McDonald's, KFC, Burger King đang làm ăn ra sao ở Việt Nam?
Gần đây, McDonald’s và Burger King lần lượt thông báo đóng cửa các chi nhánh lâu năm tại trung tâm quận 1, TP.HCM.
Màn "rút lui" của các chuỗi thức ăn nhanh khỏi các mặt bằng đắc địa không chỉ phản ánh sự thay đổi trong chiến lược phát triển, mà còn là minh chứng cho cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong ngành F&B.
Doanh thu trăm, nghìn tỷ vẫn lỗ
Năm 2014, McDonald’s lần đầu hiện diện tại Việt Nam thông qua đơn vị nhượng quyền là CTCP Good Day Hospitality do ông Nguyễn Bảo Hoàng làm CEO.
Dù đã thành công tại Mỹ - cái nôi của ngành thức ăn nhanh, McDonald’s vẫn đang "đau đầu" giải quyết bài toán lợi nhuận sau gần 10 năm hoạt động tại Việt Nam.
Đặt mục tiêu 100 cửa hàng trong 1 thập kỷ nhưng McDonald’s hiện chỉ sở hữu 35 chi nhánh, tập trung chủ yếu ở TP.HCM và Hà Nội. Theo dữ liệu của Vietdata, doanh thu năm 2022 của McDonald’s đạt hơn 650 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản lỗ ở mức cao nhất ngành, lên tới 100 tỷ đồng.
Dẫn đầu doanh thu ngành đồ ăn nhanh tại Việt Nam hiện nay là Lotteria, thương hiệu thuộc Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc).
Tham gia thị trường từ năm 1998, Lotteria đã phủ sóng 52 tỉnh thành với gần 250 cơ sở và ghi nhận doanh thu tăng trưởng ổn định trong giai đoạn 2020-2022, đạt hơn 2.000 tỷ đồng trong năm 2022.
Tuy nhiên, dù được hậu thuẫn bởi một trong những tập đoàn lớn nhất "xứ sở kim chi", thương hiệu này vẫn phải đối mặt với khoản lỗ hơn 14 tỷ đồng. Dĩ nhiên, kết quả này đã cải thiện 90% so với cùng kỳ 2 năm trước đó.
Trong khi đó, các thương hiệu đồ ăn nhanh nổi tiếng khác như Burger King, Domino’s Pizza và Gà rán Popeyes đang được Công ty TNHH DV Thực phẩm và Giải khát Việt Nam (VFBS) nhận quyền kinh doanh tại Việt Nam.
Đây là công ty thuộc Tập đoàn Imexpan Pacific của ông Johnathan Hạnh Nguyễn. Bên cạnh các thương hiệu kể trên, VFBS cũng tự xây dựng và phát triển một số thương hiệu riêng như Big Bowl, Saigon Café.Bar.Kitchen, HaNoi Café.Bar.Kitchen...
Dù vậy, Vietdata ghi nhận doanh thu của VFBS chỉ dao động nhẹ quanh mức 650 tỷ đồng trong 2 năm 2020 và 2021. Đến 2022, chỉ số này tăng mạnh lên gần 920 tỷ đồng.
Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn trong tình trạng thua lỗ, dù khoản lỗ đã thu hẹp đáng kể từ mức 102 tỷ đồng năm 2021 về còn lỗ 19 tỷ đồng năm 2022.
Biên lợi nhuận vài phần trăm
Trên thị trường Việt Nam, KFC là một trong những cái tên hiếm hoi ghi nhận lợi nhuận dương trong giai đoạn 2020-2022.
Năm 2022, thương hiệu này của Mỹ đã phục hồi ấn tượng với doanh thu hơn 1.600 tỷ đồng, tăng 60% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt trên 50 tỷ đồng, đánh dấu sự tăng trưởng mạnh mẽ sau chuỗi thua lỗ trước đó. Dù vậy, biên lãi ròng chỉ hơn 3%.
KFC thâm nhập thị trường Việt Nam từ năm 1997 qua liên doanh giữa doanh nhân Chew Leong Chee và Công ty KFCV. Khác với McDonald's, KFC linh hoạt điều chỉnh thực đơn với gần 300 món toàn cầu để phù hợp với từng thị trường.
Hiện, thương hiệu này đã có hơn 210 chi nhánh trên cả nước, trở thành một trong những chuỗi đồ ăn nhanh phổ biến nhất tại Việt Nam.
Một đối thủ "nặng ký" khác - Jollibee cũng đang gia tăng độ phủ với tốc độ nhanh chóng. Nhờ thực đơn phù hợp khẩu vị người Việt, dù chỉ mới tham gia thị trường Việt Nam từ năm 2005, thương hiệu Philippines này hiện sở hữu hơn 190 cửa hàng toàn quốc.
Năm 2022, Jollibee ghi nhận doanh thu ấn tượng với gần 1.900 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm trước đó.
Đây cũng là thương hiệu có lợi nhuận sau thuế cao nhất ngành thức ăn nhanh tại Việt Nam trong giai đoạn 2020-2022. Vietdata ghi nhận Jollibee lãi hơn 68 tỷ đồng, tương đương biên lợi nhuận khoảng 3,6%.
Với mảng pizza, The Pizza Company cũng chứng kiến doanh thu dao động liên tục trong giai đoạn 2020-2022. Năm 2020, doanh thu của thương hiệu đạt hơn 580 tỷ đồng. Con số này giảm nhẹ vào năm 2021, rồi sau đó phục hồi và tăng 52% vào năm 2022, đạt gần 820 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế chuyển từ âm 100 tỷ đồng năm 2020 sang dương gần 40 tỷ năm 2022.
Không thu về doanh thu hay lợi nhuận "khủng", song The Pizza Company lại là thương hiệu có biên lãi ròng cao nhất ngành, ở mức 4,9%. Điều này cho thấy hiệu quả kinh doanh của thương hiệu đã có sự cải thiện rõ rệt sau nhiều năm biến động.
Dù có mặt tại Việt Nam vào năm 2013, muộn hơn rất nhiều năm so với các chuỗi pizza khác, The Pizza Company - được quản lý bởi Công ty QSR Việt Nam - tự nhận đã có những bước tăng trưởng vượt bậc, vượt mặt các đối thủ cạnh tranh để trở thành chuỗi nhà hàng pizza có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất.
Hiện, thương hiệu đang sở hữu 78 chi nhánh tại Việt Nam, chiếm hơn 1/4 số cửa hàng của The Pizza Company trên toàn thế giới.
Bức tranh ảm đạm khắp toàn cầu
Không chỉ riêng Việt Nam, ngành F&B toàn cầu cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt sau đại dịch Covid-19. Theo CBS, nhiều nhà hàng buộc phải thay đổi mô hình kinh doanh sang bán mang về và giao hàng. Sau đại dịch, lạm phát và chi phí nhân công tăng cao đã gây áp lực lên giá thành.
Đối với những người có thu nhập thấp - nhóm khách hàng cốt lõi của các chuỗi đồ ăn nhanh trên thế giới, giá cả tăng cao càng khiến họ giảm tần suất ăn ngoài hoặc chuyển sang nấu ăn tại nhà.
Trong bối cảnh này, các chuỗi lớn như McDonald's và KFC ghi nhận lượng khách giảm đáng kể, trong khi một số thương hiệu như Popeyes và Harold's Chicken thậm chí đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản.
Theo The Street, tập đoàn EYM - chủ sở hữu nhiều thương hiệu lớn như Burger King, KFC và Pizza Hut, đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản cho các chi nhánh Pizza Hut mà họ quản lý do tranh chấp với Yum Brands về vấn đề tiền bản quyền. Hiện, EYM cũng đã đóng cửa 25 trong số 47 cửa hàng KFC.
Công ty RRG - đơn vị điều hành 17 cửa hàng Popeyes tại Georgia, cũng đã nộp đơn phá sản vào tháng 2 do lỗ nặng từ 3 cửa hàng. Gần đây, Original Harold's Chicken of Nevada, thương hiệu gà rán lâu đời từ năm 1950, cũng đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản để tái cơ cấu hoạt động.
Cẩm Tú