1. Kinh doanh

Nâng cao giá trị hành, tỏi Kinh Môn ở Hải Dương

Tại cánh đồng thuộc thôn Bến Thôn, xã Thăng Long (thị xã Kinh Môn), bà Lê Thị Hằng đang rải rơm rạ, chăm sóc các luống hành, tỏi. Trò chuyện với chúng tôi, bà Hằng cho biết, gia đình bà và các hộ dân khác trong thôn cũng mới vừa thu hoạch lúa xong, có nhà thì đang làm đất, có nhà thì đã gieo trồng cây rau màu, hành, tỏi.

“Bên cạnh trồng lúa, hành, tỏi, trong thôn có những nhà trồng sắn dây, bầu, bí, mướp, rau màu, rau gia vị quanh năm. Mùa nào trồng cây đó, gia đình tôi đầu năm và giữa năm thì cấy lúa, đến tầm này thì trồng hành, tỏi. So với trồng lúa, trồng hành, tỏi tuy có vất vả hơn nhưng bù lại, cho thu nhập cao hơn đáng kể, đặc biệt là phù hợp với vụ mùa Đông Xuân”, bà Hằng chia sẻ.

Người dân thôn Bến Thôn, xã Thăng Long (thị xã Kinh Môn) làm đất để trồng hành, tỏi. Ảnh chụp chiều 3/10.

Bà Hằng cho biết, nhà bà có 3 sào đất (Bắc Bộ) trồng hành, tỏi, cũng như nhiều hộ gia đình khác, gia đình bà cùng nhiều hộ dân trong vùng liên kết với các thương lái để bao tiêu sản phẩm. Nhờ đó, nhà bà cũng như nhiều hộ dân ở thôn Bến Thôn ít khi phải lo lắng đầu ra cho sản phẩm.

Được trồng khắp trên địa bàn thị xã

Bà con nông dân thị xã Kinh Môn thông tin, hành và tỏi được trồng ở địa phương từ trước thập kỷ 80. Ban đầu là những diện tích trồng nhỏ lẻ, đến nay, đã được trồng hầu hết trên địa bàn thị xã. So với các vùng trồng khác, hành, tỏi ở Kinh Môn được đánh giá có độ cay nồng và thơm hơn, được người tiêu dùng ưa chuộng, là gia vị thường xuyên trong bữa ăn của các gia đình.

Theo bà Trần Thị Thu, một nông dân tại thôn Xạ Sơn (xã Quang Thành) cho biết, để có được sản phẩm hành, tỏi sạch, chất lượng tốt, chúng tôi tăng cường bón phân hữu cơ được ủ hoai mục. Sau khi bón phân, đúng thời gian cho phép thì chúng tôi mới thu hoạch. Việc sản xuất theo phương pháp hữu cơ, chất lượng hành, tỏi được nâng lên, giá bán tốt, cuộc sống của người dân cũng thay đổi nhiều do không còn phải tiếp xúc nhiều với các loại hóa chất độc hại.

Một số diện tích hành, tỏi tại thôn Bến Thôn đã phát triển thành cây. Ảnh chụp chiều 3/10.

Là chủ một cơ sở ở huyện Kim Thành thường xuyên thu mua hành, tỏi từ thị xã Kinh Môn, chị Lê Thị Vy cho biết, mỗi tháng, cơ sở của chị thu gom từ 15 - 20 tấn hành, tỏi để đưa vào các nhà máy chế biến; đồng thời, đóng bao bì mang đi tiêu thụ ở các tỉnh, thành phố và xuất sang nước ngoài. Có những năm thuận lợi, cơ sở của chị thu lãi trên một tỷ đồng. Ngoài ra, cơ sở của chị còn tạo việc làm cho 3 - 4 lao động ở địa phương và lân cận.

Kinh Môn được biết đến như là một trong những "thủ phủ" hành, tỏi của cả nước. Hành, tỏi nơi đây được canh tác, sản xuất tập trung quy mô lớn trên vùng đất phù sa ven sông Kinh Môn, sông Kinh Thầy…

Theo ông Nguyễn Xuân Hạ, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Kinh Môn, đến nay, tổng diện tích hành, tỏi trên địa bàn thị xã khoảng gần 4.000 ha. Toàn bộ các xã, phường trên địa bàn thị xã đều trồng hai giống cây này, sản lượng hàng năm đạt trên 100.000 tấn, giá trị kinh tế khoảng 1.500 - 1.700 tỷ đồng.

Người dân thị xã Kinh Môn thu hoạch hành, tỏi. Ảnh tư liệu.

Năm 2017, hành, tỏi Kinh Môn đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận “Nhãn hiệu tập thể”. Năm 2019 hành, tỏi Kinh Môn là sản phẩm thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam. Đến nay, sản phẩm hành, tỏi Kinh Môn được bán phổ biến tại tất cả các chợ truyền thống trên cả nước và là gia vị quen thuộc.

Đặc biệt, trong những năm trở lại đây, hành tỏi Kinh Môn được bán tại các hệ thống siêu thị lớn như Go!, Win Mart và các sàn thương mại điện tử… Bên cạnh đó, các sản phẩm hành, tỏi đạt các tiêu chuẩn của nhiều thị trường lớn, khó tính và xuất khẩu.

Hành và tỏi được trồng ở thị xã Kinh Môn từ trước thập kỷ 80. Ảnh tư liệu.

Di sản của ông cha

Tham gia Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) của thị xã Kinh Môn, một số sản phẩm được chế biến từ tỏi tiêu biểu có thể kể đến như tỏi mật, rượu tỏi của Công ty TNHH một thành viên Phương Khiêm (phường Hiệp Sơn); tỏi đen Vietkiga, vang tỏi đen Vietkiga, siro tỏi đen Vietkiga của CTCP sản xuất, thương mại Agrico (phường An Phụ); hành, tỏi khô của Hợp tác xã hành tỏi sạch Kinh Môn (xã Bạch Đằng); hành chiên cao cấp Làng Vở của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Huề Trì (phường An Phụ)...

Thời gian gần đây, các sản phẩm hành, tỏi được chế biến sâu này của thị xã Kinh Môn đã có mặt tại nhiều hội chợ, triển lãm ở trong và ngoài tỉnh, mở rộng thị trường… góp phần nhằm quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP chủ lực của thị xã nói chung, sản phẩm hành, tỏi Kinh Môn nói riêng.

Quá trình phơi khô hành, tỏi Kinh Môn. Ảnh tư liệu.

Trước đó, Lễ hội thu hoạch hành, tỏi Kinh Môn năm 2024 lần đầu tiên được thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương tổ chức thành công vào ngày 20/1, tại khu đồng Cầu Yên, xã Hiệp Hòa với sự tham dự của đông đảo của các đại biểu, người dân, du khách thập phương.

Tại lễ hội, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan mong muốn các thế hệ người dân Kinh Môn sau này sẽ tiếp tục trồng hành, tỏi; coi hai cây trồng này là báu vật, di sản của ông cha nhưng canh tác, sản xuất trên nền công nghệ hiện đại, tư duy sản xuất mới… Việc sản xuất cây hành, cây tỏi không chỉ nhìn về năng suất, sản lượng mà cần kết hợp tạo ra những giá trị về hình ảnh mảnh đất, quê hương, xứ sở.

Thanh Hòa

Tin khác