Vay mua nhà, mua xe giờ 'khó hơn lên giời', ngân hàng than lỗ
Chia sẻ với PV Infonet, lãnh đạo một chi nhánh của VietinBank cho hay, hiện giờ rất khó để có thể giải ngân các gói vay mới do ngân hàng đã cạn room tín dụng. Do đó, chi nhánh này hiện chỉ ưu tiên giải ngân đối với khách hàng vừa tất toán khoản vay cũ.
“Thời điểm nay đang rất khó để vay mới, nhất là đối với khách vay mua xe hay mua nhà. Hiện giờ chúng tôi chỉ cho vay sau khi thu hồi những khoản vay cũ. Các khoản vay này cũng sẽ bị điều chỉnh lãi suất linh hoạt theo các mốc thời gian 3 – 6 – 9 tháng. Nghĩa là cứ sau mỗi giai đoạn lại điều chỉnh lãi suất một lần theo thị trường. Thời hạn điều chỉnh tùy thuộc vào hợp đồng ký kết giữa hai bên, có thể là 3 tháng, 6 tháng hoặc 9 tháng”, vị lãnh đạo chi nhánh VietinBank cho hay.
Trong khi đó, nhân viên tín dụng một chi nhánh của Ngân hàng BIDV tại Hà Nội cho biết, thời điểm hiện tại vay mua ô tô hay mua nhà còn “khó hơn lên trời”.
“Trong cùng hệ thống ngân hàng có thể có những chính sách khác nhau. Ở các chi nhánh nào thì tôi không biết, chứ chi nhánh chúng tôi thì đã gần hết room tín dụng nên càng không có các khoản giải ngân cho vay mua nhà hoặc ô tô”, nhân viên này cho hay.
Nhân viên tín dụng BIDV này cũng cho biết, mức lãi suất cho vay cũng đã đồng loạt tăng theo thị trường chung ngay sau khi NHNN điều chỉnh tăng lãi suất điều hành.
“Lãi suất sẽ tăng theo thực tế nên khách hàng vay vốn cũng hạn chế hơn và phải chịu lãi suất cao. Mức lãi suất hiện nay đã tăng gấp hai lần so với mức lãi suất cho vay ưu đãi trước đó. Tất nhiên với những khách hàng đã ký hợp đồng từ trước thì họ vẫn được hưởng lãi suất thấp theo hợp đồng đã ký. Nhưng với những khách hàng mới hoặc khách hàng vay lại hồ sơ sẽ phải chịu mức lãi suất hiện tại”, vị đại diện chi nhánh ngân hàng BIDV cho biết.
Đồng thời, vị đại diện này cũng cho hay, các hợp đồng tín dụng ngắn hạn cũng chịu sự điều chỉnh mức lãi suất theo thời hạn 3 hoặc 6 tháng/lần.
“Nếu họ rơi vào kỳ điều chỉnh thì đương nhiên sẽ phải chịu lãi suất tăng. Nói chung lãi suất huy động đang tăng thì khách hàng vay vốn cũng không thể tránh được việc phải chịu mức lãi suất cho vay tăng theo”, đại diện chi nhánh ngân hàng BIDV nói.
Đối với doanh nghiệp, ông Trần Văn Sinh, Giám đốc một doanh nghiệp vận tải tư nhân có trụ sở tại Nam Định cho biết, doanh nghiệp của ông ký hợp đồng vay vốn tại Công ty cho thuê tài chính Ngân hàng VietinBank (VietinBank Leasing) từ cuối năm 2021, đến nay đang ngồi trên đống lửa vì sắp đến kỳ điều chỉnh lãi suất.
“Doanh nghiệp vận tải vừa thoát khỏi bão Covid-19 thì gặp ngay bão lãi suất. Theo nội dung hợp đồng tín dụng chúng tôi ký với VietinBank Leasing, mức lãi suất sẽ được điều chỉnh sau 3 tháng, nên cứ sau khoảng thời gian này là lại phải lo về mức lãi mới”, ông Sinh cho hay.
Còn đại diện một doanh nghiệp vừa ký hợp đồng vay 15 tỷ đồng cho biết, lãi suất áp dụng cho 3 tháng đầu tiên kể từ ngày ký hợp đồng là 9,5%/năm. Nhưng đây là mức lãi suất ưu đãi 3 tháng đầu, sau thời hạn đó lãi suất sẽ được tính theo biên độ cộng.
Theo đó, lãi suất làm căn cứ cộng là lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng do ngân hàng công bố đối với khách hàng cá nhân cộng thêm 3%, mức lãi suất lên hay xuống phụ thuộc vào lãi suất tiền gửi theo thời gian thực và cứ định kỳ 3 tháng sẽ có một lần điều chỉnh.
Trao đổi với PV Infonet, nhân viên tín dụng của VietinBank Leasing cho hay: “Hiện VietinBank đang huy động tiền gửi khách hàng cá nhân với lãi suất 7,4%/năm. Chúng tôi sẽ lấy lãi suất cơ sở là 7,4%, cộng thêm biên độ 3%, như vậy lãi suất cho vay hiện nay là 10,4%/năm và sẽ điều chỉnh 3 tháng/lần”.
Tuy nhiên, nhân viên tín dụng này cũng cho biết, tùy từng khách hàng để công ty đưa ra biên độ khác nhau. Với những khách hàng có dư nợ lớn, biên độ dao động có thể chỉ 2,5%, nhưng cũng có khách hàng bị áp biên độ 4%, thậm chí 5%. Nghĩa là lãi suất cho vay sẽ được tính theo lãi suất cơ sở (lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng đối với khách hàng cá nhân tại VietinBank) cộng với biên độ do VietinBank Leasing quyết định.
Mặc dù vậy, với lãi suất đầu vào liên tục nhảy múa như hiện nay, vị này khẳng định các tổ chức tín dụng đang phải chịu bù lỗ trong 3 tháng đầu.
“3 tháng đầu là mức lãi suất ưu đãi nên TCTD thường phải bù lỗ để lấy dư nợ khách hàng là chính bởi lãi suất huy động bây giờ đã là 9,2%/năm rồi. Phải sau thời hạn 3 tháng chúng tôi mới có lợi nhuận từ khoản cho vay, hoặc lợi nhuận được bù đắp từ trước đây”,
Ngân Giang