1. Kinh doanh

Lazada 'mượn hơi' hãng xa xỉ trong cuộc chiến với Shopee, TikTok

Lazada cho thấy nỗ lực lớn trong việc giành lại thị phần từ Shopee và TikTok ở khu vực Đông Nam Á.

Sàn TMĐT thuộc tập đoàn Alibaba đang cố gắng chèo kéo các nhà mốt châu Âu như Armani và Dolce & Gabbana để khẳng định vị trí trong lĩnh vực thời trang xa xỉ. Nước đi này nằm trong chiến lược kinh doanh với mục tiêu đạt 100 tỷ USD vào năm 2030 của nền tảng này, theo Bloomberg.

Lazada hướng đến phân khúc cao cấp nhằm gia tăng thị phần tại khu vực Đông Nam Á, sẵn sàng cho giai đoạn phát triển mới của thị trường thương mại điện tử.

Cạnh tranh với đối thủ

Trong tuần này, các giám đốc điều hành của Lazada đã tiến hành cuộc họp với nhà sáng lập và quản lý của hơn 100 thương hiệu thời trang cao cấp tại Milan (Italy).

Trong cuộc họp, Lazada bày tỏ mong muốn phân phối sản phẩm của các nhà mốt như Armani, Dolce & Gabbana, Ferragamo và Tod’s đến thị trường Đông Nam Á thông qua nền tảng mới mang tên LazMall Luxury.

Theo Giám đốc kinh doanh Jason Chen, lời mời hợp tác này nằm trong chiến dịch chống lại Shopee của Sea, TikTok của ByteDance và PDD Holdings trên thị trường TMĐT khu vực Đông Nam Á. Theo đó, giá trị của thị trường này dự kiến đạt mức 186 tỷ USD vào năm 2025.

TikTok và Shopee đã cạnh tranh quyết liệt để tranh giành khách hàng tại các thị trường trọng điểm như Indonesia và Singapore. Vì vậy, Lazada cần thể hiện quyết tâm cao trong việc khẳng định vị thế.

“Lazada sẵn sàng tăng tốc khi bước vào giai đoạn phát triển thương mại điện tử mới này. Lợi nhuận dài hạn chính là ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp”, Giám đốc kinh doanh Jason Chen trả lời trong một cuộc phỏng vấn. Ông Chen cũng cho biết động thái hiện tại nằm trong chiến lược mở rộng sang phân khúc xa xỉ và củng cố vị thế của Lazada.

Dolce & Gabbana là một trong số những nhà mốt cao cấp được Lazada ngỏ ý hợp tác. Ảnh: Bloomberg.

Trao quyền cho thương hiệu xa xỉ

Hiện nay, tập đoàn mẹ Alibaba hướng Lazada và AliExpress đến thị trường quốc tế do kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn. Vì vậy, đây cũng là những thương hiệu phát triển nhất của tập đoàn trong thời gian gần đây.

Dưới sự quản lý mới, tập đoàn đang hồi phục, thúc đẩy kinh doanh tại khu vực châu Á. Một trong những đối thủ lớn nhất hiện nay của họ là Sea. Chủ sở hữu của Shopee ngày càng chứng minh vị thế trên thị trường TMĐT.

Hàng hóa xa xỉ là hướng đi mới của Alibaba. Cùng với Ấn Độ và Trung Quốc, Đông Nam Á được coi là một trong những thị trường cao cấp phát triển nhanh nhất thế giới, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc vật lộn với suy thoái kinh tế.

Theo ông Chen, điểm khác biệt của Lazada với các đối thủ là khả năng cung cấp cho các thương hiệu thời trang nhiều quyền kiểm soát hơn với giá cả và chiến lược tiếp thị. Tmall Luxury Pavilion được Alibaba phát triển vào năm 2017, là đối tác của hơn 200 thương hiệu cao cấp, trở thành ví dụ minh họa cụ thể cho LazMall Luxury.

Giám đốc kinh doanh Chen cho biết khi một thương hiệu mở gian hàng trên nền tảng này, họ có quyền quản lý mọi hoạt động, từ giá cả đến hậu cần. Đây là yêu cầu của nhiều nhà mốt đối với đối tác TMĐT.

“Các nhãn hàng cao cấp muốn kiểm soát toàn bộ quy trình bán hàng để tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng”, ông nói.

Linh Vũ

Tin khác