1. Kinh doanh

Nghề tay trái, hái ra tiền

Anh Trắc chăm sóc khu vườn xanh tốt

Mô hình kinh tế vườn ao chuồng đã mang lại cho gia đình anh Mai Thanh Trắc nguồn thu nhập mỗi năm từ ba đến bốn trăm triệu đồng. Anh Trắc là gương mặt điển hình được Chủ tịch UBND TP. Huế tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2019 – 2023.

Căn nhà nhỏ của gia đình anh Mai Thanh Trắc nằm kề bên sườn đồi, quanh nhà là bạt ngàn những cội mai xanh mướt. 6 giờ chiều, nắng đã dần rút khỏi những tán cây trong vườn nhà, phía góc trời chỉ còn lại một màu đỏ ối. Trong bóng chiều chập choạng, hương hoa dẻ, hoa sử quân tử trước sân tỏa ra ngọt lịm, mà sau nhà là âm thanh rộn rã của bò, gà, heo khiến một góc sườn đồi trở nên chộn rộn. Anh Trắc luôn chân luôn tay hết cho gà, cho heo ăn. Sau khi kiểm tra chuồng trại rồi đóng cửa, anh lại ra vườn tưới cây.

Anh Trắc chia sẻ, công việc chính của anh là nghề thợ hồ. Khi việc nhiều thì nhận thầu, khi việc ít thì nhận công. Những ngày không có việc thì ở nhà nghỉ ngơi. Tiếng là ở nhà nhưng công việc chăn nuôi, trồng trọt luôn quấn lấy anh từ khi mặt trời chưa lên cho đến lúc tối mịt vẫn chưa hết việc.

Đất đai không nhiều, địa hình gò đồi, đầy sỏi đá nên khó khăn trong việc chọn lựa mô hình kinh tế phù hợp, đem lại hiệu quả, nhưng từ việc tự tìm tòi nghiên cứu, học hỏi, anh Trắc và vợ đã chọn mô hình chăn nuôi và trồng cây cảnh. Vợ chồng anh đào ao thả cá trê, nuôi vịt xiêm, gà kiến đẻ trứng và gà kiến lấy thịt, ngoài ra anh còn xây thêm chuồng trại để nuôi heo và bò. “Để đảm bảo đàn gà, đàn vịt phát triển tốt, ít bệnh tật, tôi cũng tự mày mò tìm hiểu qua sách báo, internet để học hỏi thêm cách chăm sóc, thuốc thang đảm bảo cho cho gia cầm ít bệnh tật. Những lúc cao điểm, đàn gà đàn vịt nhà tôi mỗi loại lên đến hàng trăm con. Buổi sáng thức dậy, đã thấy gà, vịt chạy đen sân đen vườn”, anh Trắc vui vẻ chia sẻ.

Chị Võ Thị Tý Hồng, vợ anh Trắc ngoài công việc buôn bán còn có nghề nấu rượu. Công việc nấu rượu tuy không đem lại lợi nhuận cao, nhưng lại tận dụng được nguồn hèm rượu làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. “Cá trê trong hồ phần lớn ăn bã hèm nên rất nhanh lớn, thịt cũng thơm ngon hơn nhiều nên được thị trường ưa chuộng”, anh Trắc nói. Ngày trước, vợ chồng anh cũng luôn duy trì đàn heo trên chục con và có từ 2-3 heo giống để chủ động trong việc phát triển đàn, thế nhưng sau một đợt dịch tả châu Phi khiến gia đình thất thu. Mấy năm trở lại đây, anh Trắc nghiêng sang việc phát triển, nhân giống vườn mai.

Để có vườn mai hàng trăm gốc như hiện tại, anh Trắc đã dành rất nhiều tâm huyết. Cứ đến giêng hai, khi thời tiết vẫn còn mát mẻ với những cơn mưa xuân lất phất là lúc anh Trắc tranh thủ gieo xuống hạt mai. Khi cây mai con lên xanh tầm 1 tuổi thì anh làm đất để vô chậu nhỏ. Cây mai lên 2 năm tuổi lại thay chậu to. Có những thời điểm hút cây, anh Trắc ra chậu hàng ngàn cây mai con đều được mua hết.

Yêu thích mai cảnh từ hồi còn thanh niên, nhưng phải đến những năm gần đây, anh mới tập trung vào mai. Nhờ đôi bàn tay chăm chỉ vun bón, nên vườn cây bốn mùa đều xanh tốt. Cứ tết đến, vườn mai của anh lại rộn rã ra phố, góp mặt trong các hội hoa xuân.

Không chỉ chăm chỉ lao động, phát triển kinh tế gia đình, anh Mai Thanh Trắc còn là người năng nổ, tích cực và đầy trách nhiệm trong các hoạt động của hội nông dân tại địa phương khi chủ động chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế với bà con, các hội viên hội nông dân để cùng giúp nhau làm giàu. Với tinh thần tự lực, vươn lên trong lao động sản xuất, là tấm gương điển hình trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, anh Mai Thanh Trắc đã nhận được giấy khen của Chủ tịch UBND thành phố Huế, UBND phường, Hội Nông dân phường…

Bài, ảnh: LINH CHI

Tin khác