1. Kinh doanh

Loạt thương hiệu quốc tế 'thất thủ' tại Trung Quốc: Thời 'hốt bạc' của các thương hiệu nội địa

Một ngày sau khi L'Oreal công bố doanh số bán hàng quý đáng thất vọng, cho thấy Trung Quốc là lực cản lớn đối với doanh thu của họ, Proya Cosmetics, công ty mỹ phẩm nội địa tại Hàng Châu đã báo cáo doanh số và lợi nhuận tăng 21% trong ba tháng kết thúc vào tháng 9.

Với lợi thế sở hữu các dòng sản phẩm có giá phải chăng và tiếp thị tập trung vào thị trường thương mại điện tử, các công ty Trung Quốc đang hoạt động bền bỉ giữa một thị trường mà các thương hiệu cao cấp đang trải qua thâm hụt đáng kể về doanh số.

Một cửa hàng cà phê Luckin ở Thượng Hải. Ảnh: Qilai Shen/Bloomberg.

Doanh số bán hàng tương đương của L'Oreal ở Bắc Á, bao gồm cả Trung Quốc, đã giảm 6,5% trong quý. Tổng giám đốc điều hành công ty Nicolas Hieronimus cho rằng kết quả kém là do sự bi quan của người tiêu dùng.

Sự suy thoái dai dẳng không chỉ giới hạn ở các nhà sản xuất mỹ phẩm. Gã khổng lồ hàng xa xỉ Moët Hennessy Louis Vuitton (LVMH) đã báo cáo quý kinh doanh tồi tệ nhất kể từ đại dịch Covid-19, trong khi Starbucks tiếp tục mất thị phần vào tay các đối thủ địa phương như Luckin Coffee và Cotti Coffee, nơi bán một tách Americano với giá chỉ 1,4 USD.

Ngay cả những thương hiệu được ưa chuộng thông thường như Nike và Uniqlo cũng đang ghi nhận doanh số sụt giảm trong bối cảnh người tiêu dùng chuyển sang các lựa chọn thay thế rẻ hơn, hay còn gọi là "pingti" trong tiếng Quan Thoại.

Ernan Cui, nhà phân tích người tiêu dùng Trung Quốc tại Gavekal Dragonomics cho biết "Các thương hiệu địa phương đang giành chiến thắng" trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với các thương hiệu quốc tế có tên tuổi và sức hút.

"Người tiêu dùng trở nên nhạy cảm hơn với giá cả và đang theo đuổi các sản phẩm có giá trị tốt hơn trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế yếu kém", ông nhấn mạnh thêm.

Theo ước tính của các nhà phân tích do Bloomberg tổng hợp, nhà bán lẻ giá rẻ của Trung Quốc Miniso Group Holding dự kiến sẽ báo cáo một quý nữa tăng trưởng hai chữ số. Đồng thời, các nhà phân tích ước tính mức tăng trưởng doanh thu của Luckin trong quý 3 vẫn giữ nguyên so với mức hơn 30% của quý trước.

Doanh số bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử lớn nhất của Trung Quốc thuộc Alibaba Group Holding cũng đang ngang bằng với các thương hiệu lớn toàn cầu.

Theo dữ liệu từ Hangzhou Zhiyi Tech, doanh số bán hàng của L\'Oreal, Estee Lauder, SK-II của Procter & Gamble và Shiseido đã giảm 35%-50% trong 12 tháng tính đến tháng 9.

Mặt khác, Proya và các nhãn hiệu nội địa khác như Kans và Comfy thuộc sở hữu của Giant Biogene Holding đã báo cáo mức tăng trưởng doanh số bán hàng hơn 20% trong cùng kỳ.

Thị trường Trung Quốc suy giảm đối với L\'Oreal là sự thách thức trong nhu cầu, đặc biệt là trong mùa thấp điểm và sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các thương hiệu trong nước, theo phân tích của giới chuyên gia thuộc Citigroup nhận định.

Trong khi đó, phân khúc mỹ phẩm cao cấp của công ty này cũng phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ chi tiêu thận trọng của người tiêu dùng.

Một lưu ý trước đó của Citi cho thấy không có sự cải thiện nào trong việc tiêu thụ hàng xa xỉ trong kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng kéo dài một tuần vào đầu tháng này sau các biện pháp kích thích chính sách vĩ mô gần đây ở Trung Quốc đã góp phần vào đợt tăng giá ngắn hạn của cổ phiếu hàng xa xỉ.

An Nhiên (Theo Bloomberg)

Tin khác