1. Kinh doanh

Người đảng viên với khát vọng đưa sản phẩm tinh bột nghệ Mường Vang vươn xa

Từ hai bàn tay trắng, sau quá trình khởi nghiệp đầy gian nan, đến nay, Công ty TNHH Nhưng Vần của thầy giáo, đảng viên Bùi Văn Nhưng ở xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn) đã và đang khẳng định vị thế bằng những sản phẩm chất lượng cao. Hơn hết, bằng chính nhiệt huyết, khát vọng vươn lên, không cam chịu nghèo khó, đảng viên trẻ Bùi Văn Nhưng đã mở ra hướng đi mới, góp phần đưa khát vọng của người nông dân ở vùng đất Mường Vang vươn xa...

Đối tác tham quan xưởng sản xuất tinh bột nghệ của Công ty TNHH Nhưng Vần Hòa Bình, xã Xuất Hóa (Lạc Sơn).

Xuất thân từ gia đình nông dân nghèo, từ nhỏ anh Bùi Văn Nhưng đã có ước mơ trở thành một doanh nhân. Cơ duyên bắt nguồn từ câu chuyện vợ anh bị bệnh dạ dày lâu năm. Nghe lời mách bảo của những người lớn tuổi trong làng, anh lấy củ nghệ trong vườn nhà phơi khô xay thành bột, trộn với mật ong và một số thảo dược khác cho vợ uống. Sau một thời gian bệnh đau dạ dày của vợ giảm rồi khỏi hẳn. Mừng vui anh nghĩ đến ý tưởng trồng nghệ làm thuốc. Tranh thủ những ngày nghỉ không phải đến trường, anh đi khắp trong xã, ngoài huyện để gom giống nghệ, từ nghệ đen, nghệ vàng, nghệ xanh... về trồng trên đất vườn nhà để nghiên cứu chiết xuất tinh bột. Qua thời gian nghiên cứu, tìm tòi, thử nghiệm, năm 2015 anh lên xã vùng cao Miền Đồi, nơi anh từng công tác để nghiên cứu xây dựng vùng nguyên liệu.

Từ việc khảo sát, vận động được một số hộ gia đình cùng tham gia, ban đầu anh đứng ra cam kết cung cấp giống và tiêu thụ sản phẩm cho 5 hộ với diện tích trồng 1ha giống nghệ nếp. Sau hơn 8 tháng bà con thu được 5 tấn củ tươi, giá trị thu mua thời điểm đó là 5.000 đồng/kg, cho thu nhập tương đương 25 triệu đồng/ha. Chia sẻ với chúng tôi, ông Bùi Văn Mạnh ở xã Miền Đồi cho biết: "Gia đình tôi liên kết trồng nguyên liệu với công ty Nhưng Vần diện tích 7.000m2. So với trồng lúa và các loại cây màu khác, giá trị cây nghệ đem lại cao hơn gấp 4 - 5 lần mà công đầu tư chăm sóc bỏ ra ít hơn. Bình quân mỗi vụ gia đình tôi có thêm nguồn thu 35 - 40 triệu đồng. Gia đình mua được ti vi, xe máy và có tiền cho con ăn học nhờ vào vườn nghệ...”.

Sau khi thu mua, củ nghệ được sơ chế thủ công rồi đưa vào nghiền ép lấy tinh bột. Thời gian đầu anh cung cấp sản phẩm tinh bột nghệ cho những cơ sở sản xuất tinh bột nghệ có uy tín tại các tỉnh, thành phố, một phần bán ra thị trường. Vừa làm vừa nghiên cứu, trong 5 năm sau đó, anh chỉ duy trì trồng nguyên liệu đầu vào từ 1 - 2ha. Đến năm 2019, với những kinh nghiệm có được, anh mạnh dạn đầu tư thêm máy móc và quyết định đăng ký hộ kinh doanh tinh bột nghệ với cơ quan nhà nước. Tháng 12/2021, sản phẩm tinh bột nghệ của gia đình anh được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Đến tháng 12/2022, cơ sở sản xuất, kinh doanh tinh bột nghệ chuyển đổi thành Công ty TNHH tinh bột nghệ Nhưng Vần Hòa Bình. Từ đây mở ra chặng đường mới, cơ hội mới, thành công mới đưa khát vọng vươn xa. Đầu năm 2024, sản phẩm tinh bột nghệ Nhưng Vần được nâng cấp lên sản phẩm OCOP 4 sao.

Từ khi thành lập công ty, anh và gia đình đã dành toàn bộ vốn liếng, tập trung đầu tư máy móc, trang thiết bị, nhà xưởng hiện đại trị giá hàng tỷ đồng. Anh Bùi Văn Nhưng hồ hởi giới thiệu với chúng tôi về hệ thống lọc tinh bột nghệ tự động: "Sau bao nhiêu năm mày mò, tìm tòi, nghiên cứu, tôi đã chế tạo được hệ thống lọc tinh bột tự động. Hệ thống kết hợp với máy sấy lạnh được mua với giá hơn 300 triệu đồng giúp cho công việc của công nhân nhàn hơn, mà lại giữ được chất lượng tinh bột tốt hơn so với sử dụng hệ thống lọc theo kiểu truyền thống”. Bên cạnh đó, vùng nguyên liệu cũng được mở rộng với diện tích hơn 12ha tại các xã: Miền Đồi, Nhân Nghĩa, Tân Lập, Văn Sơn. Do được trồng trên đất đồi và khu vực có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp nên đảm bảo nguyên liệu phục vụ sản xuất quy mô lớn, chất lượng cao. "Hiện công ty tiếp tục tập trung nghiên cứu trồng thử nghiệm giống nghệ đen, nếu phù hợp, có năng suất, chất lượng cao sẽ cho trồng đại trà nhằm góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân trồng nghệ” - anh Bùi Văn Nhưng chia sẻ.

Thấy được định hướng đúng cũng như cách sản xuất, kinh doanh hiệu quả của công ty, chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện để anh mở rộng quy mô sản xuất, nhằm thu hút người dân tham gia, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn. Công ty đã đầu tư trang thiết bị, máy móc, nhà xưởng cơ bản đầy đủ, đáp ứng nhu cầu sản xuất. Công ty luôn có từ 8 - 10 công nhân làm việc thường xuyên với mức thu nhập từ 6 - 9 triệu đồng/người/tháng. Bình quân mỗi vụ công ty sản xuất khoảng 1,5 tấn sản phẩm tinh bột, tương đương giá trị từ 500 - 750 triệu đồng tùy vào thời điểm. Cùng với các sản phẩm khác, tổng doanh thu của công ty đạt khoảng 1 tỷ đồng/năm.

Sản phẩm tinh bột nghệ Nhưng Vần hiện được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường với gần 10 loại mẫu mã khác nhau. Năm 2023, lô hàng đầu tiên gồm 1.080 lọ tinh bột nghệ loại 200g, 500g của công ty được xuất khẩu sang thị trường Anh quốc đã mở màn cho chiến lược kinh doanh lâu dài và vươn tầm của công ty trong tương lai. Hiện nay, được sự hỗ trợ của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh cũng như cấp ủy, chính quyền các cấp, công ty tiếp tục thực hiện các bước xúc tiến thương mại, hoàn thiện thủ tục hồ sơ năng lực để xuất khẩu sản phẩm sang thị trường một số nước như: Canada, Hoa Kỳ, Đức, Hà Lan, Nhật Bản.

Bên cạnh đó, công ty thường xuyên tham gia các sàn giao dịch điện tử, giới thiệu trưng bày tại các hội thảo xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm hàng nông sản trong và ngoài tỉnh. Công ty còn phối hợp, liên kết với nhiều đại lý, cửa hàng để tiêu thụ sản phẩm, nhất là tại các trung tâm tỉnh, thành phố. Mới đây, công ty hợp tác liên kết với Trường Đại học Y Hà Nội tiến hành nghiên cứu chiết xuất và cho ra đời sản phẩm tinh dầu nghệ nguyên chất, dùng điều trị các vấn đề về dị ứng, nổi mề đay, mẩn ngứa, viêm da, côn trùng đốt… Sản phẩm hiện đang hoàn thiện thủ tục để công bố đưa vào danh mục thuốc... Trong tương lai, công ty sẽ mở rộng thêm diện tích trồng nghệ, tạo được nhiều việc làm cho nông dân hơn, hiện thực hóa khát vọng đưa sản phẩm tinh bột nghệ Mường Vang vươn xa.

Bùi Công Nhắn

(Trung tâm VH-TT&TT huyện Lạc Sơn)

Tin khác