1. Kinh doanh

Nâng bước người lao động: Nhà sáng chế 'chân đất'

Về thôn Hương Trai (xã Minh Tân, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) hỏi thăm nhà sáng chế "chân đất" Phùng Văn Nam hầu như ai cũng biết, bởi những chiếc máy lên luống của anh đã được bà con nông dân sử dụng rất nhiều trong mấy năm gần đây.

Nắm bắt cơ hội

Xuất thân là nông dân nên anh Nam thấu hiểu được sự vất vả của nhà nông. Vì vậy, anh luôn nỗ lực sáng chế ra những chiếc máy nông nghiệp giá thành rẻ nhất, phù hợp với thổ nhưỡng của từng vùng miền.

Tại xưởng cơ khí, trong những ngày này, người thợ cả Phùng Văn Nam cùng 3 lao động khác đang miệt mài chế tạo theo đơn đặt hàng từ trong Nam ngoài Bắc mà không hết việc. Chia sẻ về cơ duyên đến với công việc sáng chế, Phùng Văn Nam cho biết anh sinh năm 1981 và chỉ học hết lớp 6 phải nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Ngay từ lúc đó, anh Nam đã đi làm thuê đủ mọi việc, đặc biệt là nghề nông như trồng cà rốt, dưa lê, hành, tỏi... Lớn lên một chút, anh vào miền Nam làm thuê với các nghề thợ hàn, thợ cơ khí... Đến năm 2013, sau chục năm bôn ba ngược xuôi, anh nhận thấy người nông dân rất vất vả, đặc biệt ở khâu lên luống. "Tôi đã mua máy xới đất cũ của Nhật Bản về tìm tòi, nghiên cứu. Sau hơn 1 năm tháo ra lắp vào hàng chục lần, tôi cũng chế tạo thành công dàn phay lên luống cà rốt và lắp vào máy cày" - anh Nam nói.

Không dừng lại ở một loại dàn phay lên luống, anh Nam tiếp tục nghiên cứu và chế tạo dàn phay lên luống 5 trong 1 để áp dụng lên luống cho những cây trồng khác nhau. "Xong vụ cà rốt, bà con muốn trồng cây rau màu khác có luống to hơn thì lắp dàn phay lên đánh luống, muốn trồng dưa lê thì dùng phay vòm cong hoặc muốn trồng hành tỏi thì lại dùng mặt vòm cao" - anh Nam nói.

Đến nay, anh đã sáng chế ra máy lên luống mini, các loại dàn phay và máy lên luống. Ngoài ra, anh còn sáng chế ra các lưỡi cày đào mương, đào rãnh hoặc lưỡi đào hố trồng cây lâu năm, trồng mía... Các sản phẩm của nhà sáng chế "chân đất" này đã có mặt tại 45/63 tỉnh thành cả nước. Đặc biệt, dàn phay lên luống của anh Nam sáng chế rất dễ tháo ra lắp vào và khi hoạt động được đưa sâu xuống đất, giúp tạo độ tơi xốp.

Anh Phùng Văn Nam lái chiếc máy cày có lắp dàn lên luống do mình sáng chế

Cải thiện cuộc sống nông dân

Anh Nam cho biết đối với khách hàng ở tỉnh xa, anh trao đổi kỹ càng về nhu cầu của họ, nhất là điều kiện thổ nhưỡng và giống cây trồng, sau đó mới lên phương án thiết kế và báo giá. "Cùng trên một thửa ruộng nhưng trồng hành tỏi ở miền Nam khác trồng hành tỏi miền Bắc nên phải tìm hiểu kỹ, độ cao thấp luống thế nào"- anh Nam nêu kinh nghiệm.

Bình quân một năm anh Nam sản xuất khoảng 150-200 máy nông nghiệp với giá thành chỉ vài triệu, chục triệu đến dưới 100 triệu đồng/chiếc. Anh Nam cho biết thường mua dàn xới cũ của Nhật Bản chất lượng còn khoảng 80% với giá thành rẻ. Sau đó, anh chế tạo thành máy phù hợp với yêu cầu khách hàng nên giá đến tay nông dân không cao.

Anh còn lập kênh YouTube có tên "Máy lên luống Phùng Nam", hiện có 17.000 lượt theo dõi. "Ai muốn học hỏi kỹ thuật trên kênh đó cũng được, tôi chỉ mong sáng chế ra nhiều máy nông nghiệp tiện ích, giá rẻ giúp nông dân tiết kiệm sức lao động, nâng cao năng suất cây trồng" - anh Nam bộc bạch.

Ông Hoàng Văn Tuyển (ngụ xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) cho biết nhờ sử dụng máy lên luống của anh Nam mà một buổi sáng, ông có thể lên luống được vài mẫu đất trồng dưa lê, công suất hơn 5-7 lần so với máy cũ. Còn anh Nguyễn Văn Huấn (ngụ xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) chia sẻ: "Với dàn phay lên luống cà rốt của anh Nam, mỗi ngày, tôi có thể cày được chục mẫu, việc thu hoạch cũng đơn giản hơn".

Theo ông Nguyễn Văn Thoán, Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Tân, trước đây trồng 1 sào cà rốt phải sử dụng 5 lao động một ngày. Từ khi có máy lên luống, máy đào của anh Nam thì 1 ngày 2 lao động có thể trồng được 5 sào cà rốt. "Anh Nam cần cù, sáng tạo và luôn nỗ lực cải thiện cuộc sống, thu nhập cho nông dân. Năm 2022 anh Nam là 1 trong 100 nông dân Việt Nam xuất sắc do Hội Nông dân Việt Nam bình chọn" - ông Thoán nói.

"Anh Nam luôn động viên chúng tôi học hỏi và quan tâm đến đời sống công nhân cho dù quy mô của xưởng còn nhỏ" - anh Trần Văn Tỉnh, công nhân tại xưởng, nhận xét.

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

NGUYỄN DUY KHÁNH

Tin khác