1. Kinh doanh

McDonald's kiện các nhà đóng gói thông đồng tăng giá thịt bò

McDonald’s hiện đang có mâu thuẫn với các nhà đóng gói thịt lớn nhất hiện nay. Trong một đơn kiện liên bang nộp vào hôm 4/10 tại New York, McDonald's cáo buộc các công ty này đã có hành vi hạn chế cạnh tranh, như cùng nhau giới hạn nguồn cung để tăng giá và tính phí “bị thổi phồng bất hợp pháp”.

Vụ thông đồng này đã biến thị trường thịt bò thành “một thị trường độc quyền, nơi những người mua trực tiếp phải chấp nhận mức giá do các nhà đóng gói thịt quyết định”. Đơn kiện của McDonald’s cho rằng thiệt hại mà công ty gánh chịu là điều mà “luật chống độc quyền được thiết kế để ngăn chặn”.

Các nhà cung cấp thịt hàng đầu của Mỹ

McDonald’s cáo buộc âm mưu của các nhà đóng gói thịt này kéo dài gần một thập kỷ, ít nhất là từ tháng 1 năm 2015, và vẫn tiếp tục đến hiện tại. Đơn kiện của họ lập luận rằng hành động của các công ty này vi phạm Đạo luật Sherman, một đạo luật chống độc quyền liên bang.

Tyson, JBS, Cargill và National Beef không lập tức phản hồi các cáo buộc này vào ngày 8/10. Tuy nhiên, họ đã từng đối mặt với các cuộc điều tra liên bang và cáo buộc về định giá cố định từ các cửa hàng tạp hóa, chủ trang trại, nhà hàng và nhà bán buôn trong các năm qua. Một số vụ kiện vẫn đang chờ xử lý, mặc dù trước đây các nhà đóng gói và xử lý thịt đã phải chi tiền bồi thường.

Ví dụ, vào năm 2022, JBS đã đồng ý giải quyết 52,5 triệu USD trong một vụ kiện tương tự về định giá thịt bò. Và Tyson đã đồng ý trả 221,5 triệu USD vào năm 2021 sau khi đối mặt với các cáo buộc tập thể về việc cố ý tăng giá gà.

Thịt được bán tại siêu thị ở Mỹ

Tuy nhiên, các khoản bồi thường này không bao gồm việc thừa nhận sai phạm. Các công ty chế biến thịt trước đây đã khẳng định rằng các yếu tố lớn hơn về cung và cầu nằm ngoài tầm kiểm soát của họ đã dẫn đến sự tăng giá, chứ không phải hành vi hạn chế cạnh tranh. Một số nhà máy chế biến thịt bị đóng cửa trong đỉnh điểm của đại dịch COVID-19 và ngành công nghiệp này cũng đối mặt với tình trạng thiếu lao động trầm trọng do đại dịch gây ra.

Tuy nhiên, các vụ kiện như của McDonald’s chỉ ra rằng lợi nhuận biên của các công ty đã tăng trong thời gian bị cáo buộc có âm mưu và thị trường đã tạo điều kiện cho việc thông đồng. “Các âm mưu dễ tổ chức và duy trì hơn khi một vài công ty kiểm soát một phần lớn thị trường”, đơn kiện của McDonald’s nêu rõ. Dữ liệu gần đây cho thấy Tyson, JBS, Cargill và National Beef kiểm soát hơn 80% thị trường thịt bò Mỹ.

McDonald’s đang yêu cầu bồi thẩm đoàn xét xử. Chuỗi cửa hàng có trụ sở tại Chicago này chưa phản hồi về các yêu cầu bình luận vào ngày 8/10. Họ có hơn 39.000 cửa hàng tại hơn 100 quốc gia, trong đó khoảng 13.000 ở Mỹ. Phần lớn các cửa hàng đều là nhượng quyền.

Khuất Trang

Tin khác