Mô hình tiếp thị omnihouse là gì?
Môi trường kinh doanh thay đổi nhanh chóng đòi hỏi một cách tiếp cận tiếp thị toàn diện hơn, đặc biệt là sau khi thế giới bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Đây là một khái niệm có thể là nền tảng vững chắc cho các tổ chức khi phải đối mặt với nhiều thách thức khác nhau trong hiện tại và đặc biệt là trong tương lai. Trong chương này, chúng ta xem xét các yếu tố khác nhau tạo nên thể loại tiếp thị với tinh thần doanh chủ mới.
Để hiểu khái niệm tiếp thị với tinh thần doanh chủ tốt hơn, chúng ta sẽ sử dụng một khung sườn gọi là mô hình omnihouse (ngôi nhà toàn diện). Mô hình này thể hiện tầm nhìn về cách thức tiếp thị với tinh thần doanh chủ nên được triển khai, đồng thời cũng cho thấy cách tiếp cận này tích hợp với toàn bộ tổ chức như thế nào. Chúng ta sẽ sử dụng mô hình này như một hướng dẫn chủ đạo xuyên suốt quyển sách.
Mô hình omnihouse (ngôi nhà toàn diện)
Omni - xuất phát từ tiếng Latin là omnis - có nghĩa là “kết hợp”. Trong tên của mô hình, từ omni được kết hợp với từ house - đại diện cho một địa điểm, cơ sở hoặc doanh nghiệp. Vì vậy, omnihouse đề cập đến một tổ chức kết hợp nhiều yếu tố, trong đó mỗi thành phần này đóng một vai trò riêng và cũng hợp tác với các bộ phận khác của doanh nghiệp.
Mô hình omnihouse là một khung sườn có thể được sử dụng để triển khai các chiến lược và đạt được các mục tiêu cụ thể. Chúng ta sẽ thảo luận ngắn gọn về mô hình này ở đây, và cũng sẽ đề cập sâu hơn đến các thành phần khác nhau của mô hình này trong các chương sau.
Cốt lõi của mô hình này được đặt trong hai cụm. Cụm đầu tiên là nhóm tinh thần doanh chủ, bao gồm bốn yếu tố: sáng tạo, đổi mới, tinh thần doanh chủ và khả năng lãnh đạo (CI-EL). Cụm thứ hai là nhóm khả năng chuyên nghiệp, cũng bao gồm bốn thành phần: năng suất, cải tiến, tinh thần chuyên nghiệp và khả năng quản trị (PI-PM).
Lưu ý rằng các cụm này được bao quanh bởi các chức năng khác và sự tương tác qua lại giữa các cụm. Các cụm bị ảnh hưởng bởi các động lực bao gồm năm yếu tố thúc đẩy (5D): công nghệ, chính trị/pháp lý (bao gồm các quy định), kinh tế, văn hóa/xã hội và thị trường. Những động lực này, được gọi chung là sự thay đổi, ảnh hưởng đến yếu tố 4C (change, competitor, customer, company) khác: thay đổi, đối thủ cạnh tranh, khách hàng và công ty.
Phần động lực của mô hình đóng vai trò là nền tảng để phát triển các chiến lược và chiến thuật tiếp thị, như được nêu trong tam giác cạnh tranh ở phía trên bên phải của mô hình. Trong tam giác, PBD là viết tắt của định vị (positioning), khác biệt hóa (differentiation) và thương hiệu (brand). Đây là điểm tựa cho các yếu tố chính khác của tiếp thị: phân khúc, nhắm mục tiêu, tiếp thị hỗn hợp, bán hàng, dịch vụ và quy trình.
Phần động lực còn là cơ sở để phát triển ý tưởng, từ đó dẫn tới sự sáng tạo. Những ý tưởng này có thể được chuyển đổi thành sự đổi mới dưới dạng giải pháp hữu hình cho khách hàng. Những ý tưởng sáng tạo này phải sử dụng các nguồn vốn của công ty một cách có hiệu quả.
Các giải pháp cung cấp cho khách hàng cần phải mang lại kết quả cải tiến, thể hiện qua tỷ suất lợi nhuận tốt hơn của công ty. Do đó, sự hội tụ của các yếu tố sáng tạo/đổi mới và năng suất/cải tiến sẽ ảnh hưởng đến bảng cân đối kế toán (được liệt kê dưới dạng B/S) và báo cáo thu nhập (được liệt kê dưới dạng I/S).
Các yếu tố sáng tạo và cải tiến chỉ có thể tạo ra khả năng cạnh tranh nếu chúng ta kéo được những người có tư duy vững chắc về tinh thần doanh chủ và khả năng lãnh đạo vào quản trị chúng. Tạo ra giá trị là trách nhiệm của các doanh nhân và các nhà lãnh đạo duy trì các giá trị.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần hỗ trợ tinh thần doanh chủ và khả năng lãnh đạo bằng tinh thần chuyên nghiệp và khả năng quản trị vững chắc. Khi thực hiện được cách tiếp cận này, đó là điều kiện có thể thúc đẩy công ty tiến lên phía trước.
Những gì chúng ta thấy trong bảng cân đối kế toán và báo cáo thu nhập là kết quả của quá khứ. Những gì chúng ta đang làm hiện nay, đặc biệt là thông qua sự hội tụ mạnh mẽ giữa các yếu tố tinh thần doanh chủ/tinh thần chuyên nghiệp và khả năng lãnh đạo/khả năng quản trị, sẽ quyết định dòng tiền của công ty (được liệt kê dưới dạng C/F) và giá trị thị trường (được liệt kê dưới dạng M/V). Do đó, chúng ta có được bức tranh về cách tổ chức sẽ vận hành trong tương lai.
Như đã trình bày trong mô hình omnihouse, điều cần thiết là phải tích hợp tiếp thị với tài chính, đồng thời tích hợp công nghệ và nhân sinh. Thuật ngữ nhân sinh đề cập đến các bên liên quan chính, cụ thể là con người, khách hàng và xã hội. Nói chung, các chức năng này hỗ trợ các hành động dẫn đến kết quả tài chính và phi tài chính.
Lưu ý rằng trong trung tâm của mô hình, chúng ta có mảng vận hành. Chức năng này lấy các mục tiêu tiếp thị và biến chúng thành hành động, đồng thời đảm bảo có thể đạt được các mục tiêu tài chính. Vận hành cũng kết nối việc sử dụng công nghệ với mục tiêu cuối cùng là tạo ra ảnh hưởng với nhân sinh. Các khả năng vận hành tương tác với các khả năng khác để giúp công ty luôn phát triển và cạnh tranh trong ngành của mình. Khả năng vận hành cũng cho phép tổ chức thích ứng nhanh chóng với mọi thay đổi trong môi trường kinh doanh.
Philip Kotler và nhiều tác giả/NXB Trẻ