiểu mới khang trang hiện đại cùng với ôtô, xe máy, máy cày và các phương tiện hiện đại khác, ông Điểu Diêm cười: “Cơ ngơi này là kết quả của nhiều năm tôi tậu thêm đất trồng điều, cao su và chăn nuôi gia súc! Tôi nghe theo lãnh đạo Đảng, Nhà nước dặn không bán đất để ăn dần; khi có điều kiện mua, mở rộng thêm diện tích thì chắc chắn có của để dành”.
Ông Điểu Diêm chỉ tay “khoe” hơn 5 ha cao su đang trong mùa cạo mủ với thu nhập ổn định, rồi ông ra lấy chiếc xe ôtô đưa chúng tôi sang huyện Bù Đốp “mục sở thị” mô hình đa canh điều, cao su trồng xen cây sầu riêng, kết hợp chăn nuôi bò sinh sản và lấy thịt. Trong tổng diện tích hơn 15 ha tại đây, ông dành hơn 10 ha trồng điều, 5 ha cao su cho thu hoạch hàng trăm triệu đồng/năm. Riêng cây sầu riêng ông mới thử nghiệm trồng xen đang đợi kết quả. Bên cạnh đó, hơn chục con bò nuôi sinh sản và lấy thịt tăng thêm nguồn thu cho gia đình ông.
Ở thôn Bù Tam, nơi có 90% số dân là đồng bào dân tộc tại chỗ S’tiêng hiện nay không còn thấy cảnh nhà tạm, dột nát và khó khăn như 15 năm trước. Thay vào đó, những ngôi nhà khang trang, kiên cố theo kiểu dáng hiện đại giữa các vườn cây công nghiệp lâu năm tiêu, điều, cao su “mọc lên” nhiều hơn.
Duy trì danh hiệu “làng tỷ phú”
Trở lại thăm gia đình ông Điểu Trinh ở ấp Thuận Tiến, xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú, người được mệnh danh tỷ phú những năm 2010, chúng tôi thấy trong khoảng sân rộng trước căn nhà mái Thái khang trang là chiếc xe ôtô kiểu mới trị giá tiền tỷ và máy phun thuốc cho điều, cao su công nghệ mới. Sau khi các con lập gia đình, ông Điểu Trinh đã chia bớt diện tích đất cho con, chỉ giữ lại hơn 8 ha trồng điều, cao su. Với kinh nghiệm lâu năm, kết hợp ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, gia đình ông thu về hàng trăm triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Ông Điểu Trinh chia sẻ: Những kết quả của bản thân cũng như sự đổi thay của ấp có sự tiếp sức, đồng hành của Đảng, Nhà nước trong triển khai các chính sách từ xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, trường đến phát triển kinh tế - xã hội phù hợp đặc điểm địa phương.
Thực hiện chỉ thị của tỉnh về việc không cầm cố đất, bán điều bông trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phần lớn đồng bào S'tiêng đã ý thức giữ đất làm giàu và ngày càng có nhiều tỷ phú người S'tiêng. Trong ảnh: Tỷ phú Ðiểu Trinh (bên trái) ở ấp Thuận Tiến, xã Thuận Lợi, huyện Ðồng Phú áp dụng quy trình kỹ thuật vào chăm sóc, khai thác mủ cao su đang cạo từng đường "vàng trắng"
Từ 2 ha đất Nhà nước cấp những năm 2000, ông Điểu Thành, già làng ấp Thuận Tiến, xã Thuận Lợi tích cóp mở rộng lên 10 ha tiếp tục trồng cao su và điều đem lại nguồn thu nhập cao cho gia đình. Chăm chỉ lao động, thực hiện văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Phước không cầm cố đất, bán điều non, gia đình ông Điểu Thành đủ điều kiện chăm lo cho các con học đại học, có việc làm ổn định. Từ tấm gương cuộc sống khá giả của ông Điểu Thành, nhiều người dân trong ấp thi đua học tập, noi theo. Ông Điểu Thành chia sẻ: Nhờ Nhà nước hỗ trợ cấp đất cho đồng bào trồng cao su, giữ đất, đời sống người DTTS ở Thuận Tiến được nâng lên. Trong thôn có nhiều tỷ phú và duy trì đến nay như các hộ Điểu Thăng, Điểu Trinh, Điểu Nức…
Sau nhiều năm kiên trì tuyên truyền với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, giúp đời sống đồng bào DTTS đổi thay rõ nét. Ông Mai Xuân Long, Bí thư Đảng ủy xã Thuận Lợi cho biết: Ấp Thuận Tiến đặc thù đồng bào DTTS, trong đó khoảng 80% là người S’tiêng. Những năm qua, với sự quan tâm của các cấp, ngành, trong đó có Ban Dân tộc tỉnh, HĐND tỉnh thực hiện nhiều chính sách, cơ chế phát triển trong vùng đồng bào DTTS, Thuận Tiến đã tạo ra dấu ấn, có sự đổi thay rất lớn. Ngoài một số hộ sinh sống ở ven đường làm nghề kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ, hơn 200 hộ ở Thuận Tiến canh tác nông nghiệp đã biết áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để tăng năng suất. Đồng bào trong ấp không còn tình trạng cầm cố đất, bán điều non hay vay nặng lãi. Người dân luôn cần mẫn lao động, tăng gia sản xuất, tiết kiệm chi tiêu.
Sự đổi thay trong nhận thức của đồng bào S’tiêng trên địa bàn tỉnh Bình Phước là từ hiệu quả những chính sách, chương trình, dự án mang tầm chiến lược, có tính thực tiễn cao của các cấp. Đến nay, các Chỉ thị số 14, 19 của UBND tỉnh Bình Phước về tăng cường biện pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng bán điều non, cầm cố đất, bán đất trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn vẫn mang giá trị lớn. Bên cạnh đó là quyết tâm chung của toàn hệ thống chính trị, các cấp, ngành, đoàn thể địa phương không ngừng tuyên truyền thay đổi, nâng cao nhận thức đồng bào DTTS trên địa bàn. Từ đó, trong vùng đồng bào DTTS xuất hiện nhiều tấm gương lao động, sản xuất, kinh doanh giỏi, những điển hình trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống mới.
Cẩm Liên