1. Kinh doanh

Làng nghề truyền thống dần mai một

Người dân làng nghề đan đát ở xã Vĩnh Phú Đông (huyện Phước Long) đan cần xé. Ảnh: N.Du.

Chỉ còn người lớn tuổi theo nghề

Xã Vĩnh Phú Đông (huyện Phước Long) từng là nơi có khá nhiều hộ dân theo nghề đan đát, theo kiểu cha truyền con nối. Người dân tận dụng nguyên vật liệu sẵn có để đan một số vật dụng sử dụng trong gia đình. Dần dà, mọi người ở các địa phương khác thấy đồ đan bền, đẹp lại hữu dụng nên đặt mua. Cứ thế, tiếng lành đồn xa, nhờ vậy mà đời sống kinh tế của một bộ phận người dân ấp Mỹ I tăng lên đáng kể và trở thành làng nghề từ lúc nào không hay.

Tuy nhiên, do phải cạnh tranh với các sản phẩm nhựa phong phú về mẫu mã, giá thành lại rẻ nên thu nhập từ nghề đan đát thấp dần… khiến làng nghề ngày càng “teo tóp”. Trước đây, ở làng nghề đan đát ấp Mỹ I có nhiều gia đình gắn bó với nghề và xây dựng được Hợp tác xã (HTX) Trúc Xanh với số lượng lên đến 500 hộ thì hiện nay chỉ còn khoảng 90 hộ còn gắn bó với nghề. Bà Trương Thị Liễu - thành viên của HTX Trúc Xanh, đã gắn bó với nghề đan đát hơn 20 năm, cho biết: “Với một lao động có tay nghề giỏi, mỗi ngày đan cần xé cũng chỉ kiếm được khoảng 80.000 đồng. Trong vài năm trở lại đây, sản phẩm làm ra tiêu thụ khó khăn nên nhiều hộ đã bỏ nghề và lên thành phố lao động kiếm sống”.

Bà Trương Thị Ba (68 tuổi, ngụ ấp Mỹ I) chia sẻ: “Tôi gắn bó với nghề đan đát đã hơn 40 năm. Bây giờ ít ai làm nghề đan đát bởi thu nhập không đủ nuôi sống bản thân, huống chi nuôi cả gia đình”.

Cũng như nghề đan đát ở huyện Phước Long, nghề dệt chiếu ở thị trấn Ngan Dừa (huyện Hồng Dân) vang danh một thuở cũng đang trong giai đoạn khó khăn do áp lực cạnh tranh với nhiều loại chiếu tre, chiếu nilon và nệm.

Bén duyên với nghề làm chiếu từ nhỏ, đến nay bà Nguyễn Thị Chín (ấp Thống Nhất, thị trấn Ngan Dừa) đã có thâm niên gắn bó với nghề dệt chiếu hơn 50 năm chia sẻ: “Bình thường muốn dệt tôi phải thuê thêm một lao động phụ với tiền công 35.000 đồng/buổi. Vì vậy khi dệt xong chiếc chiếu bán với giá 200.000 - 300.000 đồng/đôi, sau khi trừ chi phí thì không lãi mấy. Tôi sợ rằng khi không còn đủ sức khỏe để dệt, con cháu sẽ không có ai nối nghề. Người lao động còn gắn bó với nghề dệt chiếu hầu như là người lớn tuổi. Những người trẻ đi làm trong các công ty, xí nghiệp có thu nhập cao hơn”.

Từ năm 2009 đến nay, Sở Công thương đã tham mưu cho UBND tỉnh Bạc Liêu ra quyết định công nhận 10 làng nghề ở các lĩnh vực như: đan đát, mộc, dệt chiếu, rèn, sản xuất muối… Đến nay, các làng nghề này đã tham gia giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho hơn 1.430 hộ ở nông thôn.

Tuy nhiên, sự phát triển của các làng nghề hiện nay đã không còn bắt kịp nhu cầu phát triển của thời đại. Khảo sát ở các làng nghề truyền thống còn lại đến nay cho thấy, quy mô các làng nghề ngày càng nhỏ dần và có nguy cơ mất đi khi phần lớn lao động bỏ nghề và xa xứ mưu sinh. Một số địa phương đã xây dựng mô hình hợp tác xã nghề truyền thống với kỳ vọng vực dậy các làng nghề, tuy nhiên vẫn chưa tạo ra những cú hích đủ mạnh.

Vực dậy làng nghề

Có thể nói, một trong những khó khăn khi lưu giữ và phát triển làng nghề truyền thống hiện nay chính là nhiều làng nghề chỉ tập trung ở khâu sản xuất, chưa chú trọng đến khâu tiếp thị, quảng bá, cũng như chưa nghiên cứu sáng tạo thêm các sản phẩm mới từ thế mạnh của mình. Sản phẩm làm ra lại trải qua nhiều khâu trung gian, làm cho lợi nhuận thu về thấp và không còn hấp dẫn người lao động tham gia.

Ông Trần Anh Khiêm - Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Phú Đông cho hay, thời gian qua với sự phát triển của mặt hàng nhựa, sản phẩm của làng nghề đã dần mai một và người dân chủ yếu làm theo đơn đặt hàng với số lượng không lớn, đầu ra khó tiêu thụ, giá cả bấp bênh… dẫn đến kinh tế của người dân làng nghề hết sức khó khăn.

Để củng cố và phát triển làng nghề, UBND xã chỉ đạo thành lập 1 HTX làng nghề (HTX Trúc Xanh), với 19 thành viên để quản lý, tổ chức sản xuất hoạt động và phát triển làng nghề. Ngoài sản phẩm chủ đạo của làng nghề hiện nay là cần xé, xã còn vận động các thợ thủ công phát triển thêm một số sản phẩm mới, nhất là một số mặt hàng thủ công mỹ nghệ gắn với định hướng phát triển du lịch. Đồng thời, đẩy mạnh công tác quảng bá, mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Ông Trần Thanh Mến - Giám đốc Sở Công thương Bạc Liêu cho biết, để bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, Sở sẽ hỗ trợ và khuyến khích các làng nghề đầu tư đổi mới thiết bị, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh trên thị trường. Cùng với đó, để tìm được đầu ra cho sản phẩm thì các làng nghề cần phải biết kết hợp một cách hợp lý giữa truyền thống và công nghệ hiện đại, áp dụng công nghệ mới vào một số công đoạn của quá trình sản xuất.

Phát triển và lưu giữ các làng nghề truyền thống tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng tỉnh Bạc Liêu đã bắt đầu quan tâm đến việc khai thác giá trị các làng nghề gắn với phát triển du lịch. Mô hình này tuy mới triển khai nhưng hứa hẹn sẽ tạo nên những đột phá cho các làng nghề, mà trong năm 2025 sắp tới sẽ là sự kiện Festival Muối, kỳ vọng sẽ tạo “cú hích” cho các làng nghề trong việc tái cơ cấu lại mô hình tăng trưởng theo chiều sâu và khai thác thêm nhiều giá trị gia tăng từ làng nghề.

Nguyên Du

Tin khác