1. Kinh doanh

Mua thêm hàng để được freeship chưa chắc đã tiết kiệm

Mua đồ giảm giá chưa chắc có lợi cho tài chính cá nhân. Ảnh minh họa: Đào Phương.

"Spaving", một từ ghép tiếng Anh được cấu thành từ "spending" (chi tiêu) và "saving" (tiết kiệm), mô tả hành động mô tả hành vi chi nhiều tiền hơn để cảm thấy mình đang tiết kiệm. Ví dụ, việc thêm món hàng không cần thiết vào giỏ chỉ để đạt điều kiện miễn phí vận chuyển là một biểu hiện điển hình của "spaving".

Dù có vẻ nhằm mục đích tiết kiệm, hành vi này thực chất khiến chúng ta chi nhiều hơn cần thiết, bởi chúng ta bị dẫn dắt bởi các chiến lược tiếp thị thông minh.

Những ưu đãi như giảm giá, khuyến mãi mua nhiều tặng nhiều, hoặc giao hàng miễn phí thường đánh vào tâm lý thích tiết kiệm của người mua, kích thích chi tiêu vượt nhu cầu thực tế, Fast Company đưa tin.

Mua sắm trong đợt giảm giá hay chương trình ưu đãi có thể tốn kém nếu không cân nhắc kĩ lưỡng. Ảnh minh họa: Sora Shimazaki/Pexels.

Cạm bẫy chi tiêu

Cách chi tiêu này mang lại cảm giác thỏa mãn cho người tiêu dùng:

Tâm lý "thông minh tài chính": Người mua cảm thấy đã tiêu tiền một cách khôn ngoan khi mua với giá ưu đãi, dù tổng chi phí cao hơn nhu cầu thực tế.
Kích thích dopamine: Hoạt động mua sắm tạo ra dopamine - chất dẫn truyền thần kinh gây cảm giác hưng phấn, khiến chúng ta dễ dàng bỏ qua việc kiểm soát ngân sách.
Nỗi lo bỏ lỡ cơ hội: Các cửa hàng thường hiển thị số tiền cần chi để đủ điều kiện nhận ưu đãi, như miễn phí vận chuyển hay nhận quà tặng, khiến người mua lo rằng họ đang “mất tiền” nếu không tận dụng. Điều này thúc đẩy việc mua sắm các sản phẩm không cần thiết để cảm thấy rằng đã "chiến thắng" trước nhà bán lẻ.

"Spaving" thường xuất hiện mạnh trong các sự kiện khuyến mãi lớn như Black Friday, hay 11/11, 12/12, khi người tiêu dùng dễ bị cám dỗ bởi những mặt hàng giảm giá sâu mà trước đó họ không có ý định mua. Những đợt ưu đãi này dễ khiến chúng ta chi tiêu quá tay do bị thôi thúc bởi sự hưng phấn và cảm giác tiết kiệm được.

Ngay cả những người am hiểu về tài chính cũng có thể rơi vào bẫy này nếu không cẩn thận, cho thấy spaving không chỉ là vấn đề của người tiêu dùng bình thường mà là tác động tâm lý phổ biến.

Ngay cả những người am hiểu về tài chính cũng có thể rơi vào bẫy chi tiêu này. Emily Guy Birken, một cây viết chuyên về tài chính cá nhân ở Milwaukee (Wisconsin, Mỹ), kể rằng trong một lần tìm dầu gội trên Amazon, bà lại bị phân tâm bởi ưu đãi máy đọc sách Kindle.

Thời điểm đó, chiếc Kindle của bà hoạt động không còn tốt. Trong khi đó, sàn TMĐT giảm giá thêm 20%, cộng với thẻ quà tặng trị giá 5 USD nếu bà đổi cũ lấy mới. Cuối cùng, bà Birken chấp nhận "xuống tiền" mua máy mới. Bà hài lòng khi viết kiệm được 60 USD, dù vẫn phải chi 110 USD để được giảm giá.

Người tiêu dùng nên có kế hoạch chi tiêu cụ thể trước khi mua sắm. Ảnh minh họa: Pixabay/Pexels.

Khi nào spaving có lợi?

Mặc dù thường chỉ là chiêu trò tiếp thị, trào lưu tiêu thêm tiền để tiết kiệm có thể hiệu quả nếu:

Đã có kế hoạch mua hàng trước và ưu đãi trùng với nhu cầu thực tế
Mua đúng số lượng hoặc chi tiêu đúng ngân sách để đạt được ưu đãi, không mua thêm những thứ không cần thiết

Ví dụ, nếu một cửa hàng có chương trình mua 1 tặng 1 giảm giá và đồng thời chúng ta cần mua 2 sản phẩm, đây chính là cơ hội để tiết kiệm. Nhưng ngược lại, bạn chỉ cần một món và chấp nhận mua thêm vì ưu đãi giảm giá, khoản tiết kiệm đó không thực sự có ý nghĩa.

Bộ não con người dễ bị ảnh hưởng bởi sự hưng phấn và nỗi sợ bỏ lỡ, khiến chúng ta khó đưa ra được quyết định tối ưu khi gộp chung hai khái niệm chi tiêu và tiết kiệm.

Để kiểm soát tài chính tốt hơn, hãy tránh các đợt khuyến mãi không cần thiết để không kích hoạt hành vi "spaving", đồng thời lưu ý chỉ tận dụng ưu đãi khi nó phù hợp với kế hoạch mua sắm đã định trước.

Việc tách bạch rõ ràng giữa chi tiêu và tiết kiệm sẽ giúp chúng ta không bị chi phối bởi cảm xúc và ra quyết định tài chính khôn ngoan hơn.

Thiên Thanh

Tin khác