Sớm có hành lang pháp lý về tài sản ảo
Xem xét công nhận tiền ảo là tài sản
Tiền ảo là một trong những loại tài sản phi truyền thống được tạo nên bởi sự kết hợp công nghệ chuỗi khối và kỹ thuật mã hóa, vì thế nhiều trường hợp còn gọi là tiền mã hóa. Mặc dù, trên thế giới đang có nhiều cách định nghĩa khác nhau song nhìn chung, khái niệm tiền ảo hiện được nhận diện ở một số yếu tố chung như tiền ảo là biểu hiện của giá trị dưới dạng số, loại tiền này không được một ngân hàng Trung ương hay một cơ quan nhà nước nào phát hành hay bảo đảm, không có địa vị pháp lý của tiền tệ nhưng được chấp nhận thanh toán như là một phương tiện trao đổi và có thể được chuyển đổi, lưu trữ hay giao dịch bằng phương thức điện tử.
Theo một số nghiên cứu, năm 2019, hơn một nửa số người Việt Nam quan tâm đến việc đầu tư vào tiền điện tử trong tương lai, trong khi 31% nói rằng sẽ sử dụng tiền mã hóa để thanh toán trực tuyến. Còn tính đến hết năm 2021, có khoảng 6,1% dân số, tương đương khoảng 5,9 triệu người Việt Nam sở hữu tiền mã hóa.
Ở nước ta, những năm gần đây các hoạt động liên quan đến tiền ảo ngày càng tăng lên song pháp luật chưa có các quy định cụ thể liên quan tới hoạt động quản lý, giám sát tiền ảo. Thuật ngữ tiền ảo cũng chưa được định nghĩa rõ ràng ngoài việc chưa được công nhận là phương tiện thanh toán và các loại tài sản ảo chưa được công nhận là tài sản. Trong khi đó, hiểu biết của người dân về tiền ảo còn hạn chế, dẫn đến không ít vụ lừa đảo xảy ra dưới nhiều hình thức và quy mô lớn nhỏ như vụ tiền ảo Sky Mining, tiền ảo iFan, Pincoin, tiền ảo AOC...
Mặc dù, có nhiều người nghĩ tiền ảo chỉ là Bitcoin hoặc không phân biệt được sự khác biệt giữa các loại tiền ảo, song theo TS. Đỗ Giang Nam, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, cần lưu ý tiền ảo là một khái niệm rộng, bao gồm nhiều loại với các chức năng kinh tế khác nhau như chức năng thanh toán, trao đổi; chức năng huy động vốn tương tự như chứng khoán; chức năng cho phép tiếp cận và sử dụng một dịch vụ nhất định. Thậm chí một tiền ảo có thể có nhiều chức năng cùng lúc, khiến việc phân loại là điều không đơn giản.
Tuy nhiên, dù tên gọi là gì và có chức năng nào thì có thể thấy tiền ảo về cơ bản mang đặc tính của tài sản, và đặc biệt rõ hơn cả dưới dạng “giấy tờ có giá” và “quyền tài sản”. Chính vì vậy nên xem xét công nhận tiền ảo là tài sản bởi nó tồn tại trong xã hội một cách khách quan và có nhiều chức năng trên thực tế như lưu trữ được giá trị, hỗ trợ việc huy động vốn, bảo đảm sự khả tín của các giao dịch.
Khi xem tiền ảo là tài sản sẽ khuyến khích phát triển các doanh nghiệp sáng tạo, đổi mới công nghệ và là căn cứ để thu thuế đối với lợi nhuận kiếm được từ hoạt động đầu tư, khai thác tiền ảo. Việc công nhận này cũng mở ra khả năng áp dụng được ngay một số cơ chế pháp lý chung có sẵn của các lĩnh vực pháp luật khác vào việc quản lý tiền ảo để giải quyết các vấn đề nóng có liên quan trong thời gian gần đây như tội phạm lừa đảo, rửa tiền, tài trợ khủng bố có liên quan đến tiền ảo, TS. Đỗ Giang Nam phân tích.
Quản lý linh hoạt
ThS. Phan Minh Anh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, các quốc gia dù cấm hoàn toàn hay chấp nhận tiền ảo đến nay đều đã có định nghĩa hay ít nhất là xác định những đặc điểm cụ thể của tiền ảo. Trong khi đó, nhiều người dân ở nước ta còn đồng nhất các khái niệm tiền ảo, tiền mã hóa, tiền kỹ thuật số, tiền điện tử… vì chúng đều tồn tại dưới dạng phi vật lý, vô hình. Vì vậy, muốn quản lý tiền ảo trước hết cần tập trung làm rõ các khái niệm liên quan. Trong quá trình xây dựng khuôn khổ chính sách, pháp luật về tiền ảo, các thuật ngữ nên được ưu tiên định nghĩa rõ ràng, chính xác nhằm tránh gây nhầm lẫn và xác định được phạm vi quản lý một cách phù hợp.
Ngoài ra, việc tiếp cận các vấn đề liên quan tới tiền ảo cũng cần linh hoạt hơn. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc cấm hoàn toàn tiền ảo dường như là một biện pháp không hiệu quả khi sự phát triển của cách mạng khoa học công nghệ ngày càng khiến việc sử dụng tiền ảo trở nên dễ dàng. Bên cạnh đó, không ai có thể khẳng định rằng sẽ không còn đồng tiền nào được tạo ra từ bất kì công nghệ nào khác trong tương lai. Chính vì vậy, ngoài việc có một cơ sở, nền tảng quan trọng là định nghĩa rõ ràng về các thuật ngữ, cần lưu ý các vấn đề liên quan tới tiền ảo có thể phát sinh, thay đổi bất kì lúc nào nên cần áp dụng các biện pháp quản lý một cách linh hoạt.
ThS. Nguyễn Huy Hoàng Nam, Khoa Pháp luật Dân sự, Trường Đại học Luật Hà Nội đề xuất, cần khẩn trương thành lập cơ quan quản lý nhà nước về tài sản ảo nói chung do nhiều hành vi lừa đảo sử dụng tài sản ảo ngày một diễn ra phức tạp ở cả phạm vi trong nước và quốc tế. Có thể cân nhắc quy định theo hướng, các hoạt động huy động vốn sử dụng tiền ảo/tiền mã hóa trước mắt cần tuân thủ các điều kiện phát hành chứng khoán theo Luật Chứng khoán năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2010, đồng thời nghiên cứu để đưa ra khung pháp lý thử nghiệm cho các hoạt động này trong thời gian sớm nhất.
Anh Dũng