1. Kinh doanh

Nghề sản xuất, chế biến gỗ nỗ lực đổi mới để phát triển

Trên địa bàn tỉnh hiện có 9 làng nghề, làng nghề truyền thống sản xuất, chế biến gỗ. Đây cũng là một trong những nhóm nghề truyền thống có sự phát triển ổn định nhất, thường xuyên tạo việc làm và nguồn thu nhập khá cho lao động nông thôn với mức bình quân từ 7-8 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm gỗ tại các làng nghề đa dạng về mẫu mã, chủng loại với các sản phẩm như giường, tủ, bàn ghế, cửa, cầu thang, ốp chân tường… Bên cạnh các làng nghề, nhiều thôn, xóm, tổ dân phố cũng xuất hiện ngày một nhiều số hộ tham gia làm nghề. Đến nay, các sản phẩm gỗ của Hà Nam đã có chỗ đứng trên thị trường, được mở rộng tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, từ miền Bắc đến miền Trung, miền Nam.

Theo ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong quá trình hình thành, phát triển, các làng nghề sản xuất gỗ của tỉnh đã có nhiều giai đoạn “hoàng kim”. Đây cũng là nhóm ngành có sự phát triển mạnh nhất với việc hình thành nhiều xưởng sản xuất lớn, nhỏ tại các khu dân cư. Tuy nhiên, khoảng 2 năm gần đây, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế cộng với sự đổi mới trong xu hướng tiêu dùng đồ nội thất của người dân, nghề sản xuất gỗ đã phải đối mặt với không ít khó khăn trong việc tìm kiếm hợp đồng. Tại một số làng nghề, địa phương trong tỉnh, số người gắn bó với nghề ngày một ít đi. Thị trường tiêu thụ chậm, các hộ chủ yếu làm gia công, không sản xuất đại trà như trước. Thực tế này đòi hỏi nghề gỗ phải có sự đổi mới để phát triển, phù hợp hơn với thị hiếu người tiêu dùng.

Trong khó khăn nhiều cơ sở sản xuất đồ mộc nỗ lực đổi mới để tồn tại và phát triển.

Xã Công Lý (Lý Nhân) hiện có trên 50 hộ tham gia làm nghề sản xuất gỗ, trong đó, riêng tại làng nghề chế biến gỗ thôn 2 Phú Đa (xã Công Lý) hiện có 16 hộ tham gia làm nghề (giảm 20% so với trước). Một số hộ do không bắt kịp yêu cầu về công nghệ và xu hướng thị trường đã phải đóng xưởng sản xuất. Vài ba hộ trong làng nghề đã chuyển đi Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh để tìm kiếm cơ hội phát triển mới do thị trường tiêu thụ mặt hàng gỗ đang ngày càng bị thu hẹp bởi sự tác động của các sản phẩm gỗ sản xuất theo hướng công nghiệp. Đồng chí Tạ Tuấn Anh, Bí thư Đảng ủy xã Công Lý cho biết: Suy thoái kinh tế đã làm giảm mạnh nhu cầu mua sắm, thay mới các thiết bị nội thất bằng gỗ của các hộ gia đình, cơ quan, đơn vị. Cùng với đó, người dân cũng đang có xu hướng sử dụng nguyên liệu bằng nhựa cao cấp để trang trí nội, ngoại thất như cửa ra vào, cửa sổ, cửa thông phòng, ốp trần nhà, chân tường, trang trí các vách ngăn, tủ bếp… nhằm tạo không gian trẻ trung, hiện đại cho ngôi nhà. Đứng trước khó khăn, nhiều hộ làm nghề gỗ đã tích cực nghiên cứu, tìm hiểu thị trường và chuyển hướng phát triển những sản phẩm gỗ mang ý nghĩa phong thủy, có lợi thế cạnh tranh hiện nay như tượng gỗ, tranh gỗ, lọ lục bình, bể cá…

Qua tìm hiểu cho thấy, ở xã Công Lý hiện nay, một số cơ sở sản xuất, chế biến gỗ đã áp dụng công nghệ CNC (điều khiển số bằng máy tính) vào công đoạn đục, chạm, tiện gỗ, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, bảo đảm độ chính xác cao cho sản phẩm với đa dạng các loại họa tiết, hình dáng độc đáo, đẹp mắt, đáp ứng nhu cầu thẩm mĩ của người sử dụng. Ngoài ra, hầu hết các hộ sản xuất đã đầu tư máy móc hiện đại để giảm bớt công đoạn làm thủ công như máy cuốn, máy vanh, máy gọt, máy phào, máy pha gỗ... Anh Nguyễn Văn Hòa, chủ một xưởng sản xuất gỗ ở thôn 3 Phú Đa, xã Công Lý cho biết: Nếu như trước đây, gần như 100% các công đoạn sản xuất gỗ đều làm thủ công thì hiện nay, do yêu cầu của thị trường, các loại máy móc hiện đại đã được đưa vào sản xuất. Tuy nhiên, do vốn đầu tư lớn, thị trường tiêu thụ lại chậm nên không phải hộ sản xuất nào cũng có thể đầu tư đủ các loại máy với chất lượng tốt để đáp ứng yêu cầu. Cùng với đó, người làm nghề cũng phải nhanh nhạy trong việc nắm bắt tâm lý tiêu dùng đồ gỗ trên thị trường để tìm ra những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Hiện, tôi đang tập trung sản xuất một số mặt hàng có giá trị cao như: nhà gỗ, trần nhà, sàn nhà, tranh gỗ, tượng gỗ.

Là một trong những hộ sản xuất đồ gỗ có quy mô lớn ở thôn Hội Động, xã Đức Lý (Lý Nhân), xưởng gỗ của anh Trần Văn Kiên đang tạo việc làm cho khoảng chục lao động. Nếu như khoảng 3 năm về trước, công nhân trong xưởng thường xuyên phải làm việc tăng giờ, nhất là khoảng thời gian nửa cuối năm để kịp tiến độ giao hàng thì nay, xưởng chỉ cơ bản duy trì đều việc làm cho người lao động. Để làm được điều đó, bản thân anh Kiên đã phải chủ động hơn trong việc tìm kiếm khách hàng, đồng thời đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trên các trang mạng xã hội. Anh Kiên cho hay: Mặc dù số lượng khách hàng giảm mạnh trong 2-3 năm trở lại đây nhưng ngược lại, xưởng gỗ của tôi lại ký kết được nhiều hơn những hợp đồng làm nội thất gỗ với giá trị lên tới hàng tỷ đồng. Trước yêu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng, thời gian qua, cùng với việc đầu tư một loạt máy mới hiện đại hơn để phục vụ sản xuất các mặt hàng cao cấp, tôi còn dành thời gian để đi tìm hiểu thực tế cũng như nghiên cứu trên mạng về các mẫu sản phẩm, hoa văn hiện đại, được dùng nhiều trong các căn biệt thự, từ đó tư vấn, giới thiệu cho khách hàng. Vì vậy, trong khi nhiều cơ sở khác phải đóng cửa hay sản xuất cầm chừng thì xưởng gỗ của tôi vẫn duy trì được việc làm thường xuyên cho người lao động.

Việc đổi mới máy móc, công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm là yếu tố sống còn đối với nghề sản xuất gỗ trong bối cảnh hiện nay. Song, cái khó của hầu hết các cơ sở sản xuất gỗ là thiếu vốn đầu tư dẫn tới gặp khó khăn trong việc nhập nguyên liệu gỗ phục vụ sản xuất, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Trăn trở và cũng là mong muốn lớn nhất của những người làm nghề sản xuất đồ gỗ hiện nay là được tiếp cận các nguồn vốn vay để có dòng tiền duy trì hoạt động, phát triển nghề truyền thống, tạo việc làm cho lao động địa phương, nhất là đối tượng lao động trẻ có việc làm ổn định và có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Nguyễn Oanh

Tin khác