Một nông dân ở Cà Mau kiếm lợi nhuận 1 tỷ/năm nhờ nuôi con 'ngủ ngày, ăn đêm'
Ông Huỳnh Thanh Hùng (44 tuổi, xã Tân Thành, TP Cà Mau) cho biết, trước đây ông cũng từng thực hiện nhiều mô hình như nuôi cá chình, heo rừng...nhưng chỉ đến khi nuôi chồn ông mới thấy đây là loại hình phù hợp với bản thân và có niềm đam mê với loài vật này.
“Loài chồn có đặc tính ngủ ngày, hoạt động kiếm ăn vào ban đêm nên người nuôi có thể chủ động chăm sóc tốt cho chúng. Thức ăn cho chồn chủ yếu là cá và chuối, dễ kiếm tại địa phương”, ông Hùng nói.
Hiện trang trại nuôi chồn của gia đình ông Huỳnh Thanh Hùng đang có khoảng 100 con chồn cái sinh sản và hàng trăm chồn con giống, chồn thịt đang chuẩn bị xuất bán.
Mỗi năm 1 con chồn nái đẻ 2 đợt, mang lại cho gia đình ông khoảng 25 – 30 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông Hùng còn có nguồn thu từ chồn thương phẩm khoảng 500 – 700 triệu đồng/năm.
Ông Hùng chia sẻ, để có được thành công như ngày nay ông cũng từng trải qua không ít khó khăn, thất bại.
“Vốn gốc nông dân nên trong đầu tôi lúc nào cũng có suy nghĩ trong nhà phải nuôi con này, con kia phát triển kinh tế. Lúc mới nuôi chồn do chưa am hiểu nhiều về loài vật này và thạo về kỹ thuật nuôi, chỉ thấy người khác nuôi hiệu quả rồi làm theo.
Vụ đầu tôi bỏ ra hơn 100 triệu đồng mua con giống, nuôi không bao lâu chồn bị bệnh, chết hết đàn, thế là mất trắng”, ông Hùng nhớ lại.
Theo kinh nghiệm có được của ông Hùng, chồn thương phẩm nuôi khoảng 7 tháng thì đạt trọng lượng từ 2,5kg trở lên, có thể xuất bán. Riêng chồn sinh sản phải nuôi từ 8 đến 10 tháng, trung bình 1 năm chồn sinh sản khoảng 2 lần.
“Quan trọng nhất trong việc nuôi chồn là khâu chọn giống, mình phải biết chọn giống tốt, nuôi nhanh phát triển và có thể sinh sản. Đồng thời chủ động phòng bệnh cho chúng, bởi chồn khi bệnh rất dễ lây lan.
Ngoài ra cũng phải biết thời điểm chồn giao phối xong, tách riêng ra, như thế sẽ giúp chồn tăng đàn, đem lại doanh thu và lợi nhuận cao hơn”, ông Huỳnh Thanh Hùng chia sẻ bí quyết.
Cũng theo ông Hùng, việc thực hiện mô hình nuôi chồn sàn ao thay vì sàn gạch sẽ hiệu quả hơn trong xử lý dịch bệnh.
Trang trại nuôi chồn của ông Hùng được thiết kế theo kiểu phía trên nuôi chồn, phía dưới nuôi các loại cá tra, cá trê, cá bổi, cá rô... vừa có tác dụng xử lý thức ăn thừa, vừa xử phân chồn.
“Hiện tại, đầu ra con chồn tại trang trại khá ổn định do tôi đẩy mạnh quảng bá trên nhiều kênh thông tin, đặc biệt là trên mạng xã hội nên được nhiều bạn hàng biết đến. Có thời điểm chồn giống trang trại sản xuất ra không đủ cung ứng ra thị trường.
Trang trại cho doanh thu hằng năm từ 3 đến 4 tỷ, trong đó lợi nhuận trên 1 tỷ đồng.”, ông Hùng phấn khởi nói.
“Ông Huỳnh Thanh Hùng hiện là thành viên trong Câu lạc bộ nông dân tỷ phủ xã Tân Thành, TP Cà Mau. Trang trại nuôi chồn của ông Hùng đã trở thành địa điểm để nông dân trong và ngoài tỉnh đến học tập kinh nghiệm.
Ông Hùng cũng tích cực hỗ trợ kỹ thuật, con giống cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn, tạo điều kiện để họ vươn lên trong cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương” ông Hồ Quốc Trạng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành, TP Cà Mau cho biết.
Quách Mến