Môi giới bất động sản tự 'chuyển hóa'
Bắt nhịp với diễn biến mới
Từ sự sụt giảm xuống chưa tới 1/5 số lượng môi giới còn hoạt động giai đoạn 2022-2023 so với con số gần 300.000 môi giới thời đỉnh điểm 2019, báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, hiện tại, khoảng 70% doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới và người môi giới địa ốc đã quay lại với nghề.
Theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS, điều này phần nào phản ánh sự tích cực của thị trường bất động sản sau giai đoạn dài trầm lắng kéo dài vừa qua, tác động bởi những quy định mới giúp niềm tin thị trường hồi phục.
Nhiều chủ đầu tư đã tăng tốc triển khai các dự án mới cũng như giai đoạn tiếp theo sau khi giải quyết được vấn đề về vốn và pháp lý. Những yếu tố này thúc đẩy các sàn môi giới ồ ạt tuyển quân để chuẩn bị cho chu kỳ mới của thị trường, bên cạnh nhu cầu bất động sản thường tăng cao trong những tháng cuối năm.
Ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, nhiều chủ đầu tư cũng như công ty môi giới nhà đất lớn như Vinhomes, Đất Xanh miền Bắc, Đông Tây Land, Newstarland… liên tục đăng thông báo tuyển dụng nhân sự để sẵn sàng “đón sóng” tăng trưởng mới.
Ngoài ra, các văn phòng môi giới bất động sản quy mô nhỏ lẻ cũng liên tục đăng tin tìm kiếm đồng đội kèm theo những ưu đãi hấp dẫn.
Đối tượng tuyển dụng ưu tiên những ứng viên có kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản hoặc các ngành nghề thường xuyên tiếp xúc với khách hàng như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm…; có khả năng giao tiếp tốt, năng động, nhiệt huyết, có định hướng nghề nghiệp rõ ràng…
Trên website của các sàn giao dịch và các trang tuyển dụng trung gian đều ghi rõ, môi giới có thể đạt mức thu nhập không giới hạn, tối thiểu từ 20-30 triệu đồng/tháng với lương cứng dao động từ 4-10 triệu đồng cộng các khoản khác khi bán được sản phẩm như hoa hồng, thưởng nóng, thưởng doanh thu...
Ngoài ra, các sàn cũng cam kết sẽ có các chương trình đào tạo chuyên sâu cũng như yêu cầu các nhân viên môi giới phải hoàn thành bài thi cấp chứng chỉ môi giới theo đúng quy định.
Ông Lê Đình Chung - Tổng giám đốc SGO Homes cho biết, nhiều năm nay, ngoài các công ty môi giới, sàn giao dịch, có nhiều người dân tự do hoạt động kinh doanh mua bán, môi giới trong lĩnh vực bất động sản.
Điều này góp phần tạo nên một thị trường sôi động, nhưng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro bởi thiếu sự quy củ và thực tế là có nhiều trường hợp đáng tiếc đã xảy ra do một bộ phận “cò” đất địa phương làm giá, nâng giá vô tội vạ, tạo “sốt ảo”, gây ảnh hưởng xấu đến thị trường cũng như người mua bất động sản.
Với quy định mới, đội ngũ môi giới bắt buộc phải làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp vì phải có chứng chỉ hành nghề và hoạt động trong sàn giao dịch. Các sàn có trách nhiệm quản lý nhân viên, công khai thông tin và chỉ được giới thiệu, mua bán dự án có đủ pháp lý, điều kiện chuyển nhượng.
Mọi thù lao, hoa hồng… của môi giới sẽ phải chuyển khoản qua ngân hàng.
Theo ông Chung, ở giai đoạn hiện tại, những thay đổi theo hướng siết chặt hơn đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh, phân phối bất động sản là điều dễ hiểu khi thị trường bước sang chu kỳ phát triển mới ổn định và bền vững hơn.
Đây cũng là lý do các chủ đầu tư cũng như đơn vị môi giới nhà đất chặt chẽ hơn trong công tác tuyển dụng, cho dù nhu cầu nhân sự rất lớn. Về cơ bản, quy định pháp luật càng minh bạch, càng chặt chẽ thì càng có lợi cho thị trường, nhất là với những doanh nghiệp xác định “làm thật, ăn thật”, đồng thời sàng lọc những doanh nghiệp “tay không bắt giặc”, trong khi các đơn vị phân phối cũng buộc phải nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng chuyên nghiệp hơn khi yêu cầu của khách hàng ngày một khắt khe hơn.
“Áp lực là rất rõ ràng bởi luật mới được ban hành thì các nhà phát triển dự án, đơn vị môi giới sẽ phải tìm hiểu cặn kẽ hơn, sát sườn hơn để tránh vướng vào những vi phạm không đáng có. Song, điều này cũng mang lại nhiều lợi ích vì khi hiểu sâu các quy định mới sẽ tư vấn cho khách hàng chuẩn chỉ hơn, giữ được niềm tin vào những sản phẩm mà mình phân phối”, ông Chung nói.
Sự chuyển đổi bắt buộc
Theo ông Nguyễn Chí Thanh - Tổng giám đốc Công ty Cao ốc quốc tế Hồ Tây, phần lớn môi giới địa ốc tay ngang thường tiếp nhận, truyền tải thông tin thụ động từ nguồn phát đến khách hàng, mà thiếu đi sự phân tích, kiểm định, đánh giá về các vấn đề trọng yếu như pháp lý dự án.
Đáng chú ý, nhiều trường hợp thay vì hướng vào chất lượng sản phẩm, kỹ năng chuyên môn… lại chỉ tập trung vào việc tranh giành khách hàng, cạnh tranh không lành mạnh, gây nhiễu loạn thị trường. Trên thực tế, không hiếm gặp tình trạng môi giới phủi trách nhiệm sau khi hoàn thành giao dịch, đẩy khách hàng vào rủi ro, nhất là khi mua phải dự án “ma”.
Tuy nhiên, với quy định mới, đội ngũ môi giới bắt buộc phải làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp vì phải có chứng chỉ hành nghề và hoạt động trong sàn giao dịch. Các sàn có trách nhiệm quản lý nhân viên, công khai thông tin và chỉ được giới thiệu, mua bán dự án có đủ pháp lý, điều kiện chuyển nhượng.
Mọi thù lao, hoa hồng… của môi giới sẽ phải chuyển khoản qua ngân hàng. Bên cạnh đó, luật mới cũng quy định các kỳ thi sát hạch, cấp chứng chỉ hành nghề môi giới sẽ do Bộ Xây dựng tổ chức. Tất cả những điều này sẽ làm tăng vai trò cũng như sự ràng buộc pháp lý của môi giới trong các giao dịch.
TS. Trần Xuân Lượng - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam thuộc VARS thông tin, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 đã siết chặt hơn hoạt động của các cá nhân môi giới địa ốc. Theo đó, bên cạnh yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề, các cá nhân thực hiện hoạt động môi giới nhà đất không được hành nghề tự do mà phải làm việc trong một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản, sàn giao dịch bất động sản…
“Đây được xem là công cụ quản lý thị trường môi giới bất động sản chặt chẽ hơn, các môi giới không đủ trình độ sẽ không được tự do hoạt động như trước. Lần này, nếu các môi giới bất động sản muốn quay trở lại thị trường thì sẽ phải học chuyên môn, nghiệp vụ môi giới bất động sản để nâng cao chất lượng nghề nghiệp hơn”, ông Lượng nói và cho biết thêm, việc đào tạo môi giới bất động sản giờ đây không chỉ dừng ở các kiến thức cơ bản, mà cần bao gồm cả việc nắm vững các quy định pháp luật mới nhằm đảm bảo sự minh bạch và tính chuyên nghiệp của thị trường.
Bên cạnh đó, ngoài nâng cao trình độ của các nhà môi giới, quy định mới còn yêu cầu các đơn vị đào tạo cũng phải đạt chuẩn về mặt pháp lý, với đội ngũ giảng viên có chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm và nội dung giảng dạy được cập nhật theo tiêu chuẩn của Thông tư 04/2024/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn về chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản.
Điều này nhằm đảm bảo các khóa học đều có tính chuyên nghiệp cao, đáp ứng đúng yêu cầu của pháp luật và thực tiễn thị trường.
Báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, trong tháng 9/2024, do ảnh hưởng của bão Yagi, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp gặp khó khăn vì lao động phải tạm nghỉ việc do ngập lụt, cơ sở hạ tầng bị hư hại, gây gián đoạn chuỗi cung ứng…
Tuy nhiên, bất động sản vẫn là lĩnh vực có hoạt động tuyển dụng tăng mạnh, tập trung vào các nhân sự chất lượng cao, có kinh nghiệm và kiến thức đa dạng về các lĩnh vực xã hội, tài chính, bất động sản…, kỹ năng giao tiếp tốt, có khả năng thích nghi cao với các hoạt động chuyển đổi số và tâm huyết với việc phục vụ khách hàng.
Ninh Trang