Mạnh dạn đầu tư nuôi con 'hiền lành, mắn đẻ', anh nông dân nhẹ nhàng kiếm 1 tỷ đồng/năm
Nhờ nuôi cá chép Nhật, cá koi, anh Trương Trung Cường, ngụ tại xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, Tp.HCM đã vươn lên làm giàu. Mô hình nuôi cá chép của anh Cường là một trong những mô hình điểm, tiêu biểu, hiệu quả kinh tế cao của địa phương và huyện Bình Chánh.
Theo báo Kinh tế & Đô thị, hơn 20 năm trước, từ Tây Ninh anh Cường lên Tp.HCM học đại học rồi lập gia đình, về nhà vợ ở xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh sinh sống.
"Lúc đó, tôi làm việc cho công ty nước ngoài, trong vài lần đến chơi nhà người quen, thấy họ nuôi cá cảnh, tôi mua về nuôi với suy nghĩ để giải trí. Nhưng sau khi nhân được giống, tôi nghĩ ngay đến việc nuôi kinh doanh rồi quyết định nghỉ việc có thu nhập khá tại công ty nước ngoài", anh Cường kể lại.
Năm 2004, anh Cường bắt đầu nuôi kinh doanh cá cảnh. Tuy nhiên, "vạn sự khởi đầu nan" vì anh chưa có kinh nghiệm, vốn ít, khi cá bị bệnh lại không biết cách chữa trị.
Thời điểm đó internet chưa phổ biến lại không có ai hướng dẫn cách trị bệnh cá, nên anh Cường phải tự tìm kiến thức trên sách vở. Đến khi cá lớn thì chào hàng không ai mua. Do đó, anh Cường phải gửi các cửa hàng cá cảnh bán giúp, khi họ bán hết anh mới lấy tiền.
"Trong năm 2004, bán được lứa cá cảnh đầu tiên với số tiền 350.000 đồng (tương đương 5 phân vàng), tôi quyết định thuê 3.000 m2 ở ngã tư Bình Phước để đầu tư lớn, nhưng tiếp tục thất bại do chưa nắm hết kỹ thuật. Nhìn cá chết hàng loạt, tôi nản lắm, nhờ vợ động viên nên tôi tiếp tục nuôi, đến năm 2006 về xã Tân Nhựt thuê gần 4 ha nuôi cá cảnh. Năm 2014, tôi cùng vợ bỏ cây lúa để nuôi cá cảnh, rồi dời hẳn về nhà vợ để nuôi và bắt đầu xuất khẩu trên 50 loại cá cảnh nước ngọt bằng nguồn tự sản xuất và mua từ các trại cá cảnh vệ tinh", anh Cường kể.
Hiện tại nhà anh Cường nuôi cá trong vài trăm hồ kính và bể xi măng (diện tích 1.300 m2). Theo anh Cường, cứ 1 m3 nước thả khoảng 200 cá bột giống. Hiện nay đã tạo được con giống, giảm rất nhiều chi phí cho người nuôi.
Về thức ăn, các loài ăn chung một loại, chủ yếu trùn chỉ, nhưng cá dĩa phải cho ăn thêm tim bò, mỗi ngày cá cảnh trong nhà anh Cường nuôi ăn từ 5-10 kg trùn chỉ, có cho ăn thêm cám viên, thức ăn công nghiệp.
Hiện anh Cường đang sở hữu hơn 3ha diện tích nuôi cá cảnh (đất nhà và thuê). Các loại cá cảnh, mà đặc biệt là cá chép Nhật và cá Koi mang lại cho anh nông dân này thu nhập bình quân trên 1 tỷ đồng mỗi năm. Không chỉ vậy, anh Cường còn giải quyết việc làm cho khoảng 16 lao động địa phương (người ít nhất 5 triệu đồng/tháng, cao nhất 10 triệu đồng/tháng).
Trao đổi với Dân Việt, anh Cường cho biết, trước đây, nông dân xã Tân Nhựt thường trồng lúa, nuôi cá thịt nhưng năng suất thấp. Sau này, các ao nuôi được cải tạo, chuyển qua nuôi cá chép. Do phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương nên chất lượng cá tốt, nhu cầu của thị trường, nhất là tại đô thị lớn như Tp.HCM rất cao. Ngoài ra, cá cảnh còn được xuất khẩu sang nhiều nước. Nhờ vậy, giá trị kinh tế từ cá cảnh vượt ngoài mong đợi.
Hiện anh Cường đã và đang tích cực hướng dẫn, truyền kinh nghiệm cho nông dân trong xã phát triển nghề nuôi cá cảnh trong ao đất. Anh cũng nhận bao tiêu cho hơn 10 hộ nông dân trong xã, giúp nông dân ổn định đầu ra, yên tâm sản xuất.
"Hiện tại không có loại cá cảnh nào được chuộng nhất, do vậy người nuôi phải nắm được nhu cầu, sở thích của thị trường, nên không thể xác định cá nào mắc nhất. Mỗi đợt xuất tùy theo đơn hàng, có khi xuất 2.000 con, có khi 10.000 con, do đây là hàng giải trí, không phải để ăn nên không có quy luật cố định. Vì cá cảnh là hàng giải trí nên khi xuất khẩu qua các nước, đòi hỏi rất nhiều tiêu chuẩn khắt khe", anh Cường lưu ý.
Minh Hoa (t/h)