Ngành công nghiệp Gym & Fitness: Cân nhắc trước khi đầu tư
Tuy vậy hiện nay, ngành công nghiệp đầu tư vào sức khỏe này cũng đang phải đối mặt nhiều thách thức như tỉ lệ cạnh tranh gay gắt, áp lực dòng tiền…
Người Việt chú trọng đầu tư sức khỏe
Trong bối cảnh thời kỳ hậu Covid-19, nhu cầu đầu tư cho sức khỏe và tập luyện thể thao tại Việt Nam ngày càng thu hút được sự quan tâm của cộng đồng. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam đã chi 5,7% GDP cho chăm sóc sức khỏe năm 2020, tương ứng 15,4 tỷ USD. Con số này được dự báo tăng 26,9 tỷ USD vào năm 2029.
Xu hướng này kéo theo sự phát triển phong trào luyện tập và sự bùng nổ của các trung tâm tập luyện, chăm sóc sức khỏe với tên gọi là Gym & Fitness. Theo đánh giá từ kết quả khảo sát do trình duyệt Cốc Cốc thực hiện về Fitness vào đầu năm, các bộ môn thể dục từ Fitness, thể thao và võ thuật đều có vai trò quan trọng trong việc duy trì và nâng cao sức khỏe cộng đồng. Tỉ lệ lựa chọn lần lượt là 50,8%, 47,2% và 14,1%.
Chia sẻ về lý do tập luyện thể hình thu hút được sự quan tâm của cộng đồng, anh Bùi Tiến Thanh (40 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) - quản lý một câu lạc bộ Gym & Fitness tại Hà Nội cho biết: “Cách đây khoảng 15 năm, các bộ môn tập luyện thể hình còn khá mới mẻ và khó tiếp cận bởi giá cả tương đối đắt đỏ. Thế nhưng hiện nay, thị trường này cũng đã chia ra thành nhiều phân khúc: Phòng tập của những thương hiệu lớn dành cho những người có mức thu nhập cao; phân khúc phòng tập giá cạnh tranh dành cho sinh viên, học sinh và những người có thu nhập thấp hay còn gọi là phòng “cỏ”, phòng tập nhỏ riêng tư dành cho những người không thích sự ồn ào…
Anh Tiến Thanh cũng giải thích thêm, khác với các môn thể thao khác, người tập gym sẽ có những giờ tập cố định cùng những bài tập linh hoạt, đem lại hiệu quả nhanh chóng và rõ rệt, giúp mọi người có thể dễ dàng tiếp cận với bộ môn này. Bên cạnh đó, nhằm giúp khách hàng có những trải nghiệm mới mẻ và tăng hiệu quả tập luyện, các chuỗi phòng tập luôn tích cực tìm tòi và kết hợp đa dạng các bộ môn như Yoga, đấm bốc (boxing), võ thuật kết hợp âm nhạc (body combat), âm nhạc kết hợp cử tạ (body pump)…
Nhờ đó, ngành công nghiệp Gym & Fitness đã thành công trong việc thu hút khách hàng ở đa dạng lứa tuổi, đặc biệt là các bạn trẻ và dân văn phòng.
Đối mặt với nhiều thách thức
Tuy có nhiều lợi thế song hiện nay, ngành công nghiệp đầu tư vào sức khỏe này cũng đang phải đối mặt nhiều thách thức. Trước hết, sự gia tăng của nhiều phòng tập, chuỗi phòng tập tạo nên sự cạnh tranh gay gắt.
Có nhu cầu tập luyện để cải thiện vóc dáng sau khi sinh, chị Đỗ Mỹ Duyên (28 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã tìm kiếm một phòng tập phù hợp với điều kiện của mình, Chị Duyên cho biết, trong khoảng cách 4 km từ nhà tới công ty của chị có tới 6 phòng tập quy mô lớn, nhỏ khác nhau với đa dạng các môn thể thao. Khi tới các địa điểm trên để tìm hiểu và đăng ký trải nghiệm, chị Duyên nhận thấy các nhân viên đều cố gắng đưa ra mức giá cạnh tranh và tung ra các ưu đãi để “giữ chân” khách hàng và nhiệt tình tư vấn để kéo được khách hàng đăng ký thẻ hội viên.
“Tôi vẫn đang tìm hiểu và chưa đưa ra quyết định. Có lẽ tôi sẽ chọn phòng tập quy mô nhỏ và đóng tiền theo tháng thay vì mua thẻ lâu dài. Thực tế, không ít phòng tập hiện đang gặp khó khăn. Mới đây, tôi khá bất ngờ khi một chuỗi phòng gym cao cấp đã thông báo dừng hoạt động kinh doanh vì “những lý do khách quan bất khả kháng”. Tôi nghĩ rằng nhiều khả năng khách hàng sẽ mất luôn khoản tiền đã đóng trước để tập luyện lâu dài”, chị Mỹ Duyên cho biết.
Làm việc trong ngành Gym & Fitness đã nhiều năm, anh Mai Hoàng Anh (30 tuổi, quê Quảng Ninh) - chủ phòng tập ở quận Hoàng Mai chia sẻ: Nguồn vốn đầu tư ban đầu để mở cơ sở tập gym khá lớn, lên đến hàng tỉ đồng. Ngoài ra, chi phí cố định mỗi tháng như tiền chạy quảng cáo, thuê mặt bằng, tiền bảo trì máy móc, bổ sung tiện ích dịch vụ như phòng tắm, xông hơi, tiền trả lương nhân viên… cũng lên tới hàng trăm triệu đồng. Chưa kể thời gian thu hồi vốn của việc mở phòng tập không phải “một sớm một chiều”. Nhiều phòng tập đã phải đóng cửa bởi khoản thu từ việc bán thẻ thành viên hầu như không bù đắp nổi các khoản chi phí kể trên.
“Hiện nay ở các thành phố lớn, ngành này đang có sự “bão hòa”, các cơ sở đang còn hoạt động thì phải vào cuộc cạnh tranh gắt gao. Nếu không có chiến lược lâu dài và hợp lý, người kinh doanh sẽ rất khó đạt được hiệu quả. Theo quan điểm cá nhân tôi, đây không phải thời điểm “vàng” để đầu tư trong lĩnh vực này, nên cân nhắc thật kỹ, nhất là với người khởi nghiệp”, anh Hoàng Anh nhận định.
Cũng theo anh Hoàng Anh, giá thành hợp lý, trang thiết bị hiện đại, môi trường chuyên nghiệp, huấn luyện viên chất lượng là một số những tiêu chí lựa chọn hàng đầu của khách hàng. Bên cạnh đó, cần lắng nghe phản hồi của khách hàng, cải thiện dịch vụ để đổi lấy sự hài lòng và mong muốn gắn kết lâu dài của họ.
Việc cung cấp chương trình ưu đãi đặc biệt cho các hội viên lâu năm và khuyến khích khách hàng giới thiệu bạn bè cũng là một giải pháp thu hút sự quan tâm của người tới tập luyện. Từ đó, xây dựng một cộng đồng tập luyện bằng cách tạo ra các sự kiện và nhóm tập thể dục để khuyến khích sự tương tác và gắn kết giữa các thành viên.
“Ngoài ra, tận dụng lợi thế của thời đại công nghiệp 4.0, bất cứ người kinh doanh nào cũng nên tập trung xây dựng thương hiệu dựa vào các tiềm năng và thế mạnh của môi trường số, như định vị thương hiệu một cách sáng tạo, độc đáo; truyền tải các thông điệp cần phù hợp với giá trị và mục tiêu của thương hiệu; sử dụng hình ảnh, video và nội dung trực quan trên môi trường số để tiếp cận và tăng cường độ phủ đến với khách hàng”, anh Thanh giải thích.
Hà Trang