Wall Street: Còn quá sớm để đặt cược đồng USD suy yếu
DXY Index – chỉ số đo lường giá trị của đồng USD so với rổ tiền tệ khác – bất ngờ giảm xuống mức thấp nhất 1 tháng vào hôm 26/10. Tuy vậy, các nhà đầu tư đặt cược vào việc đồng bạc xanh sẽ mạnh lên vẫn không nản chí, theo Bloomberg.
Nguyên nhân là do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn giữ quan điểm diều hâu, trong khi lo ngại về suy thoái toàn cầu và căng thẳng địa chính trị gia tăng ở Châu Âu đang thúc đẩy nhu cầu nắm giữ đồng USD.
“Hiện khó có thể tìm ra nguyên nhân khiến đồng USD suy yếu. Fed vẫn còn nhiều đợt tăng lãi suất, trong khi nền kinh tế Mỹ có vẻ đang phục hồi chậm hơn so với một số nền kinh tế khác", Iain Stealey - Giám đốc đầu tư quốc tế chuyên về các công cụ trả lãi cố định (fixed income) tại JPMorgan, cho hay.
Các nhà đầu tư đang băn khoăn về xu hướng mới của đồng bạc xanh sau khi Ngân hàng Trung ương Canada (Bank of Canada) quyết định tăng lãi suất thấp hơn dự kiến – điều thúc đẩy suy đoán về một loạt động thái tăng lãi suất 'mềm mỏng' hơn từ các ngân hàng trung ương khác.
Sức mạnh của đồng USD khiến các nhà điều hành từ Nhật Bản đến Chile buộc phải tìm cách can thiệp để bảo vệ đồng nội tệ. Song, các biện pháp này không mang lại hiệu quả như kỳ vọng.
"Bối cảnh hiện tại vẫn hỗ trợ tích cực cho đồng USD", Win Thin – Giám đốc chiến lược tiền tệ tại Brown Brothers Harriman & Co, viết trong một báo cáo mới đây.
Kể từ tháng 3/2022, Fed đã 5 lần thực hiện tăng lãi suất cơ bản, đưa phạm vi lãi suất mục tiêu lên 3-3,25%/năm.
Các quan chức Fed cũng đang chia rẽ về việc có nên thắt chặt tiền tệ hơn nữa.
Trong khi Chủ tịch Fed Philadelphia Patrick Harker nói có khả năng sẽ tăng lãi suất lên "cao hơn" 4% trong năm nay, Charles Evans – Chủ tịch Fed Chicago – lại cho rằng việc tăng lãi suất có thể gây tổn hại 'và có sự không chắc chắn về việc phải thắt chặt tiền tệ tới mức nào'./.
Nguồn tham khảo: Bloomberg
Nguyễn Ánh