Mì tôm thanh long bùng nổ deal triệu đô trên sóng Shark Tank
Ba triệu gói mì được bán ra sau chiến dịch "Lần đầu tiên trái thanh long có trong mì tôm"
Shark Tank Việt Nam mùa 7 tập 13 chứng kiến thương vụ gọi vốn từ Caty Food cùng “hiện tượng quốc dân” mì tôm thanh long.
Kể về hành trình tạo nên mì tôm thanh long, chị Phan Thị Na - Tổng Giám đốc, đồng sáng lập Công ty Cổ phần Caty Food chia sẻ: “Caty Food là thành viên của Hiệp hội thanh long Bình Thuận, rất trăn trở, khát khao để tìm đầu ra cho trái thanh long ở vùng trồng Bình Thuận nói riêng và Việt Nam nói chung.
Sau 2 năm nghiên cứu cùng trường Đại học Công thương và Viện Khoa học Kinh tế Sài Gòn, Caty Food đã phát triển thành công mì ăn liền thanh long công nghệ nano, trong vắt mì chứa 12% hàm lượng thanh long. Mì thanh long đã được cấp giấy chứng nhận là sản phẩm của doanh nghiệp khoa học công nghệ của tỉnh Bình Thuận”.
Về sản phẩm, theo đội ngũ Caty Food, mì thanh long là sản phẩm mang tính đột phá vì lần đầu tiên trên thế giới người Việt Nam thành công mang thành phần trái cây thanh long vào trong sợi mì và đây cũng chính là lợi thế cạnh tranh của mì thanh long. Caty có bằng sáng chế công nghệ, đã đăng ký độc quyền ở Mỹ, Trung Quốc và một số nước khác.
Sản phẩm đã đạt các giấy chứng nhận như FDA, HACCP, GlobalGAP, đã xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Trung Quốc, cuối năm 2024 xuất khẩu sang Nga, Indonesia và Australia. Ở thị trường nội địa, sản phẩm có mặt tại 10.000 điểm bán, có tại hệ thống các siêu thị Emart, Co.opmart.
Về bức tranh thị trường, Năm 2023, Việt Nam ghi nhận tiêu thụ hơn 8 tỷ gói mì, ngoài các ông lớn còn tới 27% thị phần của các hãng mì nhỏ lẻ. Caty Food đặt mục tiêu năm 2026 có thể chiếm lĩnh 5% thị phần của toàn bộ thị trường.
Đội ngũ Caty Food cũng cho biết mặc dù thị trường mì ăn liền là thị trường đỏ tuy nhiên xét về thị trường mì ăn liền có thành phần trái cây, mì thanh long không có đối thủ và tiềm năng phát triển là vô cùng lớn.
Thực tế, mì thanh long đã tiêu thụ được hơn 3 triệu gói mì sau thành công của chiến dịch “Lần đầu tiên trái thanh long có trong mì tôm”. Công ty đã mở rộng được hơn 10.000 điểm bán, doanh thu 2023 là 46 tỷ đồng, biên độ lợi nhuận sau thuế là 8%. Mục tiêu 2024 đạt được doanh thu 250 tỷ đồng, mở rộng hơn 50.000 điểm bán vào năm sau.
Đến Shark Tank, Caty Food gọi vốn 1 triệu USD cho 5% cổ phần.
Ba Shark từ chối đầu tư vì nhiều rủi ro, lợi nhuận không cao
Nhận thấy sự thành công của chiến dịch truyền thông “Lần đầu tiên trái thanh long có trong mì tôm” là cú hích cho sự phát triển của Caty Food, Shark Minh Beta đặt câu hỏi “sự thành công của chiến dịch là do đội ngũ Caty Food tính toán hay nhờ may mắn”?
Trả lời Shark, Trần Danh - Giám đốc marketing Caty Food cho biết: “May mắn chỉ là một yếu tố trong chiến dịch. Đội ngũ marketing của Caty Food rất trẻ, rất am hiểu văn hóa đại chúng, nắm bắt được các trend (xu hướng), đã tính toán được là sau khi tung chiến dịch này sẽ có độ viral (lan truyền) nhất định. Caty Food đã rất tự tin và đo đạc được 50-60% tình hình.
Tuy nhiên, thực tế sức hút lớn hơn kỳ vọng nên đã tạo nên một cuộc “khủng hoảng dương” khi chiến dịch thành công”.
Trước sự tự tin của đội ngũ Caty Food, Shark Minh Beta đưa câu hỏi liệu Caty Food có thể tiếp tục sản xuất ra các chiến dịch truyền thông tiếp theo tương tự như thế không?
Đáp lời, Trần Danh cho biết Caty Food đang ấp ủ một chiến dịch bùng nổ tiếp theo vào những tháng cuối năm 2024.
Shark Nga hỏi về hình thức xuất khẩu số hàng đi Mỹ và Nga sắp tới. Đội ngũ Caty Food cho biết hiện tại đã ký kết thành công với 2 đối tác lớn là Mỹ và Trung Quốc. Trong đó, với Mỹ, đã ký kết thành công 5 container. Với Trung Quốc, đã ký kết thành công 7 container và đang đàm phán ký kết với Nga 10 container và Indonesia 8 container. Mỗi container dao động từ 700-800 triệu đồng về mặt giá trị.
Shark Phi Vân đặt câu hỏi về tính khác biệt của sản phẩm “điều gì khiến sau lần đầu tiên, khách hàng tiếp tục với Caty Food?
Trả lời Shark, đội ngũ cho biết khi kết hợp trái thanh long tươi vào trong sợi mì giúp giảm được tinh bột, tạo sự thanh mát, tăng cường hệ miễn dịch, tiêu hóa tốt nhưng vẫn giữ được độ ngon của sợi mì.
Đã và đang nhập khẩu nhiều mì ăn liền tiêu chuẩn từ Thái Lan giá 3.100 đồng, Shark Tillman Schulz - vị CEO của Tập đoàn MDS (Đức) đặt câu hỏi về khả năng cạnh tranh về chất lượng lẫn phong cách khi biết giá sản phẩm Caty Food từ 6.000-16.000 đồng. Trả lời Shark, đội ngũ Caty Food cho biết mục tiêu của Caty Food chỉ là chiếm lĩnh 5% thị trường. Tuy nhiên, câu trả lời này chưa đúng thông tin Shark Tillman Schulz cần.
Để giúp startup, Shark Minh đặt câu hỏi ngược lại cho vị “cá mập” Đức về số lượng cụ thể Shark Tillman Schulz cần phải mua để đạt mức giá đó và được trả lời là 15-20 triệu gói.
Đội ngũ Caty Food cho biết hiện tại đang xuất ra thị trường 1 triệu gói một ngày nên hoàn toàn có khả năng sản xuất số lượng như Shark Tillman Schulz yêu cầu. Về giá, với đơn hàng 20 triệu gói, giá xuất xưởng là 7.000 đồng/gói.
Nhận thấy Shark Tillman Schulz vẫn còn băn khoăn về tính cạnh tranh của Caty Food nếu xuất khẩu sang châu Âu, Giám đốc marketing Caty Food Trần Danh cho biết thực chất Caty Food không muốn cạnh tranh với các hãng mì ăn liền truyền thống mà muốn đi theo hướng mì ăn liền có thành phần trái cây. Thực tế đã chứng minh được khi sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Trung Quốc được ưa thích vì việc mang trái cây vào mì ăn liền rất khó.
Cố gắng tìm cơ hội bán hàng sang thị trường châu Âu cho Caty Food trước Shark Tillman Schulz, Shark Minh tiếp tục giải thích: “Bạn biết đấy, bạn không thể xem nó là một dạng mì điển hình được. Với góc nhìn của khách hàng, đây là điều mới mẻ, nhiều dinh dưỡng hơn. Tôi nghĩ chúng ta nên tìm đối tượng khách hàng phù hợp”.
Mặc dù rất nhiệt tình trong việc giúp startup thuyết phục Shark Tillman Schulz mua hàng, ở khía cạnh đầu tư cá nhân, Shark Minh Beta chia sẻ: “Cá nhân tôi nhận định thị trường mì tôm rất đỏ lửa, nó đỏ như vỏ của trái thanh long vậy. Theo tôi biết trên thị trường có khoảng 50 công ty sản xuất mì tôm và 4 ông lớn thì chia đa số thị phần, nhiều doanh nghiệp nhỏ hơn thì cũng rất chật vật. Ngành này biên lợi nhuận không cao”.
Đánh giá Caty Food đã có kế hoạch truyền thông thành công khiến doanh nghiệp đã phát triển nhanh, tuy nhiên Shark Minh Beta nhận thấy khả năng duy trì sự thành công rất thấp. Theo Shark Minh Beta, các doanh nghiệp khác có thể bắt chước hoặc các ông lớn nhảy vào đồng thời cho rằng Caty Food định giá doanh nghiệp cao so với kết quả kinh doanh nên quyết định không đầu tư.
Cùng quan điểm, Shark Lê Mỹ Nga chia sẻ rằng kết quả kinh doanh tốt của Caty Food chỉ là nhất thời nhờ sự ủng hộ của khách hàng “giải cứu thanh long” và không thấy bức tranh sáng sủa về thị trường cả ở quốc tế và Việt Nam trong tương lai nên không đầu tư.
Shark Phi Vân cho biết nếu chỉ dừng lại ở mì tôm thì không phải khẩu vị của bà. Nếu Caty Food có thể tạo ra nhiều sản phẩm khác, tạo thành chuỗi F&B thương hiệu Việt Nam với những loại mì, phở, bún sợi từ trái cây… thì có thể đầu tư trong tương lai còn hiện tại thì từ chối đầu tư.
Startup Việt Nam đang định giá cảm tính
Sau khi 3 “cá mập” đã ra quyết định, Shark Tillman Schulz vẫn chưa vội “chốt” mà tiếp tục đặt câu hỏi cho Caty về lý do công ty này định giá 20 triệu USD.
Trả lời Shark, đại diện Caty Food cho biết công ty đặt mục tiêu năm 2024 doanh thu 250 tỷ đồng và tin tưởng vào mục tiêu 3 năm tới, năm 2026 sẽ đạt 2.000 tỷ đồng. Đơn vị cũng đề xuất lối ra trong trường hợp nếu tình hình kinh doanh 3 năm tới không đạt như kỳ vọng thì có thể định giá lại.
Với vấn đề định giá doanh nghiệp, Shark Bình chia sẻ điểm yếu của các startup Việt Nam nói chung là việc định giá cảm tính. Đồng thời gợi ý một số công cụ, cách thức startup có thể áp dụng để đưa ra mức định giá phù hợp.
Trước khi nói về quyết định đầu tư, Shark Tillman Schulz dành lời chúc mừng cho Caty Food vì đã có một sản phẩm tuyệt vời về sự phát minh và tạo xu hướng cũng như việc xuất khẩu đến Mỹ đạt chứng nhận FDA.
Tuy nhiên, ở khía cạnh đầu tư, ông đánh giá khó để lấy lại lợi nhuận vì những đơn vị hoặc những công ty từ quốc gia khác sẽ có thể phát triển những công nghệ gần giống như công nghệ Caty Food đang sở hữu bằng sáng chế. Đây là rủi ro rất lớn cho các nhà đầu tư nên ông không tham gia.
Là người cuối cùng đưa ý kiến, trước khi ra deal, Shark Bình chia sẻ về cách ông định giá Caty Food: “Trong ngành này, tôi tra ra ở Mỹ, các công ty trên sàn chứng khoán chỉ có P/E (price to earning ratio) khoảng 15 lần. Nhưng với công ty startup như Caty Food thì định giá chỉ tối đa 10 lần. Lợi nhuận năm nay 20 tỷ đồng thì định giá chỉ khoảng 200 tỷ đồng”. Với cách định giá này, Shark Bình ra deal 1 triệu USD cho 11,1% cổ phần.
Shark Phi Vân và Shark Nga đánh giá deal tốt khuyên startup nên nhận.
Nhận thấy startup vẫn còn băn khoăn số phần trăm chia sẻ, Shark Minh Beta gợi ý startup chia nhỏ deal của Shark Bình “500.000 USD cho 5% cổ phần và 500.000 USD còn lại sẽ đổi thành 3% với điều kiện 2025 các bạn đạt doanh số 400 tỷ đồng chẳng hạn”. Tuy nhiên, Shark Bình cho biết không thích sự phức tạp, không đồng ý thay đổi deal.
Sau khi hội ý với Chủ tịch công ty, đội ngũ Caty Food nhận deal 1 triệu USD cho 10% cổ phần của Shark Bình. Khép lại thương vụ gọi vốn thành công.
An An