Người Churu đổi thay từ nông nghiệp
Theo ông K’Sung - Trưởng Phòng Dân tộc huyện Đơn Dương cho biết: “Cuộc sống của đồng bào Churu ở đây hiện nay đã khá lên rất nhiều so với trước. Nhiều hộ, từ chăm chỉ làm ăn, đã vươn lên làm giàu ngay chính tại mảnh đất sản xuất của mình. Đặc biệt, từ khi địa phương phát động Phong trào xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu, đồng bào được hướng dẫn, tham gia các lớp tập huấn, tham quan thực tế các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch để học hỏi làm theo.
Nói đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ của đồng bào Churu ở huyện Đơn Dương, cái tên Tổ hợp tác Iem Gõh Churu không còn xa lạ. Đây là một điểm sáng trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại xã Tu Tra. Trong tiếng Churu, Iem Gõh có nghĩa là rau sạch. Và quả thật đúng như tên gọi, các sản phẩm của tổ hợp tác cam kết không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học, thuốc diệt cỏ, chất kích thích...
Chị Ma Đậm, Tổ trưởng tổ hợp tác kể lại: Từ năm 2016, từ những buổi sinh hoạt, tập huấn của huyện về tác hại của thuốc trừ sâu, hóa học… thế là nhiều gia đình trong thôn Ma Đanh “rủ nhau” cùng làm rau hữu cơ, dần dần tổ hợp tác đã ra đời. Đến nay sau gần 10 năm, tổ hoạt động ổn định, thu nhập các tổ viên đạt khá và đặc biệt là thương hiệu Iem Gõh đã được nhiều người biết đến.
Theo quy định của tổ, để sản xuất rau hữu cơ, những thành viên tham gia trước tiên phải cải tạo diện tích sản xuất rau, bổ sung dinh dưỡng để cải tạo đất, thông qua việc trồng các giống cây hỗ trợ cho đất nhằm tạo thêm các loài sinh vật trong đất. Còn về nguồn giống dùng để sản xuất cũng là giống hữu cơ, được cung ứng từ vườn ươm và trang trại sản xuất rau hữu cơ Thiên Sinh ở xã Lạc Lâm. Và kỹ sư tại nơi cung cấp giống cũng về hướng dẫn, hỗ trợ về kỹ thuật.
Với phương thức canh tác không sử dụng chất hóa học, tận dụng những nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương (giống, phân chuồng, phế phụ phẩm nông nghiệp, chế phẩm tự chế…), tổ hợp tác hướng đến sản xuất nông nghiệp gắn liền với việc đảm bảo sức khỏe cho con người, cho đất, cho hệ sinh thái. Từ những người nông dân nhỏ lẻ còn nhiều hạn chế về kinh nghiệm, kiến thức, kinh tế, tổ hợp tác hoạt động dựa trên việc xây dựng cơ cấu nhóm và phân nhiệm cụ thể. Đến nay, sau gần 10 năm, tổ hợp tác đã phát triển, là nơi hỗ trợ, ngôi nhà chung cho các thành viên trong suốt tiến trình canh tác hữu cơ. Và hoàn thiện hơn trong các khâu, đưa sản phẩm tốt nhất đến tay người tiêu dùng.
Tổ hợp tác hoạt động theo quy trình bài bản, khoa học: Tự thu hái, đóng gói, vào sổ số lượng, tham gia kiểm tra chéo để đánh giá và kiểm soát chất lượng rau của từng thành viên... Tất cả các mặt hàng sẽ được thu hoạch vào thứ Hai và thứ Năm hằng tuần. Mỗi hộ phải thông báo mặt hàng sẽ thu hoạch trong tuần kế tiếp với số lượng ước tính, từ đó tổ trưởng tổ hợp tác sẽ thông báo đến đơn vị thu mua nắm.
Ngược về xã P’ró, nơi cũng có đông đồng bào dân tộc Churu sinh sống, chúng tôi lại được giới thiệu mô hình trồng củ năng của thanh niên 9x Ya Sâm. So với trồng cây lúa thì mức thu nhập từ cây củ năng cao hơn gấp 3 lần. Khi trồng thử và thấy củ năng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng khác, Ya Sâm đã vận động bà con họ hàng chuyển đất trồng lúa sang trồng cây củ năng. Ya Sâm cho biết: Năm 2024, diện tích củ năng của anh năm 2024 ước đạt sản lượng trên 30 tấn củ, nếu giá mua 10.000 đồng/kg thì năm nay gia đình Ya Sâm có thu nhập hơn 300 triệu đồng.
Đến nay, xã Pró - huyện Đơn Dương đã có trên 125 ha cây củ năng, đa số là của bà con đồng bào dân tộc thiểu số, bình quân mỗi năm, bà con nông dân đã có thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng. Đời sống thay đổi, không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên kinh tế khá.
Những câu chuyện thay đổi tư duy sản xuất, thay đổi đời sống vật chất và tinh thần của người Churu ở huyện Đơn Dương nay đã trở thành câu chuyện điển hình mỗi khi được nhắc đến. Cùng với sự phát triển của huyện nông thôn mới kiểu mẫu, người Churu ở Đơn Dương cũng đã “vươn lên” ngay chính tại quê hương mình.
DIỄM THƯƠNG