1. Kinh doanh

Người định vị 'Tinh hoa quà Việt'

Trải qua nhiều thăng trầm, ông đã gây dựng thành công thương hiệu Ô mai Hồng Lam, đưa một món quà vặt trở thành “Tinh hoa quà Việt” với chuỗi hàng chục cửa hàng, đại lý trên toàn quốc.

Tinh thần người lính

Nguyễn Hồng Lam sinh năm 1957, trong một gia đình tri thức ở Hà Nội. Cha ông nguyên là Phó giám đốc Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, còn mẹ là kỹ sư hóa học. Tuổi thơ là những tháng ngày sơ tán, học tập và sinh hoạt trong các nhà trẻ, khu quân đội nên sớm hình thành trong ông ý thức của một quân nhân. Năm 1974, Nguyễn Hồng Lam cùng với 4 bạn học cùng lớp của Trường Cấp 3 Việt Đức (Hà Nội) được chọn vào đề án 1X6.

Đây là đề án thực hiện từ năm 1972, lựa chọn các học sinh giỏi trong cả nước có số điểm thi đại học đạt từ 23 điểm trở lên, trong đó môn Toán ít nhất 8 điểm, do Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện.

Ông Nguyễn Hồng Lam (thứ hai, từ trái sang) với các khách hàng thân thiết.

Những “hạt giống đỏ” sẽ được đưa ra nước ngoài đào tạo nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho việc tái thiết đất nước, xây dựng Quân đội sau khi nước nhà thống nhất. “Phải đến nhiều năm sau này, chúng tôi mới được biết chủ trương ấy của Đảng, Nhà nước ta. Chứ như bao thanh niên hồi ấy, chỉ cần được biết là sẽ đi học để rồi trở về góp phần xây dựng đất nước là ai cũng sẵn sàng”, ông Nguyễn Hồng Lam cho biết.

Ngày 30-9-1974, Nguyễn Hồng Lam nhập ngũ và chính thức trở thành thành viên của Đại đội 196, Đại học Kỹ thuật Quân sự (nay là Học viện Kỹ thuật Quân sự). Sau khoảng một năm học tập, rèn luyện tại đây, chàng trai Hà Nội mang trong mình niềm kiêu hãnh đại diện cho thế hệ trẻ Việt Nam lên đường sang Liên Xô học chuyên ngành kỹ thuật điện ảnh tại Đại học Điện ảnh Leningrad.

6 năm miệt mài học tập trên đất bạn, Nguyễn Hồng Lam tốt nghiệp loại giỏi với 44/45 môn đạt điểm tuyệt đối 5/5 và được nhà trường đề nghị ở lại chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh. Nhưng nơi quê nhà, hòa bình vừa lập lại, khao khát tham gia công cuộc dựng xây quê hương đã thôi thúc ông trở về. Vì vậy, năm 1981, Trung úy Nguyễn Hồng Lam về nước và công tác tại Xưởng phim Quân đội nhân dân với công việc chính là kỹ sư kỹ thuật hình, chuyên về các thiết bị máy quay. Nhiều thách thức, nhiệm vụ đặt ra với chàng kỹ sư trẻ. Nhưng với chuyên môn được đào tạo bài bản, không gì có thể làm khó được Nguyễn Hồng Lam. Câu chuyện quay phim trên máy bay chiến đấu MiG-21 là một ví dụ.

Ông kể: “Khoảng tháng 4-1985, Xưởng phim Quân đội nhân dân thực hiện bộ phim điện ảnh về Bộ đội Không quân. Trong kịch bản có nhiều phân đoạn quay cảnh bay huấn luyện thực tế trên không. Bấy giờ, ta chưa thể có các thiết bị quay hiện đại như bây giờ nên việc thực hiện những cảnh quay ấy rất khó khăn, đã có phương án nhờ sự giúp đỡ của chuyên gia nước ngoài. Nhưng tôi đề xuất với cấp trên cho phép đến Trung đoàn Không quân Sao Đỏ (Trung đoàn 921, Sư đoàn 371) để tìm hiểu thực tế và nghiên cứu tài liệu tìm phương án. Phải mất cả tháng trời, cuối cùng tôi đã tìm ra giải pháp tối ưu”.

Và phương án mà kỹ sư Nguyễn Hồng Lam nghiên cứu và thử nghiệm nhiều lần mới thành công đó là sử dụng thùng dầu phụ của máy bay. Do bay huấn luyện phi công không tác chiến thật nên thùng dầu mang theo sẽ rỗng, bên trong chứa thiết bị quay kết nối với thiết bị điều khiển trên máy bay. Thao tác bấm nút cắt thùng dầu phụ khi “tác chiến” của phi công giờ đây chính là thao tác bấm máy quay ghi hình. “Đoàn làm phim đã có được những cảnh quay chân thực nhất về không quân tiêm kích của ta mà ngày ấy vốn được mặc định rằng người Việt Nam không thể làm được”, ông tự hào kể.

Thỏa chí nơi thương trường

Giai đoạn công tác tại Xưởng phim Quân đội nhân dân cũng là giai đoạn kinh tế đất nước khó khăn, vì thế, nếu chỉ trông chờ vào đồng lương sĩ quan thì cuộc sống của gia đình Nguyễn Hồng Lam rất khó khăn. Ngày ở đơn vị, tối ông lại làm thêm nhiều công việc khác nhau. Nhưng nhận thấy như vậy không ổn nên năm 1991, Nguyễn Hồng Lam xin xuất ngũ.

Khi ông bày tỏ quyết định rời Quân đội để theo đuổi đam mê kinh doanh, gia đình và rất nhiều người quen biết đều bày tỏ sự phản đối. Nhất là cha ông, một Đại tá về hưu với bao kỳ vọng vào người con trai đang trên đà thăng tiến, trong khi nghề “con buôn” chưa được xã hội xem trọng. Biết bao rủi ro, khốc liệt đợi chờ phía trước khiến Đại úy Nguyễn Hồng Lam phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều. Nhưng ông vẫn lựa chọn ngã rẽ mới cho cuộc đời...

Từ một người lính làm việc trong lĩnh vực điện ảnh, chưa từng va chạm với thương trường, ông tập tành công việc buôn bán, kinh doanh. Ban đầu, nhờ khả năng nắm bắt thông tin, ông mua đi bán lại một số mặt hàng, rồi dần dần chuyển sang tổ chức kinh doanh, tiếp đến là tổ chức sản xuất. Sau khi trải qua khoảng 20 nghề khác nhau, thành công nhiều và thất bại cũng không ít, cuối cùng, như một nhân duyên, Nguyễn Hồng Lam đã đến và thành công với nghề ô mai-mứt cổ truyền.

Ông bảo: “Tôi gọi là duyên bởi đây vốn là nghề gia truyền, mà gia đình tôi đều là cán bộ, viên chức nhà nước. Ngày tôi giã củ gừng đầu tiên, cha tôi đã không thể tin rằng, một thằng con trai Hà Nội chưa từng vào bếp lại có thể làm ra những món ăn đặc sản. Không chỉ có gia đình hoài nghi, tôi còn nhận nhiều lời ra tiếng vào của mọi người khi thấy tôi phải đổ đi hàng trăm cân sấu, mơ, mận... vì những lần thử nghiệm hỏng. Nhưng tôi chưa khi nào nản chí. Quân đội đã rèn luyện ý chí mạnh mẽ để tôi tin vào năng lực của bản thân rằng: "Trừ những việc của thần linh, mọi thứ con người đều có thể làm được".

Vốn ngoại đạo trong ngành chế biến ô mai, hơn nữa, nghề này phần lớn phụ thuộc vào bí quyết gia truyền nên Nguyễn Hồng Lam khó lòng “bái sư” ở bất cứ đâu. Thế là người đàn ông chưa quen chuyện bếp núc ấy mày mò tự học, làm quen với củi lửa.

Ông bắt đầu giã những củ gừng đầu tiên với quyển sách nữ công gia chánh dạy làm mứt ở nhà. Hình ảnh người đàn ông một tay ghì chày, một tay ghì cối ra sức nện thật mạnh khiến xác gừng bắn tứ tung, đôi mắt giàn giụa nước do hơi gừng bốc lên cay sè... vẫn còn nguyên trong tâm trí nhiều người hàng xóm nơi ông ở. Mặc kệ tất cả, ông vẫn quyết làm. Ngày ngày, ông cần mẫn trong căn bếp chỉ vỏn vẹn vài mét vuông, làm đi làm lại hàng trăm mẻ ô mai để tìm ra công thức chế biến của riêng mình...

Việc làm ăn ngày càng khấm khá. Nhiều người đánh giá ô mai ông làm ngon hơn tất thảy những loại ô mai họ từng ăn. Khách tìm đến ngày một đông khiến nhu cầu sản xuất cũng tăng theo. Ông tìm đến những bà nội trợ nổi tiếng đảm đang, khéo léo để mở rộng sản xuất. Căn bếp củi lửa năm nào giờ không chỉ có một người. Đến năm 1992, Nguyễn Hồng Lam bắt đầu có công nhân sản xuất ô mai đầu tiên tại Trần Phú. Ngày 10-10-1996, Công ty Cổ phần Hồng Lam thành lập và chính thức tổ chức sản xuất, kinh doanh ngành ô mai-mứt một cách chuyên nghiệp.

Từ căn bếp nhỏ trong khu tập thể Quân đội với 5 công nhân, gia đình ông đã mở rộng quy mô xưởng sản xuất lên 600m2 ở làng Cót, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Từ một kiot bán lẻ ô mai với chiều rộng 90cm ở chợ Đồng Xuân, năm 2000, ông mở cửa hàng bán lẻ đầu tiên tại số 11 phố Hàng Đường. “Dấu mốc “từ nhà ra phố” của ô mai Hồng Lam bắt đầu từ đây. Hẳn nhiều người còn nhớ, thời ấy, người bán truyền thống thường xúc ô mai vào những gói nhỏ, sau đó đem lên cân và tính tiền cho khách. Giá ô mai thường xuyên dao động “tùy hứng” của chủ cửa hàng, đặc biệt vào mùa cao điểm. Lúc đó, Hồng Lam chúng tôi là cửa hàng duy nhất niêm yết giá đầy đủ trên sản phẩm, cam kết bình ổn giá trong những ngày lễ, tết.

Tất cả bao bì đều được in nhãn mác về thông tin, địa chỉ cửa hàng, tức là chúng tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình. Đây tuy chỉ là một chi tiết nhỏ nhưng vô cùng quan trọng và chưa một cửa hàng nào hồi ấy thực hiện, ngoài Hồng Lam. Tiếng lành đồn xa, khách hàng kéo đến cửa hiệu ngày một đông. Khách phương xa cũng rỉ tai nhau ra Hà Nội nhớ ghé ô mai 11 Hàng Đường”, ông kể.

Khi cửa hàng ở số 11 Hàng Đường quá tải, Hồng Lam tiến sang mở chuỗi cửa hàng và ông khát khao xây dựng nhà máy sản xuất ô mai chuẩn ISO đầu tiên tại Việt Nam. Chia sẻ về ước mơ đó, nhiều người cho rằng điều đó thật viển vông, nhưng với niềm tin của một người lính Cụ Hồ, ông vẫn luôn ấp ủ và quyết tâm thực hiện. Kể với chúng tôi về thời điểm bước ngoặt trong sự nghiệp của mình và của ngành ô mai-mứt, ông cho biết: “Tôi đã đi qua 5 tỉnh, thành phố để khảo sát, xin đất và gặp nhiều thất bại, thủ tục hành chính phải đi qua 16 cửa với 32 con dấu. Thời điểm giải phóng mặt bằng, tôi kiên trì làm dân vận hơn 70 hộ dân... Thú thực là nếu biết trước những chướng ngại đó, chưa chắc tôi đã đủ dũng cảm để vượt qua”.

Qua 28 năm phát triển, tới nay, Công ty Cổ phần Hồng Lam đang sở hữu nhà máy sản xuất quy mô công nghiệp đạt tiêu chuẩn ISO 22000 rộng 2,2ha tại Khu công nghiệp Quang Minh, có năng lực xử lý hàng trăm tấn quả tươi và sản xuất hàng triệu hộp ô mai mỗi năm cùng chuỗi phân phối tại các tỉnh, thành phố lớn trên toàn quốc. Dự kiến, Công ty sẽ xuất khẩu ô mai sang thị trường quốc tế trong những năm tiếp theo.

Là người sáng lập thương hiệu “Hồng Lam-Tinh hoa quà Việt” mang tinh thần người lính, Nguyễn Hồng Lam tự nhủ sẽ hết sức giúp đỡ người nông dân. Hồng Lam thu mua tất cả thành phẩm của người nông dân, dù quả to, nhỏ khác nhau cũng sẽ tìm cách chế biến ra nhiều loại ô mai phù hợp. Dù mất mùa, hay được mùa mất giá, ông hứa chắc nịch sẽ tìm mọi cách giúp nông dân thu mua sản phẩm mà không phải đổ đi. Và ông vẫn đang cùng các cộng sự thực hiện lời hứa ấy!

Cho đến tận bây giờ, khi tuổi đã gần thất thập, tinh thần, bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ, ngọn lửa đam mê học tập, sáng tạo chưa bao giờ ngừng cháy trong con người Nguyễn Hồng Lam. Hằng năm, ông vẫn thường xuyên tham gia các khóa học về kinh doanh và định vị doanh nghiệp. Để rồi chính ông lại trở thành người thầy truyền đạt những kiến thức đó cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên của mình, để cùng xây dựng thương hiệu "Hồng Lam-Tinh hoa quà Việt".

TRẦN THANH TÚ

Tin khác