1. Kinh doanh

Ngành F&B Việt Nam nỗ lực vượt thách thức

Ảnh minh họa.

Theo báo cáo của iPos.vn, tính tới hết tháng 6/2024, cả nước ghi nhận khoảng 304.700 cửa hàng kinh doanh F&B đang hoạt động, giảm 3,9% so với số liệu năm 2023. Có ít nhất 30.000 cửa hàng trên toàn quốc đã đóng cửa, cùng với số lượng mở mới có phần hạn chế.

KHÓ KHĂN TRONG NGẮN HẠN

Từ đầu năm 2024 đến nay, doanh thu các doanh nghiệp F&B tại Việt Nam đã chứng kiến sự biến động mạnh. Mặc dù khởi đầu năm mới với những tín hiệu tích cực, nhưng đến giữa năm, xu hướng giảm đã trở nên rõ rệt. Do đó, các doanh nghiệp đang ngày càng dè chừng trong việc phát triển kinh doanh trong những tháng cuối năm.

Theo khảo sát của iPos.vn, có 61,2% doanh nghiệp chỉ cố gắng duy trì quy mô kinh doanh như hiện tại, trong khi đó 34,4% dự kiến mở rộng thêm cơ sở mới. So với khảo sát cùng kỳ năm 2023, số lượng doanh nghiệp F&B có tham vọng tương tự là 51,7%.

Đánh giá về tình hình thị trường F&B nửa đầu năm 2024, ông Vũ Thanh Hùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần iPOS.vn, cho biết những biến động mạnh mẽ đã đặt ra không ít thách thức cho toàn bộ ngành dịch vụ, đặc biệt là lĩnh vực F&B. “Tuy nhiên, các doanh nghiệp F&B Việt Nam đã cho thấy sự linh hoạt đáng kinh ngạc khi nhanh chóng điều chỉnh hoạt động, cắt giảm chi phí không cần thiết và tối ưu hóa dòng tiền. Đồng thời, sự sáng tạo không ngừng trong việc phát triển sản phẩm đã mang đến những trải nghiệm ẩm thực mới lạ, thu hút đông đảo thực khách”, ông Hùng nhận định.

Sự khó khăn của nền kinh tế không làm giảm đi niềm yêu thích ẩm thực của người Việt Nam. Thay vì giảm chi tiêu cho ăn uống bên ngoài, nhiều người Việt cố gắng giữ tần suất đi ăn ngoài, nhưng có kế hoạch cụ thể hơn về chi tiêu. Theo khảo sát của iPos.vn, các mức đi ăn hàng ở tần suất cao (3 - 4 lần/tuần, hàng ngày) đều gần như không thay đổi so với năm 2023. Đồng thời, nhóm khách hàng có tần suất 1 - 2 lần/tuần có xu hướng tăng lên (khoảng 4,1%) so với năm 2023. Nhìn chung, nhóm khách hàng trung thành vẫn duy trì thói quen ăn uống như trước đây. Điều này cho thấy sức hút của ngành F&B vẫn rất lớn.

Sự khó khăn của nền kinh tế không làm giảm đi niềm yêu thích ẩm thực của người Việt Nam.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, tổng giá trị doanh thu ngành F&B tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024 gây bất ngờ với mốc 403,9 nghìn tỷ đồng, bằng 68,46% doanh thu của cả năm 2023. Theo khảo sát của Vietnam Report từ tháng 7 - 8/2024, 62,5% doanh nghiệp kỳ vọng ngành F&B sẽ tăng trưởng từ 5 - 10% trong năm 2024.

Đáng chú ý, là sự lạc quan của các doanh nghiệp về triển vọng của thị trường F&B tăng mạnh, với tỷ lệ tăng từ 61,6% lên 87,6%. Sự lạc quan này là hoàn toàn hợp lý khi các số liệu từ Bộ Công Thương dự báo doanh thu ngành F&B sẽ tăng trưởng 10,92% năm 2024, đạt hơn 720.000 tỷ đồng.

Tín hiệu lạc quan về sự cải thiện của ngành F&B trong thời gian tới còn đến từ tình hình tài chính của người tiêu dùng. Khảo sát người tiêu dùng ngành F&B năm 2024 của Vietnam Report cho thấy có tới 52,7% người tiêu dùng cho rằng thu nhập của họ sẽ cải thiện một chút và 21,8% cải thiện rất nhiều trong 12 tháng tới.

Ông Taku Tanaka, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Kamereo - công ty cung ứng thực phẩm tươi và vật dụng B2B toàn diện với nhiều đối tác lớn như Paris Baguette và Pizza 4P’s, đã lưu ý trong một phiên thảo luận tại hội thảo Flavors Vietnam 2024 mới đây: “Mặc dù ngành F&B Việt Nam có thể tồn tại những khó khăn ngắn hạn ở một số địa điểm cụ thể, nhưng tôi vẫn nhìn thấy tiềm năng đáng kể về lâu dài, đặc biệt là khi thu nhập của người tiêu dùng tiếp tục tăng”...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 41-2024 phát hành ngày 07/10/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Minh Anh

Tin khác