Môi giới địa ốc và 'nỗi oan' thổi giá
Theo ông Bạch Dương - Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, giá bất động sản tăng cao, đặc biệt tại phân khúc căn hộ chung cư, là do phản ánh cán cân cung - cầu của thị trường, không ai đủ sức “thổi” giá bất động sản trong một thời gian dài. Động thái này nếu có cũng chỉ xảy ra trong một số trường hợp hiếm hoi và chưa chắc đã có thanh khoản.
Lý do bởi, với các công nghệ và công cụ tìm kiếm hiện đại như hiện nay, người mua hoàn toàn có thể kiểm chứng được mức giá của các sản phẩm tương tự ở cùng khu vực, từ đó có thể biết được mức giá mà môi giới đưa ra có “ảo” hay không. Hơn nữa, độ tuổi người mua bất động sản có xu hướng ngày càng trẻ hóa, nên việc kiểm chứng thông tin sẽ không gặp nhiều khó khăn.
Chưa kể, những quy định mới trong Luật Kinh doanh bất động sản 2023 sẽ thanh lọc các môi giới bất động sản không chuyên, tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh hơn khi quy định cá nhân hành nghề môi giới bất động sản phải có chứng chỉ hành nghề.
“Chứng chỉ hành nghề không phải là chỉ báo duy nhất về sự chuyên nghiệp của môi giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh gia tăng, khách hàng ngày càng khắt khe hơn, các môi giới càng phải cần thay đổi để trở nên chuyên nghiệp hơn”, ông Dương nhấn mạnh.
Còn ông Trần Vũ - nhà sáng lập đơn vị nghiên cứu thị trường SPE.R cho hay, trên thị trường sơ cấp, với mỗi căn hộ chung cư được rao bán thành công, môi giới sẽ được hưởng khoản hoa hồng tương đương 1-2% giá trị giao dịch.
Tuy nhiên, riêng chi phí marketing, truyền thông… đã chiếm khoảng 50-60% tiền hoa hồng, chưa kể còn phải chia lại cho các thành viên trong nhóm. Vì vậy, nếu có tình trạng “thổi” giá bất động sản thì chỉ có các nhóm nhà đầu tư cá mập mới đủ “lực” làm chuyện này, mà cũng chỉ có thể trong một thị trường hẹp.
Dưới góc độ là người trực tiếp tham gia bán hàng, ông Nguyễn Huy - Giám đốc Kinh doanh dự án, Công ty cổ phần Bất động sản ERA Vietnam cho hay, mô hình làm việc của các đơn vị môi giới hiện nay là không có lương cứng hay thu nhập cố định hàng tháng.
Thay vào đó, thu nhập của môi giới viên chủ yếu từ khoản hoa hồng sau mỗi giao dịch. Chính vì vậy, điều môi giới mong muốn là bán được càng nhiều sản phẩm càng tốt, chứ không phải là “thổi” giá lên cao rồi cả tháng không bán được sản phẩm nào.
“Hơn nữa, giá bán sẽ do chủ đầu tư đưa ra, chứ môi giới không quyết định được. Các môi giới chỉ được bán theo mức giá đã ấn định và hưởng phần trăm hoa hồng. Thậm chí, để có giao dịch, nhiều môi giới còn chia lại một phần hoa hồng của mình cho khách”, ông Huy nói và cho biết thêm, việc môi giới “làm giá” chủ yếu diễn ra ở những sản phẩm nhỏ lẻ, tại những khu vực chưa có thông tin rõ ràng… và điều này không đại diện chung cho thị trường.
Bà Trịnh Thị Kim Liên - Giám đốc Kinh doanh Công ty cổ phần Dịch vụ bất động sản Đất Xanh - Dat Xanh Services cũng chia sẻ rằng, trong quý III/2024, các sàn môi giới đã tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ, xây dựng lực lượng kế thừa để nâng cao khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó, hoạt động tuyển dụng cũng được siết chặt hơn, chú trọng vào chất lượng thay vì tuyển dụng ồ ạt như trước.
Kết quả khảo sát của Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) về các kỹ năng nhân viên môi giới ưu tiên phát triển trong bối cảnh mới cho thấy, ưu tiên hàng đầu là kiến thức pháp luật, thị trường, sản phẩm (47,3%), tiếp theo là kỹ năng về công nghệ, marketing, kỹ năng mềm (33,2%), đáp ứng điều kiện hành nghề môi giới bất động sản (12,5%), kỹ năng sử dụng ngoại ngữ (3,1%), các kỹ năng khác (3,9%).
“Kết quả trên thể hiện các môi giới cá nhân dần có sự điều chỉnh để phát triển sự nghiệp theo hướng bền vững và chuyên nghiệp hơn, chứ không chỉ đơn thuần là đáp ứng điều kiện hành nghề theo quy định”, bà Liên nói.
Việt Dũng