1. Kinh doanh

Luật chống lãng phí thực phẩm của Pháp

Chống lãng phí thực phẩm là vấn đề toàn cầu đang ngày càng được chú ý trong thời gian gần đây. Thế giới hiện đang lãng phí một phần ba sản lượng thực phẩm. Điều này không chỉ gây lãng phí tài nguyên, công sức của người nông dân mà còn ảnh hưởng đến môi trường. Trong khi đó, gần 300 triệu người thường xuyên phải đối mặt với tình trạng thiếu ăn.

Năm 2016, Pháp trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới thông qua luật yêu cầu các siêu thị lớn phải quyên góp thực phẩm dư thừa cho các tổ chức từ thiện và ngân hàng thực phẩm, nếu không sẽ phải đối mặt với mức phạt là hơn 3.700 Euro. Luật này, được biết đến với tên gọi là “Luật chống lãng phí”, đã thành công trong việc giảm lượng rác thải thực phẩm do các siêu thị tạo ra và giúp nuôi sống hàng nghìn người dễ bị tổn thương. Các tổ chức từ thiện có nghĩa vụ tới các siêu thị thu thập, bảo quản thực phẩm trong điều kiện tốt nhất. Nếu đồ ăn còn hạn sử dụng, chúng sẽ được phân phát cho người vô gia cư, người nghèo. Nếu thực phẩm đã quá hạn sử dụng, chúng sẽ trở thành đồ ăn cho gia súc.

Pháp đặt mục tiêu khá tham vọng là giảm 50% rác thải thực phẩm vào năm 2025. Pháp hiện còn rất nhiều việc phải làm để hoàn thành mục tiêu này, đặc biệt trong ngành nông nghiệp và thực phẩm. Chúng tôi cho điều quan trọng nhất là nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng hoặc giáo dục trong nhà trường.

Cô Manon Cuillé - Điều phối viên Tổ chức không rác thải ở Paris, Pháp.

Luật chống lãng phí của Pháp đã truyền cảm hứng cho nhiều công ty khởi nghiệp và ứng dụng về giảm lãng phí thực phẩm, điển hình nhất là ứng dụng “Too Good To Go”. Ứng dụng kết nối người tiêu dùng với các nhà hàng, quán cà phê và siêu thị địa phương có thực phẩm dư thừa. Khách hàng được mua thực phẩm này với giá ưu đãi, do đó giảm lãng phí thực phẩm và cung cấp lựa chọn bữa ăn tiết kiệm chi phí cho người tiêu dùng.

Ngay sau Pháp, Italia đã thông qua Luật chống lãng phí thực phẩm, vốn gây thiệt hại cho nước này 2 tỷ Euro mỗi năm. Điều luật mới khuyến khích nông dân, công ty chế biến thực phẩm và thương nhân tặng thực phẩm dư thừa thay vì vứt bỏ, tuy nhiên phải bảo đảm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trong khi đó, theo luật của Tây Ban Nha, tất cả công ty liên quan đến sản xuất và cung cấp thực phẩm phải có kế hoạch giảm chất thải thực phẩm, nếu không họ có thể bị phạt tới 60.000 Euro và lên tới 500.000 Euro nếu tái phạm.

Ngọc Mai

Tin khác