1. Tài chính

IMF hỗ trợ chương trình cải cách kinh tế mới của Ai Cập

Lạm phát khiến giá hàng hóa tại Ai Cập tăng mạnh. (Ảnh Trend Detail News)

Hồi tháng 3/2022, Ai Cập đã đề nghị IMF cấp một khoản hỗ trợ tài chính theo chương trình cải cách kinh tế mới, nhằm giúp giải quyết các tác động tiêu cực của cuộc xung đột Nga-Ukraine đối với nền kinh tế Ai Cập. Quốc gia Bắc Phi này đã phải đối mặt nhiều khó khăn khi dòng vốn lên tới 22 tỷ USD rút khỏi thị trường nợ Ai Cập kể từ tháng 3/2022. Để tiếp sức cho nền kinh tế, Ai Cập có kế hoạch huy động 6 tỷ USD vào tháng 6/2023 thông qua việc bán cổ phần trong các doanh nghiệp nhà nước, với các quỹ chủ quyền ở vùng Vịnh được coi là các nhà đầu tư tiềm năng.

Trong thời gian qua, Quỹ Chủ quyền Abu Dhabi của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và một đơn vị thuộc Quỹ Đầu tư công của Saudi Arabia đã đầu tư khoảng 3 tỷ USD để mua cổ phần trong các công ty do Chính phủ Ai Cập sở hữu. Ngoài ra, Ai Cập đã lên kế hoạch niêm yết 10 công ty do chính phủ sở hữu.

Các đại diện của IMF và Ai Cập đã có các cuộc thảo luận trực tiếp hiệu quả và đạt được tiến bộ đáng kể về tất cả các chính sách, bao gồm một lộ trình củng cố tài khóa nhằm bảo vệ tính bền vững của nợ công và bảo đảm giảm dần tỷ lệ nợ trên GDP trong trung hạn. Theo Bộ Tài chính Ai Cập, chương trình cải cách mới dựa trên ba trụ cột, bao gồm cải cách chính sách tài khóa, cải cách chính sách tiền tệ, và một gói cải cách cơ cấu nền kinh tế Ai Cập.

Về cải cách chính sách tài khóa, Chính phủ Ai Cập đặt mục tiêu đạt thặng dư ngân sách ban đầu hằng năm và giữ tỷ lệ nợ công trên GDP dưới 80% trong ngắn hạn. Ai Cập cũng đặt mục tiêu nâng cao hiệu quả thu chi ngân sách, tăng chi cho phát triển con người; tiếp tục mở rộng các chương trình bảo trợ xã hội; thúc đẩy sáng kiến “Cuộc sống sung túc” nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng và mức sống cho người dân ở khu vực nông thôn, với dự kiến sẽ khởi động giai đoạn hai của sáng kiến vào tháng 1/2023.

Đây là một đại dự án quốc gia do Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi (En Xi-xi) khởi xướng vào năm 2019. Sáng kiến này hướng tới mục tiêu cải thiện mức sống của người dân, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ cơ bản, trong đó có dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại khu vực nông thôn với 4.658 ngôi làng trên khắp đất nước Ai Cập được thụ hưởng. Sáng kiến được chia thành ba giai đoạn với tổng kinh phí ước tính lên tới 700 tỷ bảng Ai Cập (36 tỷ USD).

Về cải cách chính sách tiền tệ, Chính phủ Ai Cập tiếp tục nỗ lực kiềm chế lạm phát và bảo đảm ổn định giá cả trên thị trường trong nước; nâng cao tính hiệu quả của các công cụ chính sách tiền tệ hiện tại và củng cố lĩnh vực ngân hàng; nâng cao hiệu quả của thị trường ngoại hối. Về cải cách cơ cấu, Ai Cập sẽ thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; cải thiện môi trường kinh doanh; tăng năng suất và nâng tỷ trọng xuất khẩu trong hoạt động ngoại thương; thúc đẩy các hoạt động kinh tế xanh; tăng đóng góp của khu vực tư nhân trong GDP và tạo nhiều cơ hội việc làm hơn; nâng cao năng lực cạnh tranh của thị trường nội địa; đơn giản hóa thủ tục đầu tư nhằm thu hút nhiều đầu tư trong và ngoài nước.

Tổng thống Ai Cập El-Sisi đã chỉ đạo chính phủ và CBE xây dựng các sáng kiến mới để thu hút đầu tư nước ngoài, với cam kết sẽ xóa bỏ những trở ngại đối với đầu tư trong vòng 1-2 tháng. Trong khi đó, nhằm giải quyết khó khăn cho hoạt động nhập khẩu, vốn đã góp phần làm tăng giá cả hàng hóa ở thị trường Ai Cập, CBE hồi tháng 9/2022 đã quyết định nới lỏng các hạn chế ngoại tệ.

THANH VÂN

Tin khác