Những ngày này, cây húng quế trên địa bàn xã Kỳ Tân (huyện Kỳ Anh) đang trong giai đoạn thu hoạch vụ thứ 3. Theo chia sẻ của người dân, đây là đợt thu hoạch cuối cùng trong năm, sau đó, họ sẽ vun xới đất để trồng vụ mới từ sau tết Nguyên đán.
Toàn bộ vùng trồng này là của ông Trịnh Viết Thắng (SN 1978, quê Hà Nội). Ông Thắng chia sẻ: "Trước đây, gia đình tôi trồng húng quế ở vùng bãi đá sông Hồng (Hà Nội). Sau này, khi về Hà Tĩnh, nhận thấy khí hậu phù hợp với cây húng quế, tôi quyết định chọn mảnh đất Kỳ Tân để "gieo duyên" với loài cây này. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, tôi bắt đầu xuống giống 4 ha húng quế tại xứ đồng Cồn Nậy, thuộc thôn Xuân Dục từ tháng 3/2024".
Ông Thắng cho biết, húng quế là loài cây ưa nhiệt nên thời tiết càng nắng nóng, cây càng phát triển tốt. Vùng đất sườn đồi thuộc xã Kỳ Tân nhiều năm đã chịu tác động của tình trạng hoang hóa, một số nơi người dân phải chuyển đổi trồng các loại cây ngắn ngày song cho giá trị thấp. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, ông đã thuê diện tích đất để trồng thử nghiệm húng quế.
Sau khi xuống giống khoảng 3 tháng, cây húng quế cho thu hoạch vụ thứ nhất với năng suất khoảng 20 tấn cây/ha. Sau đó, cứ cách 45 ngày, cây sẽ cho thu hoạch vụ thứ 2, thứ 3. "Trồng húng quế cho lợi nhuận cao hơn các loại cây trồng khác bởi chỉ cần trồng 1 lần là cho thu hoạch 3 - 4 vụ trong năm. Thời điểm này, tranh thủ nắng ráo, tôi huy động nhân lực để thu hoạch, tránh thời tiết mưa" - ông Thắng cho hay.
Húng quế sau khi cắt sẽ được thu gom về cơ sở tại Kỳ Văn để ép tinh dầu. Trung bình 1 tấn cây sẽ ép được 6-7 kg tinh dầu thành phẩm, bán ra với giá 1,2 - 1,4 triệu đồng/kg. Sản phẩm được các đơn vị kết nối thu mua tại chỗ, sau đó nhập khẩu sang các nước Đông Âu để tiêu thụ. Mỗi năm, sau khi trừ các khoản chi phí, mô hình trồng húng quế giúp ông Thắng có được mức lợi nhuận khoảng 60 - 70 triệu đồng/ha. Ông Thắng đang mở rộng trồng thêm 8 ha tại xã Kỳ Văn.
Không chỉ là loại cây có giá trị kinh tế cao, mô hình trồng húng quế còn tạo việc làm, thu nhập khá cho khoảng 10 lao động thường xuyên và hơn 20 lao động thời vụ, chủ yếu tại các xã Kỳ Tân, Kỳ Văn...
Bà Hà Thị Hoa (thôn Đại Đồng, xã Kỳ Văn) chia sẻ: "Sau thời gian làm đất, gieo trồng, chúng tôi được thuê bón phân, làm cỏ và thu hoạch. Công việc duy trì thường xuyên với mức thu nhập 260.000 đồng/ngày giúp tôi có thêm nguồn thu nhập ổn định, tranh thủ được khoảng thời gian nông nhàn".
Với nhiều giá trị kinh tế, húng quế được xem là loại cây trồng có tiềm năng, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu tại vùng bán sơn địa, núi đồi, góp phần gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân.
Video: Cây húng quế "bén duyên" trên mảnh đất Kỳ Tân.
Ông Trần Công An - Chủ tịch UBND xã Kỳ Tân
Phan Cúc
Tin khác