Nghệ sĩ kinh doanh: lấy 'nghề phụ' làm đòn bẩy cho 'nghề chính'
Kinh doanh là phải có lợi nhuận, đó là một trong những mục tiêu ưu tiên khi các doanh chủ quyết định mở cửa doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng có những người làm kinh doanh với xuất phát điểm là cảm hứng cùng mục tiêu lấy “nghề phụ” làm đòn bẩy cho “nghề chính".
Trong các số phát sóng mới nhất, Doanh nhân chính truyện trên KTSG Online đã có những cuộc trò chuyện thú vị với các doanh nhân là diễn viên, vận động viên, đạo diễn… câu chuyện từ những ngày đầu chập chững cho đến khi doanh nghiệp đạt được những thành tựu nhất định. Họ là những người ấp ủ mong muốn làm nghệ thuật bền vững bằng con đường kinh doanh.
Cụ thể, đó là câu chuyện mở trung tâm dạy nhảy của cặp kiện tướng Dancesport Khánh Thi - Phan Hiển, hành trình xây dựng một công ty đào tạo giọng nói sau sự cố hư giọng của diễn viên lồng tiếng Đặng Khuyết hay lựa chọn thai nghén Xóm Kịch để tạo sàn diễn cho những mầm non trong nghề của NSƯT Vũ Xuân Trang - Hoàng Thy.
Tất cả bắt đầu vỏn vẹn bằng “cảm hứng”
Nếu những doanh nhân khác thường quyết định mở doanh nghiệp bằng câu chuyện nhu cầu thị trường, tiềm năng phát triển của sản phẩm, dịch vụ… thì đối với những người nghệ sĩ, cảm hứng chính là điểm xuất phát của một hành trình dài.
Bắt đầu với nguồn cảm hứng “tìm người chơi cùng", nay kiện tướng Khánh Thi - Phan Hiển đã góp phần đưa bộ môn dancesport trở nên phổ biến hơn, cùng với đó là mở rộng mô hình kinh doanh, từ việc tự giảng dạy, tìm kiếm học viên, tự làm quản lý giờ đây Khánh Thi đã có một đội ngũ chuyên trách các vị trí chuyên môn lẫn kinh doanh của trung tâm KTA - King The Art.
Khánh Thi chia sẻ, thời gian đầu khi đưa bộ môn dancesport về Việt Nam, nhiều người vẫn nghĩ đây là nhảy đầm, dành cho những người thích ăn chơi và không lành mạnh. Năm 2010, thời điểm Khánh Thi trở thành giám khảo của chương trình “Bước nhảy hoàn vũ" được xem là “cú hích" thay đổi cái nhìn của khán giả với khiêu vũ thể thao, giúp cặp đôi Khánh Thi - Phan Hiển mạnh dạn mở các lớp dạy nhảy.
“Lúc vợ chồng mình mới mở các lớp dạy thì chỉ đơn giản là tìm kiếm để dạy cho những người mà người ta yêu thích cái bộ môn này, sau đó mới bắt đầu dạy ở trong các nhà văn hóa rồi mình mới mở rộng ra các công viên với học phí chỉ mấy chục đến 100.000 đồng/ tháng với mục đích đưa dancesport được phổ cập, tiếp cận với nhiều người hơn”, Khánh Thi kể.
Cũng bắt đầu từ niềm cảm hứng truyền lửa nghề cho các thế hệ sau, diễn viên lồng tiếng Đặng Khuyết đã thành lập nên trung tâm đào tạo giọng nói Green Voices Media. Đặng Khuyết được khán giả nhớ đến qua những vai lồng tiếng cho nhân vật Nobita, Conan, Satoshi… Đam mê với sự nghiệp “giấu mặt", Đặng Khuyết từ bỏ công việc kỹ sư ngành hóa cùng mức lương ổn định để dấn thân vào con đường nghệ thuật. Vấp phải cú sốc lớn là sự cố hư giọng, anh chợt lóe lên suy nghĩ đi tìm một nguồn cảm hứng mới từ nền tảng cũ - giọng nói trời cho. Đó chính là lúc Green Voices Media ra đời.
“Lúc mở công ty, mình chỉ dựa trên nguồn cảm hứng là muốn làm cái thứ mình thích trước đã. Sau này, khi công ty dần hình thành con đường đi rõ ràng hơn, đó mới trở thành sự nghiệp. Khi đó, câu chuyện lợi nhuận mới trở nên ưu tiên vì đã có rất nhiều người đi với cùng, mình không thể kéo theo đồng đội đi theo cảm hứng của mình được”, Đặng Khuyết bộc bạch.
Loay hoay với câu hỏi: Nghệ sĩ làm sao để “hóa thân” thành doanh nhân?
Bước vào con đường làm ăn, cũng như bao nhiêu người khác, người nghệ sĩ phải đương đầu với các bài toán hóc búa về sản phẩm, thị trường cho nên chỉ có cảm hứng và nhiệt huyết là không đủ.
“Thi và Hiển cũng vấp váp rất là nhiều. Khi mình mở lớp dạy nhảy, những buổi đầu tiên khách hàng đến rất đông, mình mang một cái tâm lý là mình muốn người ta giỏi ngay lập tức nên ép người ta quá thành ra người ta bỏ đi. Cho nên, một vận động viên giỏi chưa chắc đã là một giáo viên, doanh nhân giỏi”, kiện tướng Phan Hiển chia sẻ.
Anh nói thêm, xuất thân là vận động viên nên việc vận hành một mô hình kinh doanh đối với Khánh Thi - Phan Hiển là cả một thách thức. Cùng với đó, do vận hành một trong những mô hình đào tạo khiêu vũ thể thao tiên phong tại Việt Nam nên cặp kiện tướng này phải loay hoay tự tìm hiểu, suy nghĩ chiến lược vận hành doanh nghiệp bởi hầu như không có những người đi trước để học hỏi kinh nghiệm.
Sau hành trình khoảng 15 năm mở lớp đào tạo, cặp kiện tướng đúc kết, muốn kinh doanh thành công đòi hỏi phải có kiến thức và chuyên môn nhất định. Ngoài ra cần có một tư duy nhạy bén để tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng.
Khánh Thi cũng nhận ra rằng, nếu muốn mở rộng quy mô kinh doanh thì phải chiêu mộ những vận động viên giỏi cùng đồng hành. Từ đó câu chuyện kinh doanh và vận hành bộ máy của KTA mới dần dà trở nên bài bản hơn.
Bên cạnh những trăn trở của Khánh Thi - Phan Hiển, diễn viên lồng tiếng Đặng Khuyết cũng cho rằng, người làm nghệ thuật đi kinh doanh có góc nhìn khác so với người học kinh doanh đi làm kinh doanh, bởi phải kìm nén cái tôi nghệ sĩ lại. Lúc mở công ty, diễn viên này có may mắn là không gặp vấn đề lớn thu - chi nhưng lại khó khăn về mặt quan điểm kinh doanh. "Chính vì vậy, nhiệm vụ của một người quản lý như mình là trao cho những người cộng sự góc nhìn như thế nào để họ có thể đi với mình đường dài”, anh Khuyết nói.
Với nền tảng là một kỹ sư hóa, từng làm việc nhiều với những con số, việc xây dựng chiến lược và tính toán kinh doanh không phải là thách thức lớn với Đặng Khuyết, tuy nhiên anh cho rằng, việc mở một lớp học chuyên về đào tạo thì dễ nhưng để duy trì một cách bài bản và bền vững thì rất khó.
Hiểu được sự khốc liệt của thương trường trong hành trình điều hành doanh nghiệp, Đặng Khuyết đã không ngừng đặt ra cho mình những câu hỏi về giá trị độc bản mà doanh nghiệp có thể cạnh tranh và thu hút học viên, đặc biệt là đối với một doanh nghiệp hướng tới đào tạo nghệ thuật như Green Voices Media.
Kinh doanh để nâng tầm nghệ thuật, mang lại giá trị cộng đồng
“Bạn bè xung quanh hay nói tụi mình khùng mới lựa chọn đi con đường này", đó là lời tâm sự của NSƯT Vũ Xuân Trang khi thành lập sân khấu Xóm Kịch với nguồn nhân lực là các diễn viên trẻ mới ra nghề thay vì lựa chọn những diễn viên gạo cội.
Nhiều ý kiến nhận định, vợ chồng NSƯT Vũ Xuân Trang - NS Hoàng Thy mạo hiểm khi một vở diễn bán vé nhưng diễn viên chính đều là các bạn trẻ chưa có tên tuổi. Dù phải gồng lỗ để nuôi sân khấu nhưng vợ chồng nghệ sĩ này vẫn kiên trì với mô hình kinh doanh Xóm Kịch với mục đích tạo cơ hội cho những tài năng trẻ.
“Hiện tại sân khấu Xóm Kịch mới thành lập nên thu nhập chỉ đủ để duy trì thôi. Để đảm bảo thu nhập cho diễn viên thì tụi mình cố gắng được còn trả các khoản phí khác để vận hành sân khẩu thì hầu như là không đủ”, NS Hoàng Thy trải lòng.
Cặp nghệ sĩ chia sẻ, việc duy trì sân khấu kịch trong thời điểm này vẫn nằm trong khả năng nhưng để Xóm Kịch tồn tại được lâu dài bắt buộc phải có chiến lược kinh doanh bài bản. Điều này vẫn đang là nỗi trăn trở chưa tìm được câu trả lời của vợ chồng NSƯT Vũ Xuân Trang - NS Hoàng Thy.
Theo NSƯT Vũ Xuân Trang, mục đích thành lập Xóm Kịch là từ mong muốn nâng tầm loại hình kịch nói qua con đường kinh doanh, đầu tư chỉnh chu chứ không chạy theo xu hướng dễ dãi.
Cùng mong muốn cống hiến nhiều hơn cho bộ môn nghệ thuật mà mình theo đuổi, Khánh Thi khẳng định sẽ tiếp tục đào tạo để lan tỏa dancesport và đem lại nguồn thu nhập cho nhiều người.
Nhắc đến giá trị bền vững, diễn viên lồng tiếng Đặng Khuyết quan niệm bền vững không phải chỉ tạo ra giá trị cho doanh nghiệp mà phải tạo ra giá trị cho cộng đồng và xã hội. Đó cũng chính là chìa khóa và mục đích mà Green Voices Media hướng tới. Cùng với đó, anh cũng cho rằng, sự bền vững về tài chính cũng là yếu tố quan trọng bởi "có thực mới vực được đạo".
Có thể thấy, dưới góc nhìn của những nghệ sĩ trong vai trò doanh nhân, nghệ thuật còn mang đến giá trị kinh tế. Từ đó, kinh doanh trở thành bước đệm cho đam mê được thăng hoa, bền vững và chạm đến những cột mốc to lớn hơn.
Trúc Nhã