Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt để thực hiện 'mục tiêu kép'
Cuối tháng 9 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã quyết định tăng 1% lãi suất điều hành sau 2 năm giữ ổn định. Và mới đây, trong những ngày cuối tháng 10, NHNN tiếp tục quyết định tăng lãi suất điều hành thêm 1% nữa, đồng thời điều chỉnh nới biên độ tỷ giá. Những động thái điều hành chính sách tiền tệ gần đây của NHNN cũng là nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, các Đại biểu đánh giá cao những điều chỉnh của NHNN phù hợp với diễn biến tài chính - tiền tệ thế giới. Đại biểu Quốc hội kỳ vọng, NHNN tiếp tục bám sát tình hình thực tế, nghiên cứu để có giải pháp điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, góp phần thực hiện mục tiêu “kép”: Hỗ trợ phục hồi kinh tế và kiểm soát lạm phát; ổn định an toàn hệ thống tín dụng ngân hàng.
Không chỉ nâng lãi suất điều hành 1%/năm lần thứ 2 trong vòng 1 tháng qua, NHNN cũng điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay giữa USD và VND từ mức 3% lên 5%, có hiệu lực từ ngày 17/10. Ông Vũ Tiến Lộc, ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, việc nới biên độ tỷ giá là đáp ứng yêu cầu của một thị trường mở cửa và hội nhập sâu của kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
“Giá trị của đồng USD đang tăng lên và các đồng tiền khác trên thế giới đều giảm giá so với đồng tiền này, vì vậy VND sẽ chịu áp lực rất lớn nếu giữ nguyên biên độ điều chỉnh. Việc nới rộng biên độ điều chỉnh để tạo điều kiện cho NHNN có thể chủ động linh hoạt hơn trong chính sách tỷ giá, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô lại vừa có thể hỗ trợ được cho xuất khẩu, yểm trợ cho năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay, nên đây là một giải pháp phù hợp”, ông Vũ Tiến Lộc đánh giá.
Nhiều Đại biểu Quốc hội cũng chung nhận định, thế giới đang lạm phát rất cao khiến Mỹ và EU liên tục tăng lãi suất điều hành để kiểm soát lạm phát. Trong bối cảnh này đẩy đồng tiền Việt Nam vào tình trạng bị mất giá nên phải điều chỉnh tăng tỷ giá. Nhưng nếu để tỷ giá tăng quá cao sẽ ảnh hưởng đến xuất, nhập khẩu và vấn đề cân đối ngoại tệ của DN (tức là đẩy rủi ro cho DN.
Do đó, vừa điều chỉnh, vừa kiểm soát tỷ giá ở mức phù hợp để không ảnh hưởng quá lớn đến hoạt động xuất, nhập khẩu của DN là bài toán lớn. Việc nâng giá đồng tiền nội tệ thông qua tăng lãi suất điều hành là một lựa chọn khả thi, trước mắt là tạo thêm dư địa thanh khoản cho các NHTM hiện nay.
Từ thực tế công tác, Đại biểu Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) chỉ ra, để thúc đẩy phát triển kinh tế từ đầu năm đến nay tăng trưởng tín dụng đã hơn 11%, trong khi huy động mới tăng hơn 4%, cộng thêm đầu tư công không đẩy ra được dẫn đến vốn không đưa ra được hệ thống NHTM và dẫn đến thiếu vốn.
“Thời gian vừa qua để đảm bảo hoạt động, các NHTM tăng huy động vốn, mặt bằng huy động lãi suất từ đầu năm đến nay đã tăng hơn 3% để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ cố gắng tiết giảm chi phí để giảm lãi suất từ 1%-2%/năm. Trong bối cảnh này, với sự điều hành của NHNN vẫn giữ mặt bằng lãi suất cho vay nhưng lãi suất huy động đã tăng lên 3%, nên thời gian tới thực sự là vấn đề khó”, Đại biểu Phạm Đức Ấn nêu.
Khi sức ép tăng huy động sẽ tạo áp lực tăng lãi suất cho vay ra nền kinh tế. Do đó, ở góc độ chuyên gia kinh tế, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân nhìn nhận, tác động lớn nhất của động thái tăng lãi suất là làm nguồn vốn cung cấp cho các DN khó khăn, trong khi các DN đang trong bối cảnh mới phục hồi sau đại dịch, hiệu quả sản xuất chưa cao.
“Bây giờ DN phải trả nợ vốn vay với lãi suất quá cao cũng có thể sẽ ảnh hưởng và tác động nguy cơ đình trệ sản xuất. Do vậy, việc tăng lãi suất là cần thiết để điều hòa, điều hành chính sách tiền tệ nhưng phải rất nhịp nhàng giữa tỷ giá với lãi suất, hạn chế thấp nhất những tác động của các đồng tiền thế giới là việc NHNN cần tính đến", Đại biểu Hoàng Văn Cường chỉ ra.
Đánh giá động thái điều hành chính sách tiền tệ mới đây của NHNN, Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, đây có thể cũng là một điều kiện mới để các NHTM tăng cường an toàn cho hệ thống. Bởi với biện pháp này, các DN có năng lực sẽ chứng tỏ khả năng thực sự, với các DN yếu kém cũng dễ dàng bộc lộ, nên đây cũng là một giải pháp tốt để tình trạng nợ xấu của ngân hàng giảm đi.
“Chính sách điều hành linh hoạt của NHNN vẫn còn dư địa, nhưng việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn phải làm sao đảm bảo tuân thủ pháp luật cũng như hiệu quả đồng vốn ngân hàng khi DN vay đầu tư. Năng lực của các DN mạnh, hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả chắc chắn ngân hàng cho vay, không còn các DN “ảo”, không có năng lực vẫn được vay vốn”, Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn nêu rõ.
Trong bối cảnh các nền kinh tế lớn trên thế giới tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ và tăng lãi suất điều hành, áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam còn tiếp tục tăng. Do đó, giải pháp thiết thực là NHTM và DN cần tăng cường đồng hành và chia sẻ khó khăn, tìm kiếm cơ hội hợp tác.
Ông Trần Văn Lâm, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhận định, việc nâng lãi suất để hạn chế cung tiền, kiểm soát tín dụng tiền tệ quốc gia trong một khung sẽ không tạo ra sự bùng nổ lượng tiền trên thị trường là giải pháp rất tốt để kiểm soát được lạm phát.
“Lạm phát của Việt Nam vẫn ở mức thấp một phần do các chính sách tiền tệ mà Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện. Tất nhiên lạm phát còn phụ thuộc chính vào yếu tố thực tế của nền kinh tế, nhưng cũng có thành quả của các chính sách tiền tệ linh hoạt nên trong thời gian tới phải tiếp tục được duy trì thực hiện một cách hiệu quả. Các ngân hàng cũng đã điều chỉnh chênh lệch lãi suất cho vay, nhưng so với kỳ vọng là chưa đủ”, ông Trần Văn Lâm đề cập.
Các Đại biểu Quốc hội cũng kiến nghị, cần có những giải pháp căn cơ trong thực hiện mục tiêu kép là vừa kiểm soát lạm phát, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế. Giải pháp căn cơ sẽ không chỉ dựa vào chính sách tiền tệ, mà phải thực hiện đồng bộ với các giải pháp khác, như thúc đẩy giải ngân đầu tư công, xem xét giảm một số hỗ trợ cung tiền trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế năm 2023, khi tăng trưởng kinh tế năm nay đã trở lại đà tăng tốt, dự báo hơn 8%.
Trước mắt, các Đại biểu Quốc hội vẫn kỳ vọng vào chính sách tiền tệ với việc duy trì phương châm điều hành chính sách vĩ mô chung trong suốt 2 năm qua, đó là không thực hiện các biện pháp quá vội vàng, không giật cục, để tạo ra khả năng thích ứng cho nền kinh tế, tránh cú sốc đột ngột./.
Trung Hiếu/VOV1