Liên kết trong chăn nuôi để đảm bảo giá ổn định
Nhiều cơ hội tiêu thụ sản phẩm hơn khi có tổ hợp tác
Năm 2017, thương lái tại xã Huy Khiêm thu mua giá thỏ hơi 25.000 - 30.000 đồng/kg. Trong khi đó, thương lái ở các tỉnh khác thu mua giá 70.000 đồng/kg. Đầu năm 2018, giá thỏ ở mức 65.000 đồng/kg nhưng cuối năm thì rơi xuống chỉ còn khoảng 40.000 đồng/kg, khiến nhiều hộ chăn nuôi rơi vào cảnh thua lỗ. Đến năm 2019, có thời điểm giá thỏ tăng lên đến 95.000 đồng/kg; sau đó, giá lại xuống còn 70.000 đồng/kg. Nhìn chung, giá thỏ hơi thường xuyên lên xuống thất thường, không chỉ ảnh hưởng đến thu nhập của người nuôi mà còn làm cho người nuôi lo lắng - không dám mở rộng quy mô. Thậm chí, người thì có ý định bỏ nuôi… Tình hình này đòi hỏi cần có những giải pháp hiệu quả để đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm và nâng cao giá trị cho chăn nuôi thỏ.
Anh Hồ Hữu Nghị - xã Huy Khiêm (Tánh Linh), tìm hiểu thị trường biết được nguyên nhân giá thỏ hơi không ổn định chính là thị trường tiêu thụ còn hạn chế. Nhu cầu tiêu thụ thỏ hơi tại nhiều khu vực chưa đủ mạnh, và trong những thời điểm cung vượt cầu, giá cả giảm mạnh. Nhiều hộ chăn nuôi vẫn hoạt động độc lập mà không có sự kết nối với nhau. Vì vậy, anh Nghị quyết định đi tìm thị trường tiêu thụ, chào bán sản phẩm nhiều nơi từ quán ăn đến nhà hàng, và thành lập tổ hợp tác chăn nuôi thỏ.
Tổ hợp tác này có khoảng 20 thành viên, liên kết giúp các hộ nuôi dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Đặc biệt, không để giá thỏ hơi rớt xuống dưới 65.000 đồng/kg dẫu mức giá thị trường thấp hơn giá này. Điều này sẽ giúp người nuôi có một mức thu nhập ổn định, tạo điều kiện tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi. Bên cạnh đó, tổ hợp tác còn có thể hỗ trợ các thành viên trong việc tiếp thị, quảng bá sản phẩm, giúp nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về các sản phẩm từ thỏ, từ đó tạo ra nhiều cơ hội tiêu thụ hơn.
Tạo sản phẩm từ thịt thỏ
Song song với việc cung cấp thỏ hơi cho thị trường, tổ hợp tác còn chế biến sản phẩm đặc thù. Đó là món thỏ gác bếp, với mùi khói đặc trưng, cũng khiến cho không phải ai cũng yêu thích. Nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là tại miền Nam, chưa quen với hương vị này, dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn. Điều này đòi hỏi các hộ chăn nuôi cần phải nghiên cứu và phát triển thêm các sản phẩm mới phù hợp với khẩu vị của đa số người tiêu dùng. Một trong những hướng đi hiệu quả là phát triển sản phẩm thỏ một nắng, thỏ ướp sẵn, thỏ nước dừa... không có mùi khói, dễ ăn và phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Việc này không chỉ mở rộng được thị trường mà còn giúp tăng giá trị cho sản phẩm thỏ.
Ngoài việc phát triển các sản phẩm thỏ một nắng, tổ hợp tác cũng cung cấp lồng nuôi, con giống và các thiết bị cần thiết cho người chăn nuôi. Các loại con giống được cung cấp bao gồm thỏ thịt, thỏ hậu bị, thỏ con và thỏ mang bầu, đảm bảo chất lượng và nguồn gốc rõ ràng. Việc đảm bảo chất lượng con giống là rất quan trọng, vì nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và hiệu quả chăn nuôi. Những con giống có nguồn gốc rõ ràng sẽ giúp người nuôi yên tâm hơn trong việc đầu tư và phát triển đàn thỏ. Tổ hợp tác bao tiêu sản phẩm với những hộ mà mua con giống của tổ.
Anh Hồ Hữu Nghị - Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi thỏ (xã Huy Khiêm, Tánh Linh) cho biết: Việc thành lập tổ hợp tác nuôi thỏ không chỉ giải quyết vấn đề giá cả không ổn định mà còn tạo cơ hội phát triển bền vững cho người chăn nuôi nhờ vào liên kết, đa dạng hóa sản phẩm và đảm bảo chất lượng con giống. Trong thời gian tới, tổ sẽ phát triển thành hợp tác xã, và xa hơn nữa sẽ liên kết phát triển theo hướng kinh tế tập thể trong chăn nuôi với kỳ vọng ngày càng khởi sắc, mang lại lợi ích cho cộng đồng.
TRANG MINH