Người dân TP HCM mê mẩn đặc sản vùng miền
Ngày 6-11, Tuần lễ Sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm đặc trưng các vùng miền và công nghệ sản xuất - bảo quản - chế biến nông sản năm 2024 tại Công viên Văn hóa Lê Thị Riêng (đường Cách mạng Tháng Tám, quận 10, TP HCM) chính thức khai mạc với 324 đơn vị tham gia cùng hàng ngàn sản phẩm, trong đó có khoảng 660 sản phẩm OCOP.
Sản phẩm xanh - sạch
Sự kiện do UBND TP HCM chỉ đạo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức với sự phối hợp của nhiều cơ quan liên quan cùng sự tham gia của các vùng TP HCM hợp tác: ĐBSCL, Đông Nam Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và một số tỉnh phía Bắc khác.
Phát biểu tại buổi lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh TP HCM tiếp tục kỳ vọng sự tăng cường mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ… với các tỉnh, thành trên cả nước nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng là lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh. Sự kiện không chỉ tôn vinh thành tựu trong lĩnh vực nông nghiệp, các sản phẩm OCOP mà còn là nơi hỗ trợ các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) tiếp cận trực tiếp với nhà phân phối, người tiêu dùng, khách tham quan du lịch trong và ngoài nước.
Theo ghi nhận của phóng viên, ngay sau giờ khai mạc, các gian hàng đã đông nghịt khách đến dùng thử sản phẩm và "chốt đơn" rất nhiều hàng hóa bởi hiếm khi đặc sản vùng miền chính gốc lại tụ hội tại TP HCM nhiều cùng chương trình khuyến mãi hấp dẫn.
Tại gian hàng của tỉnh Lào Cai, bà Vũ Thị Thắm (dân tộc Dao đỏ), Giám đốc HTX Chế biến thực phẩm sạch Gia Phú (huyện Bảo Thắng), trong trang phục truyền thống không ngơi tay mời khách dùng thử, tư vấn và bán hàng. Các sản phẩm chủ lực là thịt trâu sấy, thịt heo sấy, lạp xưởng… theo công thức của địa phương nhưng có cải tiến để phù hợp với thị trường.
Bà Thắm cho hay sự kiện năm 2023 tại đây đã bán được 90% sản phẩm, kết nối được 4 nhà phân phối tại TP HCM thường xuyên lấy hàng nên bà kỳ vọng năm nay sẽ bán được hàng nhiều hơn thế. Bà cũng tiết lộ năm nay hàng Tết chuẩn bị tăng 40% do mở rộng được thị trường tiêu thụ.
Bà Lưu Thanh Hòa, cán bộ Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Lào Cai, cho biết gian hàng có 64 sản phẩm OCOP. Đáng chú ý, tại đây có nhiều sản phẩm chế biến từ cá hồi nuôi tại Sa Pa (Lào Cai). Đại diện nhà sản xuất cho biết đã nuôi cá hồi được 13 năm, giá bán nguyên con tại trại khoảng 250.000 đồng/kg và đơn vị đang tập trung vào chế biến như: chà bông cá hồi, cá hồi xông khói, xúc xích cá hồi… và được tiêu thụ rất mạnh.
Theo bà Hòa, qua các đợt tham gia sự kiện quảng bá tại TP HCM, các chủ thể sản xuất đã cải tiến sản phẩm về chất lượng, mẫu mã để phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. "Chúng tôi mong muốn được hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội để tiếp cận người tiêu dùng nhanh và nhiều hơn" - bà Hòa đề xuất.
Hào hứng với livestream bán hàng
Ông Nguyễn Văn Duy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phú Sinh (huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi; chuyên đặc sản hành, tỏi Lý Sơn), cho biết tại tuần lễ sẽ có giá bán giảm 10% cho người tiêu dùng. Trong đó, có nhiều sản phẩm "hot" của DN như tỏi cô đơn Lý Sơn giá gốc 3,5 triệu đồng/kg, tỏi cô đơn trắng giá gốc 1,2 triệu đồng/kg. Ông Duy cho hay đã bán đặc sản lên kênh online và cả livestream để tiếp cận khách hàng cả nước.
Vừa chiên bánh phồng tôm và bánh phồng cua để chuẩn bị livestream với nhà sáng tạo nội dung "Tuyen Saphia" trên TikTok, bà Trần Thu Trang, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Bánh phồng tôm Hàng Vịnh Năm Căn (Cà Mau), rất hào hứng bởi lần đầu "lên sóng". Bà cho biết đã mở gian hàng trên TikTok Shop 3 tuần nhưng chưa có đơn hàng nào nên mong muốn được học hỏi cách livestream cũng như cách vận hành trên nền tảng video ngắn này.
Theo bà Trang, ở quê bà có làng nghề chuyên làm bánh phồng tôm, bánh phồng cua nhưng chưa có thương hiệu nên giá bán ra thấp, người làm nghề thiệt thòi nên bà đã bắt đầu khởi nghiệp từ năm 2019.
Còn bà Đoàn Thị Hồng Thắm - Giám đốc Công ty TNHH MTV Hygie & Panacee (Cần Thơ; chuyên về dược trà từ nông sản, có sản phẩm OCOP 4 sao) - đang tích cực xây dựng kênh, học livestream và sẽ chính thức bán hàng trong thời gian tới. "Trước đó, chúng tôi có bán hàng qua sàn thương mại điện tử nhưng khi tham gia chương trình livestream của Hằng Du Mục chỉ 90 giây đã chốt được gần 600 đơn hàng, tỉ lệ hủy đơn rất ít" - bà Thắm kể.
Nhà sáng tạo nội dung Min Mặn Mồi (tên thật Tiêu Hoàng Minh) có tài khoản TikTok 2,2 triệu lượt theo dõi cho biết khi được ban tổ chức mời tham gia phiên Mega live trong sự kiện đã sắp xếp dự ngay. "Sản phẩm OCOP rất phù hợp để bán hàng online, đặc biệt qua livestream, vì thường có câu chuyện hay để kể. Tôi thường khuyên các chủ thể cứ mạnh dạn livestream, có sao nói vậy, miễn là chân chất, thật là được.
Tuy nhiên, sản phẩm OCOP có điểm yếu là giá cao hơn sản phẩm cùng loại trên thị trường nên các chủ thể cần tìm cách giảm giá thành hoặc giảm giá bán để có được số lượng đơn hàng nhiều" - anh Minh nêu kinh nghiệm.
Bài và ảnh: NGỌC ÁNH