Mô hình cho thu nhập cao ở Tân Ân Tây
Để có được thành công như hiện nay, nhiều hộ dân, cơ sở nuôi chồn hương ở xã Tân Ân Tây cũng như các địa phương khác trên địa bàn huyện từng trải qua nhiều khó khăn, thách thức. Mô hình này nhen nhóm từ những năm 2008-2010. Do chi phí đầu tư con giống ban đầu khá cao, từ 7-10 triệu đồng/cặp giống (tùy lớn, nhỏ), con giống chủ yếu mua từ các trại giống tỉnh khác chuyển về, không rõ nguồn gốc nên dễ nhiễm bệnh, gây thất thoát lớn. Cùng với đó là nạn trộm cắp chồn hương, cao điểm là khoảng 5 năm trước, có hộ mất từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng.
Khoảng 5 năm trở lại đây, chồn hương được nhân giống rộng rãi tại các hộ nuôi, trang trại quy mô lớn tại địa phương, chi phí con giống có phần hạ nhiệt, chúng dễ dàng thích nghi với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng; cùng với kinh nghiệm tích lũy sau nhiều năm nuôi, giúp nhiều hộ ở xã Tân Ân Tây thành công, khá lên nhờ mô hình này.
Anh Nguyễn Chí Công, ấp Tân Tiến, xã Tân Ân Tây, cho biết: "Nơi đây có diện tích đất bờ vuông khá lớn, cùng với khí hậu thuận lợi là điều kiện lý tưởng để nuôi chồn hương. Học hỏi từ những người nuôi có kinh nghiệm, gia đình tôi bắt đầu nuôi chồn hương từ năm 2017, đến nay đã nhân tổng đàn lên 150 con, gồm: chồn con, chồn sinh sản và chồn thương phẩm. Từ mô hình nuôi chồn cho thu nhập thêm trên 150 triệu đồng/năm, tương đương với nguồn thu từ 140 công vuông hiện có của gia đình (tổng thu nhập của gia đình trên 300 triệu đồng/năm)".
Anh Trần Quốc Sư (cùng người bạn là Ngô Trung Tín), chủ trại chồn hương Mai Thái Anh, ấp Tân Trung, xã Tân Ân Tây, là một trong những người nuôi chồn hương thành công hơn 5 năm qua. Theo lời anh Sư, nuôi chồn hương hiệu quả, giá trị kinh tế cao, dễ chăm sóc và ít tốn thời gian. Từ 20 cặp chồn giống ban đầu (giá 7-10 triệu đồng/cặp), đến nay anh đã nhân lên tổng đàn trên 300 con, trong đó có khoảng 50 con đang trong giai đoạn sinh sản. Mỗi chồn mẹ sinh sản 7-9 chồn con/năm. Hằng năm, cơ sở cung cấp ra thị trường 250-300 chồn con và chồn thương phẩm, lợi nhuận 500-700 triệu đồng.
Ông Phan Bá Ðấu, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi chồn hương ấp Tân Trung (gồm 26 thành viên), cho biết: "Hiện nay, mô hình đã được nhân rộng ra trong dân khá nhiều. Ðây được xem là mô hình “siêu lợi nhuận”, bởi xuất phát từ nhiều yếu tố thuận lợi như: nhờ nhân giống tại địa phương, người nuôi chủ động được nguồn chồn giống, giá thích hợp và chúng dễ thích nghi với môi trường sống; thức ăn của chồn khá đơn giản, gồm cá phi và chuối chín (chi phí chỉ khoảng 100 ngàn đồng/con chồn/tháng). Ðồng thời, hiện nay trên địa bàn cũng đã thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác kết hợp cùng ngành chức năng chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi chồn hương nên khả năng thành công cao. Tuy nhiên, để nuôi được mô hình này, thu lợi nhuận cao, đòi hỏi người nuôi phải có nhiều vốn đầu tư ban đầu về con giống, chuồng trại..., khoảng 1 năm sau mới có lợi nhuận".
Theo ông Ðấu, gia đình ông hiện có 40 con chồn đang sinh sản và chồn thương phẩm. Với giá chồn con dao động 7-10 triệu đồng/cặp, chồn thương phẩm 1,3-1,4 triệu đồng/kg, mang lại thu nhập cho gia đình khoảng 600 triệu đồng/năm. Ông Ðấu so sánh, 10 con chồn sinh sản hằng năm cho lợi nhuận bằng 50 công vuông.
Ông Phan Văn Hơn, Phó chủ tịch UBND xã Tân Ân Tây, cho biết: "Hiện nay, mô hình nuôi chồn hương đang phát triển khá mạnh trên địa bàn xã, với 188 hộ, cơ sở nuôi chồn, khoảng 6.122 cá thể chồn. Ðể góp phần giúp bà con phát huy hiệu quả mô hình nuôi chồn hương, chính quyền địa phương phối hợp với ngành chức năng mở các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi; hướng dẫn đăng ký giấy phép kinh doanh theo quy định; khuyến cáo hộ nuôi tuân thủ các giải pháp phòng bệnh cho chồn nuôi; các địa phương thành lập và tăng cường hoạt động tổ tuần tra an ninh trật tự vào ban đêm, góp phần bảo vệ tài sản người dân... Ngoài nguồn thu nhập từ nuôi thủy sản, việc tận dụng diện tích bờ vuông, sân vườn nuôi chồn hương đang là mô hình mang lại nguồn thu nhập khá cho nông dân xã Tân Ân Tây nói riêng và huyện Ngọc Hiển nói chung./.
Loan Phương