1. Tài chính

Ngân hàng có nên cho vay kiểu 'bia kèm lạc'...?

Đơn cử: Khách hàng H.L ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh có nhu cầu vay 400 triệu đồng từ một ngân hàng lớn trên địa bàn nhưng đã được nhân viên ngân hàng yêu cầu mua bảo hiểm nhân thọ 20 triệu đồng/năm, thời hạn trong 10 năm, đồng thời phải mua tài khoản “số đẹp” của ngân hàng này giá 7-10 triệu đồng.

Khi những hiện tượng này khởi phát từ năm 2021, Bộ Tài chính đã đề nghị các tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, yêu cầu bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, xử lý nghiêm những trường hợp ép buộc khách hàng mua bảo hiểm khi cấp tín dụng cho khách hàng. Ngân hàng Nhà nước cũng vào cuộc yêu cầu xử lý nghiêm hiện tượng này và sẽ đưa hoạt động này vào kế hoạch thanh tra hằng năm. Khoản 4 Điều 10 Luật Kinh doanh bảo hiểm đã nghiêm cấm hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chỉ định, yêu cầu, ép buộc, ngăn cản tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm.

Ảnh minh họa tiền ngân hàng: TTXVN

Việc tham gia bảo hiểm hay mua tài khoản ngân hàng “số đẹp” là tự nguyện, trên cơ sở nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng. Pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã có các quy định rõ ràng và nghiêm khắc như vậy, tại sao một số ngân hàng thương mại và công ty bảo hiểm là đối tác của họ cố tình phớt lờ? Câu trả lời không khó: Vì doanh số, lợi nhuận của ngân hàng và công ty bảo hiểm; vì tuy quy định pháp luật đã có nhưng việc thực thi chưa triệt để; vì việc kiểm tra, giám sát và xử lý sai phạm của cơ quan chức năng chưa tốt; vì đa số khách hàng đều cam chịu, chấp nhận trong ấm ức phải mua bảo hiểm và “số đẹp” để được vay vốn thuận lợi v.v..

Chuyện này về bản chất chẳng khác gì “bán bia kèm lạc” đáng chê trách của thời bao cấp. Hồi đó các cửa hàng bia hơi đã có sáng kiến bán kèm lạc rang húng lìu (giá cao hơn giá chợ) với bia hơi độc quyền để tăng doanh thu và lợi nhuận. Những tưởng kiểu kinh doanh này đã chấm dứt nhưng lại "tái xuất" trong thời đại mà khách hàng được tôn thành thượng đế. Khách hàng H.L than thở: “Vay 400 triệu đồng, phải trả cả gốc và lãi trong 7 năm là hơn 562 triệu đồng, cộng với 200 triệu đồng mua bảo hiểm trong 10 năm và 10 triệu đồng mua “số đẹp”, tổng 772 triệu đồng. Vì không có tiền nên phải vay nợ, lại phải cõng thêm khoản chi mà mình không có nhu cầu. Vậy là nợ chồng lên nợ, nhưng nếu không tuân theo thì ngân hàng sẽ không cho vay”.

Ngân hàng khi cho vay đều tin tưởng và mong muốn khách hàng sử dụng hiệu quả từng đồng vốn vay, trả nợ đầy đủ thì mới có lợi nhuận. Muốn vậy, ngay từ đầu, ngân hàng nên giảm nhẹ gánh nặng tài chính cho họ bằng các công cụ như lãi suất, ưu đãi, miễn phí dịch vụ tư vấn v.v.. Đằng này, ép khách hàng chi thêm những khoản họ chưa có nhu cầu, làm cho họ gánh thêm những khoản chưa cần thiết hoặc vô lý như mua “số đẹp”, vô hình trung làm giảm khả năng trả nợ, thậm chí biến thành nợ xấu, thật nghịch lý.

Mới đây, trong cuộc gặp mặt chủ tịch, tổng giám đốc các ngân hàng thương mại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Hệ thống ngân hàng đóng vai trò huyết mạch tích cực, kịp thời, hiệu quả của nền kinh tế; là kênh dẫn vốn chủ yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, nâng cao đời sống nhân dân.

Để thực hiện được vai trò to lớn đó, ngay trong mỗi hoạt động của mình, các ngân hàng thương mại trước hết phải tuân thủ pháp luật, dẹp bỏ cách làm “bán bia kèm lạc” như trên, thay đổi tư duy, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng thay vì ép họ vào thế khó.

TRẦN HOÀI

Tin khác