Lời giải cho bài toán tài chính của Gen Z: mua hay thuê nhà, nên đầu tư vào đâu?
Vừa qua, Batdongsan.com.vn đã tổ chức workshop “Đồng tiền đi liền kinh nghiệm” tại trường Đại học Kinh Tế - Luật (ĐHQG TP.HCM) với những chia sẻ từ anh Lê Bảo Long – Giám đốc Marketing, Batdongsan.com.vn cùng hai nhà sáng tạo nội dung đình đám Meichan và Nam Khánh. Sự kiện thu hút hơn 250 sinh viên tham gia, đã mang đến nhiều thông tin bổ ích về kinh nghiệm thuê nhà và tài chính cá nhân cho các bạn trẻ.
Đường nào cũng khó mua nhà, người trẻ cứ tiêu xài thoải mái, tận hưởng cuộc sống?
Theo dữ liệu thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2024 từ Batdongsan.com.vn, ước tính, để mua căn hộ diện tích 50m2 ở Hà Nội và TP.HCM, trung bình mỗi người dân cần dành khoảng 14 - 15 năm thu nhập. Chính vì vậy, một số bạn trẻ có suy nghĩ: “Dù sao cũng không mua được nhà, cứ kiếm được bao nhiêu tiêu bấy nhiêu”.
Bàn về quan điểm này, anh Lê Bảo Long, Giám đốc Marketing của Batdongsan.com.vn đánh giá việc chi tiêu bất chấp có thể ảnh hưởng đến người xung quanh nếu bạn rơi vào cảnh thiếu tiền. Còn Nam Khánh - Một Gen Z nổi tiếng cho rằng không phải hầu hết các bạn trẻ hiện nay đều tiêu xài vô tội vạ: “Nói Gen Z là một thế hệ hoang phí thì không đúng vì mỗi thế hệ sẽ có một khó khăn riêng. Gen Z có thể vô tư, vô lo nhưng vẫn có sự lý trí rất nhiều trong chi tiêu”. Nhà sáng tạo nội dung Meichan cũng không đồng tình với việc “thả trôi chi tiêu”, cô bạn cảm thấy thiếu an toàn khi không có sự tích lũy nên sẽ không chọn lối sống đó.
Mặc dù vậy, các khách mời tại workshop “Đồng tiền đi liền kinh nghiệm” đều cho rằng người trẻ không cần quá ám ảnh về việc sở hữu nhà. Theo anh Lê Bảo Long, về bài toán tài chính, chưa chắc thuê nhà là phương án kém tối ưu hơn, có chăng chỉ là sự khác biệt về “khẩu vị” giữa các thế hệ. Anh Lê Bảo Long cho biết nếu các thế hệ trước chuộng việc nắm giữ tài sản thì thế hệ trẻ ngày nay có xu hướng linh hoạt hơn. Họ có thể không đặt nặng chuyện mua mà chỉ thuê nhà và dùng một phần chi phí để phục vụ nhu cầu cuộc sống hoặc đầu tư.
Hiện nay, đa phần Gen Y đang ở độ tuổi lập gia đình nên thường có tâm lý muốn sở hữu nhà cửa, xe cộ để ổn định và có cảm giác an toàn. Trong khi đó, phần lớn Gen Z lại có lối sống và hành vi tiêu dùng linh hoạt hơn. Meichan cho rằng Gen Y có áp lực mua nhà nhiều hơn Gen Z, còn nhiều bạn Gen Z mong muốn tận hưởng, trải nghiệm cuộc sống nhiều hơn là việc ổn định với một cái nhà hay một cái xe ở độ tuổi 30 - 35 như các thế hệ trước.
Quá trình thuê nhà không phải lúc nào cũng diễn ra thuận lợi nên các chuyên gia dành lời khuyên các bạn trẻ cần tham khảo thông tin từ những nguồn uy tín. Để tiết kiệm thời gian, Gen Z vốn am hiểu công nghệ có thể sử dụng Batdongsan.com.vn nơi có hàng ngàn tin đăng cho thuê phòng trọ, chung cư, chung cư mini…phù hợp với từng nhu cầu và khả năng tài chính. Nền tảng công nghệ Batdongsan.com.vn còn có tính năng tin xác thực, gắn dấu tick xanh cho những bất động sản đã được kiểm chứng đảm bảo về giá cả, chất lượng, chủ sở hữu, người dùng dựa vào đó có thể lựa chọn cho mình “tổ ấm” phù hợp.
Ngoài ra, trên Batdongsan.com.vn còn có công cụ lịch sử giá, giúp Gen Z tự tin so sánh giá thuê so với những căn phòng khác. Theo anh Lê Bào Long, tính năng này vô cùng hữu ích trong quá trình “deal” giá để không bị “mắc bẫy” thuê với giá quá cao so với mặt bằng chung trong khu vực. Đặc biệt, trang Batdongsan.com.vn còn có tính năng môi giới chuyên nghiệp, giúp kết nối người dùng với những môi giới đã được Batdongsan.com.vn kiểm chứng về chứng chỉ hành nghề, có lịch sử hoạt động tốt trên trang.
Làm thế nào để biết thuê nhà có bị hớ giá? Xem ngày: Thuê nhà không còn bị “hớ” giá với tuyệt chiêu đơn giản
Không phải chứng khoán, vàng hay bất động sản, đây mới là khoản đầu tư dễ sinh lời nhất của người trẻ
Tại Workshop “Đồng tiền đi liền kinh nghiệm” ở trường Đại học Kinh Tế - Luật (ĐHQG TP.HCM), trả lời câu hỏi “Đâu là khoản đầu tư đáng giá nhất của tuổi trẻ?”, anh Lê Bảo Long, Giám đốc Marketing của Batdongsan.com.vn cho rằng tài sản quan trọng và giá trị nhất của người trẻ không phải vật chất mà là tài sản vô hình, bao gồm: kiến thức, trí tuệ, mối quan hệ và sức khỏe. Anh Long chia sẻ: “Giữa công việc trả lương 7 triệu đồng và 8 triệu đồng/tháng, nếu công việc 7 triệu đồng đem lại cho bạn nhiều cơ hội học hỏi hơn, hãy chọn việc đó dù thu nhập ít hơn. Sau này bạn có thể kiếm hàng chục, hàng trăm triệu nhờ kinh nghiệm đã tích lũy được.”
Hiện nay, nhiều bạn trẻ dùng khoản tích lũy của mình lao vào các loại hình đầu tư tài chính. Tuy nhiên anh Lê Bảo Long chia sẻ: “Giả sử mỗi tháng các bạn tiết kiệm 1 - 2 triệu rồi mang đi đầu tư, dù có lãi 100% thì số tiền cũng không đáng kể so với chuyện sau này đi làm có thể kiếm được mức lương hàng chục, hàng trăm triệu. Nên đôi khi chú tâm vào việc đầu tư với khoản nhỏ sẽ không tốt bằng việc đầu tư vào bản thân. Chắc chắn sẽ có cảm giác rất khó chịu, thay vì việc bỏ tiền mua chứng khoán, mua vàng lại đi đầu tư vào học tập. Nhưng đầu tư bản thân về dài hạn bao giờ cũng tốt hơn. Khi đã có một nền tảng ổn định, thì nên đầu tư vào những gì mình hiểu chứ không nên làm chỉ vì người khác cũng như vậy”.
Đồng tình với quan điểm này, nhà sáng tạo nội dung Nam Khánh tiết lộ: “Đối với mình, khoản đầu tư giá trị nhất là đầu tư cho bản thân, đặc biệt là giáo dục. Ngoài ra, trải nghiệm thực tế cũng quan trọng. Bạn có thể chọn những trải nghiệm vừa mang tính giải trí nhưng cũng vừa đem lại lợi ích nhất định cho công việc. Trong buổi tuyển chọn của Schannel, tuy có nhiều bạn ngoại hình tốt hơn mình nhưng mình lại được chọn vì từng đi đây đó và biết nhiều quán ăn ngon… Trải nghiệm thực tế là điều sẽ giúp bạn nổi bật hơn trong thị trường lao động ngày càng cạnh tranh”.
Dành dụm được ít tiền tiết kiệm, Gen Z nên đầu tư vào đâu? Xem ngay: Có chút tiền tiết kiệm, Gen Z nên đầu tư vào đâu?
Cô bạn Meichan cũng chia sẻ kinh nghiệm: “Với nguồn thu nhập hay số tiền tiết kiệm còn nhỏ thì sẽ có hơi ít lựa chọn để đầu tư. Đặc biệt đầu tư để sinh lời nhiều lại càng khó. Cá nhân mình, ở thời điểm hiện tại sẽ lựa chọn đầu tư cho bản thân. Người làm ra tiền là mình, người mang tiền đi đầu tư cũng là mình. Do đó nếu không có đủ sự nhanh nhạy, kiến thức hay kinh nghiệm sẽ rất khó để mang đi đầu tư kiếm lời. Đầu tư cho bản thân có thể là đi học thêm ngoại ngữ, học chứng chỉ mới để khi đi xin việc sẽ có một công việc lương cao hơn. Còn sau này khi đã có khoản tiết kiệm, thu nhập khá hơn mình sẽ tiếp tục tìm hiểu để đầu tư những thứ cần nhiều tiền hơn, sinh lời nhiều hơn”.
Tóm lại, với những người trẻ, việc đầu tư vào bản thân ở thời điểm hiện tại vẫn được đặt ưu tiên lên trên hết so với những ước muốn “tiền đẻ ra tiền”. Khi bạn đã có một nơi ở đủ an toàn, yên tâm về mọi mặt, hãy tiếp tục học hỏi, trau dồi thêm các kinh nghiệm cho chính mình. Bên cạnh đó, quản lý tài chính thông minh không đồng nghĩa là tiết kiệm quá mức mà vẫn cần phải chăm lo cho sức khỏe thể chất, tinh thần để hướng đến những mục tiêu lâu dài, bền vững hơn trong tương lai.
Lan Anh