1. Kinh doanh

Mùa cam chín

Cam chín vào mùa

Vườn cam hơn 10 ha của gia đình ông Lê Văn An, tổ dân phố Yên Thịnh, thị trấn Tân Yên (Hàm Yên) đang ngả vàng, trĩu quả chào đón các thương lái vào thu mua. Ông An chia sẻ, vườn cam của gia đình ông có hơn 10 ha với 7 ha cam Vinh và 3 ha cam Canh, v2 các loại. Dự kiến sẽ cung cấp ra thị trường khoảng trên 100 tấn quả. Từ cuối tháng 10 đã có nhiều thương lái đến tìm mua, đặt hàng tại vườn với giá 12 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, ông muốn để cam chín đều chất lượng đạt tiêu chuẩn và cắt xô cả cây sẽ giảm được chi phí thuê nhân công, thuận lợi hơn trong việc chăm sóc cam sau thu hoạch.

Thành viên HTX Nông nghiệp Vĩnh Thịnh, xã Tứ Quận (Yên Sơn) kiểm tra chất lượng cam.

Còn tại vườn cam lòng vàng hơn 1 ha với 400 gốc của gia đình anh Hoàng Văn Điện, thôn Cây Nhãn, xã Tứ Quận (Yên Sơn) được chăm sóc theo hướng VietGAP đang độ chín, quả to, mẫu mã đẹp. Anh Điện bảo, cây cam của gia đình chủ yếu có độ tuổi từ 8 - 9 năm tuổi, ở độ tuổi này sẽ cho ra những trái cam chất lượng cả về sản lượng, mẫu mã, vị ngọt. Xác định việc đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, giúp sản phẩm dễ tiêu thụ hơn, do đó anh đã nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm trồng và chăm sóc cam đúng quy trình, kỹ thuật cam VietGAP. Với giá bán tại vườn từ 15 - 17 nghìn đồng/kg cam VietGAP, sản lượng ước tính khoảng 30 tấn, trừ chi phí, anh thu lãi khoảng 300 triệu đồng.

Với diện tích hơn 50 ha cam, thời điểm này, một số vườn cam sớm của thôn Cây Nhãn, xã Tứ Quận đang bắt đầu thu hoạch cam. Tuy nhiên, vụ cam năm nay sản lượng đạt khoảng 2.000 tấn, giảm gần 50% với vụ trước do ảnh hưởng của cơn bão số 3. Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn Cây Nhãn, Giám đốc HTX Nông nghiệp Vĩnh Thịnh chia sẻ: Cây cam hiện là cây trồng chủ lực của người dân trong thôn, vì thế, ngay khi kết thúc vụ cam 2023 - 2024, chi hội, HTX đã tuyên truyền, vận động người dân chăm sóc cam đúng quy trình kỹ thuật và chuyển đổi một số diện tích cam trồng, chăm sóc truyền thống sang trồng, chăm sóc theo hướng VietGAP. Hiện thôn có hơn 50 ha cam thì có hơn 22 ha cam trồng và chăm sóc cam theo hướng VietGAP. Đồng thời, duy trì hoạt động của HTX Nông nghiệp Vĩnh Thịnh để liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Vườn cam chăm sóc theo hướng VietGAP của gia đình anh Hoàng Văn Điện, thôn Cây Nhãn, xã Tứ Quận (Yên Sơn).

Đa dạng kênh tiêu thụ cam

Toàn tỉnh hiện có 8.653 ha cam, trong đó 687 ha được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và 30 ha theo tiêu chuẩn hữu cơ. Sản lượng ước tính hơn 100.000 tấn quả. Diện tích cam được trồng chủ yếu ở Hàm Yên, Yên Sơn, Chiêm Hóa.

Đồng chí Đỗ Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên cho biết: Huyện Hàm Yên có gần 4.000 ha cam các loại... Sản lượng ước tính hơn 55.000 tấn. Với chất lượng thơm ngon, cam Hàm Yên đã khẳng định được vị trí trên thị trường. Năm 2007, huyện Hàm Yên xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cam sành. Năm 2014, sản phẩm cam sành Hàm Yên đã được công bố tiêu chuẩn quốc gia TCVN 1973.2007 và TCVN1873.2014... Từ đó đến nay, sản phẩm cam Hàm Yên đã trở thành cây ăn quả liên tục đạt top trái cây đặc sản nổi tiếng của Việt Nam.

Để đồng hành với người dân tiêu thụ hết sản lượng, ổn định về giá và giữ vững thương hiệu Cam sành Hàm Yên, UBND huyện Hàm Yên đã và đang tích cực liên hệ, phối hợp với các ngành xây dựng phương án tiêu thụ cam qua thương lái tại các chợ đầu mối và các Tập đoàn phân phối có các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích như: BigC, Winmart & Winmart+, Lotte, Vincom, chuỗi cửa hàng; các chợ trung tâm của các tỉnh, tiểu thương và một phần sản lượng tiêu thụ trên Zalo, Facebook, Tiktok, sàn thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng Online.

Một điểm tập kết cam tại xã Minh Khương (Hàm Yên) để các thương lái thu mua, vận chuyển đi tiêu thụ.

Anh Vũ Văn Sơn, HTX Sản xuất, Thương mại Minh Phát, xã Phù Lưu (Hàm Yên) đã có hơn 9 năm tham gia tiêu thụ cam cho biết, cam Vinh, cam V2 là dòng cam chín sớm nên HTX bắt đầu thu mua cam từ đầu tháng 10. Cam Hàm Yên là loại quả đặc sản được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Do mới đầu mùa nên sản lượng bán chưa cao, tính đến đầu tháng 11, HTX tiêu thụ được hơn 30 tấn cam tại các hệ thống siêu thị BigC, CoopMart, Winmart & Winmart+...

Trồng cam đã hơn chục năm nay, với gần 500 gốc vườn cam Vinh, cam Canh, anh Đinh Trọng Võ, thôn Tân Tiến, xã Chiêu Yên (Yên Sơn) thu mỗi năm 20-30 tấn cam, trị giá khoảng 300 triệu đồng. Anh Võ bảo, hơn 3 năm nay, anh đã tận dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok để kết nối trực tiếp với thương lái ở các tỉnh dưới xuôi, giúp gia tăng khả năng và mở rộng thị trường tiêu thụ cam của gia đình.

Những vườn cam chín sớm lúc lỉu, sai trĩu quả đang hứa hẹn một mùa cam được mùa được giá cho người trồng cam trên địa bàn tỉnh.

Phóng sự: Dương Châu

Tin khác