Kinh tế Canada trước 'cơn gió ngược'
Trong bối cảnh lãi suất gia tăng và kinh tế bất ổn, người tiêu dùng Canada dường như đang chuẩn bị cho kịch bản suy thoái kinh tế vào năm 2023, với nhiều kế hoạch “thắt lưng buộc bụng”.
Giống như các ngân hàng trung ương khác, Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) đã tích cực tăng lãi suất trong năm nay để thiết lập sự ổn định giá cả, hướng tới mục tiêu lạm phát 2%.
Cơ quan Thống kê Canada cho biết, trong tháng 9 vừa qua, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Canada đã tăng 6,9% so cùng kỳ năm ngoái - thấp hơn một chút so với mức tăng 7% được báo cáo vào tháng 8.
Với tình hình lạm phát như hiện nay, các nhà kinh tế dự báo sẽ có thêm nhiều đợt tăng lãi suất để giảm nhu cầu và hạ nhiệt nền kinh tế.
Tuy nhiên, các đợt tăng lãi suất liên tiếp của BoC đã và đang siết chặt nền kinh tế Canada, đặc biệt là các lĩnh vực nhạy cảm với lãi suất như thị trường nhà đất. Hiệp hội Bất động sản Canada cho biết, trong tháng 9 vừa qua, doanh số bán nhà trên toàn quốc đã giảm 3,9% so với tháng trước đó, trong khi chỉ số giá nhà giảm 1,4%. Các đợt tăng lãi suất làm tăng chi phí đi vay đối với các doanh nghiệp và người tiêu dùng, gây ra những làn sóng chấn động trong toàn bộ nền kinh tế và gây tổn thương cho nhiều hộ gia đình.
Theo ông Pierre-Olivier Gourinchas, chuyên gia kinh tế hàng đầu của IMF, nền kinh tế Canada hoạt động tốt trong giai đoạn phục hồi, nhưng bị ảnh hưởng bởi những trận gió ngược đang tác động đến nền kinh tế toàn cầu. IMF đánh giá nền kinh tế thế giới đang đi xuống trên diện rộng và rõ nét hơn dự kiến, với tốc độ tăng trưởng có thể sẽ chậm lại ở mức 2,7% trong năm 2023, so với mức 3,2% trong năm nay.
Theo IMF, nền kinh tế Canada sẽ chỉ tăng trưởng 1,5% vào năm 2023, khi bị “ép” từ mọi phía: kinh tế Mỹ có nguy cơ sa sút; giá nhiều hàng hóa, trong đó có năng lượng đang giảm; xu hướng thắt chặt tài chính và tình trạng căng thẳng bao trùm nhiều thị trường. Theo ông Gourinchas, các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã phản ứng với lạm phát gia tăng bằng cách tăng lãi suất. Đó là một phần của sứ mệnh giữ giá cả trong tầm kiểm soát, nhưng chính sách này sẽ khiến các nền kinh tế tổn thương. Ông cảnh báo rằng, khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên.
Chính phủ Canada thừa nhận những khó khăn khi thực thi thắt chặt chính sách tiền tệ. Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhận định về triển vọng bấp bênh của nền kinh tế và cho rằng nhiều người dân đang phải đối mặt với một giai đoạn đầy thách thức. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Canada Chrystia Freeland cảnh báo, những tháng tới sẽ không mấy suôn sẻ khi lãi suất tăng làm chậm lại nền kinh tế phát triển quá nóng.
Ngân hàng Nova Scotia đã trở thành tổ chức tài chính mới nhất dự báo suy thoái kinh tế trong tương lai gần khi cho rằng Canada sẽ trải qua một “cuộc suy thoái kỹ thuật” trong nửa đầu năm 2023.
Chuẩn bị tinh thần trước khả năng nền kinh tế Canada sắp bước vào một cuộc suy thoái, người dân Canada đã có kế hoạch cắt giảm chi tiêu hoặc trì hoãn các khoản mua sắm lớn.
Theo kết quả khảo sát người tiêu dùng và doanh nghiệp của BoC, tâm lý bi quan đang lan rộng trong nền kinh tế, với phần lớn những người được hỏi dự báo đất nước sẽ rơi vào suy thoái trong năm tới và họ sẽ thắt chặt hầu bao. Một báo cáo gần đây của Ngân hàng Hoàng gia Canada (RBC) cho thấy, các gia đình có thu nhập trung bình sẽ mất 3.000 CAD sức mua trong năm nay do giá cả và lãi suất cùng đồng loạt tăng.
Thống đốc BoC Tiff Macklem cho rằng, con đường để nền kinh tế Canada tránh được kịch bản suy thoái đang thu hẹp lại, nhưng BoC sẽ tiếp tục tăng lãi suất ngay cả khi nền kinh tế giảm tốc và nguy cơ bất ổn trên thị trường tài chính gia tăng. Thống đốc Macklem nêu rõ, nền kinh tế Canada vẫn đang phát triển quá nóng, với cầu vượt cung. BoC cần hạ nhiệt nền kinh tế và giảm lạm phát.
Theo Thống đốc Macklem, cần phải làm nhiều hơn nữa để đưa cầu trở lại phù hợp với cung, đặc biệt là trên thị trường lao động. Việc đưa lạm phát trở lại mục tiêu hằng năm là 2% đòi hỏi một thời kỳ hoạt động kinh tế chậm hơn. Những nhận định này cho thấy Canada tiếp tục chấp nhận đánh đổi về tăng trưởng để kiềm chế lạm phát.
ANH THƯ