1. Kinh doanh

Người phụ nữ dân tộc Hoa hết lòng vì cộng đồng

Tấm lòng vì mọi người của bà Trương Cắm Kíu, Tổ trưởng Tổ Phụ nữ dân tộc ấp Nguyễn Thái Học, xã Bàu Hàm 2 (huyện Thống Nhất), được người dân trong vùng quý trọng, cảm phục. Ảnh: A.Nhơn

Chia sẻ yêu thương

Ngôi nhà gia đình bà Kíu đang ở nằm trong khu dân cư kiểu mẫu ấp Nguyễn Thái Học, xã Bàu Hàm 2. Con đường nối từ quốc lộ 20 vào nhà bà được tráng nhựa khang trang, rộng rãi, sạch sẽ. Hai bên đường được trồng các loại cây xanh, hoa tươi, góp phần làm cho tuyến đường càng thêm đẹp. Để cho tuyến đường đạt chuẩn “sáng - xanh - sạch - đẹp” như hôm nay là nhờ một phần đóng góp của gia đình bà Kíu.

Vợ chồng bà Kíu cho biết, trước đây, tuyến đường chính đi vào ấp Nguyễn Thái Học thường xảy ra tình trạng “nắng bụi, mưa lầy”, khiến việc vận chuyển hàng hóa, nông sản cũng như đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Khoảng năm 1997, vợ chồng bà Kíu vận động, thuyết phục các hộ dân xung quanh tham gia đóng góp tiền, công sức để cùng sửa chữa, nâng cấp cho tuyến đường. Khi có chương trình xây dựng nông thôn mới, Nhà nước đầu tư trải nhựa tuyến đường thì việc đi lại của bà con càng thuận tiện hơn. Sau này, gia đình bà Kíu cùng các hộ dân xung quanh còn trồng, chăm sóc cây, hoa nhằm làm đẹp cho tuyến đường.

Ngoài ra, trong khu dân cư kiểu mẫu ấp Nguyễn Thái Học có công viên rộng rãi, thoáng mát. Hàng ngày, người dân trong vùng thường đến đây đi bộ, tập thể dục, rèn luyện sức khỏe. Sau mỗi buổi tập, bà Kíu cùng bà con dọn dẹp, thu gom rác nhằm giữ gìn môi trường sạch sẽ cho công viên.

Bà Kíu cho biết, bà sinh ra và lớn lên tại vùng đất Sông Thao (thuộc xã Sông Thao, huyện Trảng Bom). Năm 1992, bà lập gia đình và về ấp Nguyễn Thái Học, xã Bàu Hàm 2 sinh sống ổn định cho đến nay.

Vợ chồng bà Kíu sở hữu hơn 4 hécta đất vườn màu mỡ. Trước đây, gia đình bà đầu tư trồng cây cà phê. Cây cà phê đã giúp gia đình bà ăn nên làm ra, vì thời điểm đó, trong nhiều năm liền cà phê luôn “được mùa, được giá”.

Sau này, khi cây cà phê không còn giá trị kinh tế cao, gia đình bà Kíu nhạy bén chuyển đổi cơ cấu cây trồng bằng việc chặt hạ cây cà phê và chuyển sang trồng các loài cây: chôm chôm, sầu riêng, chuối cấy mô. Vợ chồng bà đã áp dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại vào sản xuất nên hiệu quả kinh tế mang lại rất cao. Hiện 3 cây trồng chủ lực này đã đem lại nguồn thu đáng kể cho gia đình. Nhờ đó, gia đình bà có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang; sắm sửa tiện nghi, phương tiện ô tô đi lại đầy đủ và chăm lo cho 4 người con ăn học đàng hoàng.

Khi kinh tế gia đình vững chãi, bà Kíu muốn thực hiện nguyện vọng làm từ thiện nhằm chia sẻ yêu thương với những hoàn cảnh còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống. Cụ thể, năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 cả nước nói chung, tỉnh Đồng Nai nói riêng, diễn biến vô cùng phức tạp và khiến cho nhiều người phải mất việc làm, cuộc sống của nhiều gia đình rơi vào tình cảnh khó khăn, thiếu thốn. Từ đó, gia đình bà Kíu quyết định bỏ tiền túi ra và tổ chức tặng quà, các nhu yếu phẩm thiết thực cho những hộ đang gặp khó khăn trong vùng. Ngoài ra, gia đình bà thường xuyên hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho lực lượng ngày đêm làm nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh tại các chốt đóng trên địa bàn xã Bàu Hàm 2.

Bên cạnh đó, hàng năm, gia đình bà Kíu thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ, tặng quà vào các dịp lễ, Tết cho những người có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức Tết Trung thu và tặng quà cho trẻ em ở ấp Nguyễn Thái Học… Tấm lòng vì mọi người của bà Kíu đã góp phần tạo động lực cho nhiều người nỗ lực phấn đấu làm ăn để vươn lên ổn định cuộc sống.

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Bàu Hàm 2 (huyện Thống Nhất) ĐặNG THỊ THU HIỀN nhận xét, bà Trương Cắm Kíu là một trong những hội viên phụ nữ tiêu biểu tại địa phương trong thời gian qua. Bà Kíu đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc vận động chị em phụ nữ đồng bào dân tộc vào tổ chức hội phụ nữ, góp phần cho hoạt động phong trào ở địa phương ngày càng phát triển lớn mạnh. Ngoài ra, bà Kíu còn tích cực làm công việc từ thiện, an sinh xã hội và tham gia đầy đủ các chương trình, phong trào về nông thôn mới do địa phương phát động.

Hết lòng vì cộng đồng

Năm 2021, Tổ Phụ nữ dân tộc ấp Nguyễn Thái Học được thành lập và bà Kíu được bầu làm Tổ trưởng.

Bà Kíu cho hay, ấp Nguyễn Thái Học có đông đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là người Hoa và người Nùng). Do đó, việc thành lập tổ phụ nữ dân tộc nhằm tạo sự gắn bó, đoàn kết phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số lại với nhau; vận động chị em tích cực tham gia công tác hội để hưởng các quyền và nghĩa vụ liên quan; tuyên truyền, phổ biến về những chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm giúp chị em nắm bắt và chấp hành cho tốt…

Bà Trương Cắm Kíu (phải) đến thăm, tặng quà cho hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Bàu Hàm 2 (huyện Thống Nhất).

“Thời gian đầu nhận nhiệm vụ, tôi đã lo lắng đủ thứ, vì công việc hoàn toàn mới mẻ nên không biết có gánh vác nổi hay không. Tuy nhiên, tôi gặp thuận lợi là được lãnh đạo Hội Liên hiệp phụ nữ xã Bàu Hàm 2 luôn quan tâm và thường xuyên đến thăm hỏi, hỗ trợ kịp thời. Nhờ đó, tôi đã thích nghi với công việc, vượt qua những khó khăn và hoàn thành nhiệm vụ được giao” - bà Kíu bộc bạch.

Để làm tốt vai trò Tổ trưởng Tổ Phụ nữ dân tộc ấp, bà Kíu thường dành thời gian mỗi ngày gặp gỡ, trò chuyện, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chị em hội viên để từ đó tìm cách hỗ trợ, giúp đỡ cho họ. Đặc biệt, đối với những hội viên còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, bà luôn quan tâm, hỗ trợ bằng cách tự bỏ tiền túi ra; đồng thời, vận động những hội viên có điều kiện kinh tế tương đối khấm khá để cùng nhau giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn hơn. Cách làm này đã giúp cho nhiều gia đình có điều kiện làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo và ổn định cuộc sống.

Ngoài ra, Tổ Phụ nữ dân tộc ấp Nguyễn Thái Học còn thành lập quỹ tiết kiệm bằng hình thức góp vốn giữa các thành viên trong tổ với nhau. Cách làm này nhằm tạo điều kiện cho các chị em (là thành viên trong tổ) có điều kiện vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, buôn bán để phát triển kinh tế gia đình. Hiện mô hình đã áp dụng được 3 năm và mang lại kết quả ban đầu tích cực.

“Những ngày đầu mới thành lập, Tổ Phụ nữ dân tộc ấp chỉ có 20 thành viên đăng ký tham gia. Tuy nhiên, sau này thấy được mục đích, ý nghĩa cũng như lợi ích của việc sinh hoạt tại tổ thì chị em đăng ký tham gia ngày càng đông. Hiện số lượng đã tăng lên 40 thành viên…” - bà Kíu chia sẻ.

An Nhơn

Tin khác