Mạnh dạn 'bẻ lái' trồng thứ cây 'quý như vàng' ông nông dân thu về 5 tỷ đồng/năm
Cây vú sữa từ lâu đã là loại cây được nhiều người yêu thích. Không chỉ mang lại những giá trị kinh tế cao khi cho ra những trái chín thơm ngọt mà nó còn là loại thuốc chữa bệnh hiệu quả được nhiều người tin dùng.
Hiện nay để trồng vú sữa mang lại hiệu quả kinh tế cao bà con nên tham khảo kỹ thuật trồng và chăm sóc cây vú.
Nổi bật nông dân Trần Anh Nhân nhẹ nhàng kiếm tiền tỷ nhờ trồng vú sữa tím đột biến (vú sữa tím tứ quý) cho ra trái quanh năm.
Ban đầu, chỉ từ một cây vú sữa đột biến đến nay ông nông dân này đã nhân rộng ra 6ha trồng và kinh doanh cây giống vú sữa tím tứ quý đã giúp ông Trần Anh Nhân ở huyện Kế Sách có lợi nhuận 5 tỷ đồng mỗi năm.
Vú sữa tím đột biến còn có ưu điểm không có mủ, hạt tróc, cùi mềm và có vị ngọt nhẹ. Ngoài ra cây ra trái tự nhiên quanh năm (không bị phụ thuộc vào mùa vụ) trong khi các giống vú sữa khác ở địa phương chỉ cho trái 1 vụ duy nhất trong năm.
Thấy được tiềm năng từ cây sữa tím đột biến này, ông nông dân Trần Anh Nhân đã mở rộng trang trại trồng cây.
Chia sẻ bí quyết làm giàu với loại cây quen thuộc này ông Nhân cho biết, vú sữa tím tứ quý có ưu điểm là cho trái to (250 - 500 gr/quả).
Thịt dai, thơm, vị ngọt thanh, không mủ, vỏ mỏng nên có thể lột vỏ để ăn trực tiếp thay vì dùng dao để gọt. Đặc biệt cây lúc nào cũng ra hoa, kết trái mà không phải phụ thuộc vào yếu tố mùa vụ.
Nói thêm về cơ duyên khi sở hữu loại cây có nhiều ưu thế này, ông Nhân cho hay, năm 2010, ông phát hiện trong vườn trồng vú sữa tím của gia đình có cây vú sữa 5 năm tuổi cho trái quanh năm trong khi giống thông thường chỉ cho trái 1 vụ/năm.
"Thấy giống cây lạ, tôi dành thời gian theo dõi "cây mẹ" để nhân giống. Ban đầu ghép khoảng 200 cây nhưng chỉ thành công khoảng 60%.
Đến năm 2013 mới hoàn thiện kỹ thuật nhân giống, trồng thành công hơn 100 cây vú sữa tứ quý. Với ưu điểm cho trái quanh năm nên tôi đặt tên là vú sữa tím tứ quý", ông Nhân chia sẻ với báo Lao Động.
Khởi nghiệp với loại cây này từ năm 2012 do dễ chăm sóc, mỗi tháng chỉ bón phân một lần. Cây trồng sau 14 - 18 tháng là cho trái. Đặc biệt cây có khả năng chịu được độ mặn lên đến 3‰.
"Vào năm 2016, trên địa bàn xã bị xâm nhập mặn, độ mặn đo được là 3‰, trong khi nhiều cây trồng khác chết thì vườn vú sữa tứ quý chỉ rụng lá, sau đó vẫn cho trái bình thường", ông Nhân cho biết.
Ông Nhân nhận thấy tiềm năng từ cây vú sữa tứ quý, theo đó ông đã đăng ký giống bảo hộ độc quyền với Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) và được Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng công nhận vườn cây đầu dòng. Trái vú sữa tứ quý cũng đã được chứng nhận là OCOP 4 sao của tỉnh.
Hiện gia đình đã mở rộng diện tích đến 6ha với khoảng 1.000 cây cho trái ổn định, 500 cây chuẩn bị cho trái. Từ vườn cây đầu dòng, mỗi năm ông cung cấp khoảng 100.000 cây giống với giá 80.000 đồng/cây.
Với đặc tính nổi trội, lại có mẫu mã đẹp, vú sữa tím của ông Nhân được thị trường rất ưa chuộng.
Đối với trái, mức giá bán khá cao từ 30.000 - 80.000 đồng/kg. Ngoài bán trong nước, ông còn liên kết một số doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ. Tổng sản lượng bán trong và ngoài nước khoảng 80 tấn mỗi năm.
Nhờ những nỗ lực trong sản xuất và kinh doanh, ông Nhân đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tuyên dương là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024.
Sau hơn 10 năm chăm chỉ trồng cây và gặt hái được nhiều thành công đến khoảng năm 2020 chính quyền địa phương thành lập HTX Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và du lịch cộng đồng Mỹ Phước với 21 xã viên, ông Nhân được bầu là Giám đốc HTX nhằm mục tiêu hình thành vùng chuyên canh vú sữa tím tứ quý.
Với những kết quả đạt được thời gian qua, ông Nhân vẫn không ngừng cố gắng từng ngày, hiện ông Nhân còn liên kết với một số địa phương khác để mở rộng vùng trồng với diện tích 30ha.
Đồng thời, tại HTX còn giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động với thu nhập 12 triệu đồng/tháng.
Trúc Chi (t/h)