Mạnh dạn 'mở lối' thoát nghèo
Từ nhỏ, chị Nguyễn Thị Thanh Huyền (SN 1984, trú tổ dân phố 1, phường Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh) đã chịu nhiều vất vả, khó khăn. Năm 25 tuổi, chị kết duyên với anh Phan Hoài Thanh (SN 1978). Sau khi kết hôn, vợ chồng chị với 2 bàn tay trắng đã cùng chung tay lao động, làm nhiều công việc để mưu sinh. Các con Phan Đình Trường (SN 2010) và Phan Hà Vy (SN 2013) lần lượt chào đời trong niềm hạnh phúc của vợ chồng trẻ.
Dù thời điểm này, kinh tế gia đình còn thiếu thốn, thu nhập chưa đủ để trang trải cuộc sống và chăm sóc 2 con nhỏ nhưng anh chị vẫn lạc quan, nỗ lực làm việc mong một tương lai tốt đẹp. Nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang” khi năm 2013, anh Thanh mắc bệnh hiểm nghèo và sau đó hơn 1 năm thì mất, để lại chị Huyền cùng 2 người con thơ dại và bố mẹ chồng đã lớn tuổi. Cuộc sống của gia đình nhỏ vốn “thiếu trước hụt sau” nay càng lao đao, đôi vai gầy của chị Huyền phải gồng gánh biết bao khó nhọc.
Chị Huyền chia sẻ: “Lúc chồng mất, con trai lớn mới được 4 tuổi, con gái nhỏ còn chưa tròn 1 tuổi. Thời điểm ấy, tôi gần như ngã quỵ bởi đã mất đi một bờ vai vững chắc. Khi bình tâm lại, ngắm nhìn di ảnh chồng rồi lặng nhìn 2 đứa con còn thơ dại, tôi tự nhủ phải nuốt nước mắt vào trong, gắng sức làm việc để nuôi con khôn lớn, chăm sóc bố mẹ chồng”.
Quyết tâm là vậy nhưng thời điểm đó, tài sản của gia đình chị Huyền gần như chẳng có gì vì tiền bạc tích góp được đã dồn vào chữa bệnh cho chồng. Thêm vào đó, ruộng đất để sản xuất chỉ có vài sào, thu nhập chẳng đáng là bao. Thế nên, chị Huyền quyết định tiếp tục đi làm thuê, chỉ mong có tiền nuôi con và thoát khỏi cảnh nghèo. Tuy nhiên, thu nhập rất bấp bênh, dù có cực khổ đến đâu cũng không đủ trang trải. Băn khoăn mãi, chị Huyền quyết định thử sức với buôn bán online.
Qua nghiên cứu thị trường, chị chọn buôn bán một số loại đặc sản miền núi như nhung hươu, tinh bột nghệ, mật ong rừng... Để có vốn kinh doanh, chị vay mượn người thân, bạn bè rồi tự đi mua hàng, giao hàng. Dù là ngày hè oi bức hay ngày mưa rát mặt, chị Huyền vẫn rong ruổi ngược xuôi để thu mua và giao hàng cho khách gần xa. Chị làm lụng bất kể sớm khuya, chắt chiu từng đồng chỉ mong có một ít thu nhập để gia đình có cái ăn, cái mặc, các con được đến trường. May mắn, việc buôn bán gặp thuận lợi, việc kinh doanh của chị ngày càng mở rộng. Nhờ đó, năm 2021, gia đình chị Huyền đã thoát nghèo. Lúc này, chị Huyền lại quyết định tiếp tục vay vốn để mở cửa hàng buôn bán nông sản.
Nói về quyết định táo bạo này, chị Huyền chia sẻ: “Gia đình tôi vốn là hộ nghèo lâu năm ở địa phương và mới chỉ thoát nghèo nên khi quyết định vay vốn mở cửa hàng, tôi đắn đo rất nhiều. Song, với sự động viên của bố mẹ chồng, chính quyền địa phương, tôi đã mạnh dạn vay hơn 300 triệu đồng từ nguồn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Phát triển phụ nữ Hà Tĩnh rồi thuê mặt bằng để kinh doanh”.
Đầu năm 2023, chị Huyền khai trương cửa hàng kinh doanh nông sản, đặc sản có tên “Trường Vy”. Tên cửa hàng được chị ghép từ tên của 2 con với ý nghĩa các con là động lực để chị phấn đấu. Tại cửa hàng, ngoài các mặt hàng nông sản của Hà Tĩnh như: nhung hươu, mật ong, trái cây theo mùa, dầu lạc…, chị Huyền còn nhập các loại cây thuốc nam, trà thảo mộc, các sản vật Tây Bắc như măng, miến, thịt trâu gác bếp… để kinh doanh. Cửa hàng của chị từng bước phát triển, lượng khách tăng đều theo thời gian.
Vui mừng khi nhìn lại thành quả, chị Huyền chia sẻ: “Dù cửa hàng còn nhỏ, lợi nhuận mới ở mức khoảng 7 triệu đồng/tháng nhưng với tôi đó là một kết quả tuyệt vời. Nhờ cửa hàng mà nay cuộc sống gia đình đã dần ổn định, bố mẹ khỏe mạnh, các con chăm ngoan, học tốt. Với tôi, đó là điều hạnh phúc nhất”.
Những “quả ngọt” này cũng là động lực giúp chị Huyền tiếp tục cố gắng làm việc, phát triển kinh doanh, tăng thu nhập để trả nợ, nuôi dạy các con, chăm sóc bố mẹ và xây dựng lại nhà cửa khang trang hơn.
Anh Thùy