1. Kinh doanh

Làng nghề đón sóng thương mại điện tử

Bước ra khỏi vùng an toàn

Một ngày làm việc thường ngày của nghệ nhân Nguyễn Văn Túc - làng nghề điêu khắc Dư Dụ (Thanh Thùy, Thanh Oai) bắt đầu bằng công việc quen thuộc là đục đẽo, chạm khắc các tác phẩm điêu khắc bằng gỗ cho khách hàng. Ngoài ra, anh còn dành thời gian kiểm tra tin nhắn và tư vấn online cho khách hàng. “Nhờ chuyển hướng đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và livestream đã giúp doanh thu của gia đình tăng thêm 20-30%. Đặc biệt, có nhiều khách hàng tận miền Nam, thậm chí ở nước ngoài cũng đặt hàng qua các phiên livestream” – anh Túc cho hay.

Làng lụa Vạn Phúc

Tại làng nghề lụa Vạn Phúc, phương thức bán hàng trên sàn thương mại điện tử, livetreams cũng đang khá thịnh hành. Nghệ nhân Trần Thị Ngọc Lan - Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc cho biết, so với trước đây làng nghề chỉ kinh doanh truyền thống, thì hiện nay, kết hợp kinh doanh truyền thống và thương mại điện tử đã mang lại sức sống mới với nhiều lợi nhuận cho người dân hơn; đồng thời cũng quảng bá được sản phẩm của làng nghề đến nhiều hơn các khách hàng trong nước và nước ngoài.

Chia sẻ về xu hướng bán hàng của các làng nghề hiện nay, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại – Đào tạo Phát triển Làng nghề Cao Bích Thủy cho biết, những năm qua, thương mại điện tử phát triển rất nhanh chóng, bình quân mỗi năm tăng 21 - 25%. Người tiêu dùng, ngày càng có xu hướng chuyển dịch tiêu thụ, mua sắm sản phẩm trên các nền tảng số, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Vì vậy, việc chuyển mình trong hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm nghề truyền thống là xu thế tất yếu. Nghệ nhân phải kể được câu chuyện về sản phẩm do mình tạo ra, giúp người tiêu dùng hiểu thấu đáo giá trị thực sự, hữu hình, vô hình của sản phẩm. Từ đó, hình thành cảm xúc, hiểu được giá trị thực sự của sản phẩm, đưa ra quyết định mua mà không phân vân việc mình đã chi một số tiền không nhỏ.

Nói về những rào cản marketing hiện đại của làng nghề, bà Cao Bích Thủy cho rằng, làm marketing truyền thống đã khó đối với các làng nghề truyền thống. Làm marketing hiện đại càng khiến làng nghề lúng túng, khó khăn nhiều hơn. Trong đó, khó khăn nhất là nguồn nhân lực số. Mặt khác, trên các kênh tiêu thụ online sức cạnh tranh của sản phẩm làng nghề còn yếu so với sản phẩm cùng loại đến từ các nước khác. Nguyên do, bởi làng nghề chậm đổi mới mẫu mã, thiếu tính sáng tạo, thiếu tính thương mại, khó sản xuất hàng loạt. Việc sáng tác mẫu mã sản phẩm hầu hết tự phát, chưa có cơ sở tập trung để cho nghệ nhân, thợ giỏi sáng tác, thiết kế mẫu mã. Thiếu liên kết giữa làng nghề với các viện nghiên cứu, trường đại học, các nhà chuyên môn ngành thủ công mỹ nghệ.

Mặt khác, việc bán hàng online đang được thực hiện một cách tự phát, người bán hàng chưa có kỹ năng, chưa có chiến lược kinh doanh phù hợp. Do vậy, mất nhiều thời gian để tiếp cận với khác hàng, hiệu quả chưa cao.

Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số

Việc giúp các nghệ nhân và cơ sở thực hiện bán hàng online đang trở thành nhu cầu thiết thực, góp phần đắc lực phát triển sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại – Đào tạo Phát triển Làng nghề Cao Bích Thủy cho rằng, cần có các hình thức phổ biến cho các nghệ nhân, các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ hiểu về bán hàng online, biết các kỹ năng cần thiết, và có sự chuẩn bị thực tế. Nếu các nghệ nhân, cơ sở không tự thực hiện được thì nên có các hình thức trợ giúp cụ thể, hoặc mở địa chỉ bán hàng online chung cho nhiều nghệ nhân, cơ sở cùng tham gia.

Song song với đó, người bán cũng cần xác định thị trường mục tiêu cho sản phẩm, bởi thị trường cho bán hàng trực tuyến rộng lớn nhưng cạnh tranh quyết liệt, phương thức tốt nhất là phát triển thị trường ngách và đảm bảo khả thi. Để tìm được thị trường ngách, người dân làng nghề có thể sử dụng một số công cụ như: tra cứu về xu hướng trên google, tham gia các nhóm truyền thông xã hội và cộng đồng trực tuyến liên quan đến thị trường, kiểm tra sự cạnh tranh của sản phẩm, sử dụng công cụ để kiểm tra độ lớn của thị trường ngách.

Ngoài ra, các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh làng nghề cần thực hiện nghiên cứu thị trường; nhận dạng thương hiệu cho sản phẩm kinh doanh trực tuyến; xây dựng và phát triển một cửa hàng trực tuyến; thiết lập các quy trình thanh toán, vận chuyển và giữ liên lạc; tiếp tục điều chỉnh cách tiếp cận để nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Còn theo TS. Tôn Gia Hóa - Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, để ứng dụng thương mại điện tử thực sự hiệu quả, các làng nghề cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh; chủ động khai thác thông tin mở rộng thị trường, nâng cao giá trị các sản phẩm làng nghề...

Về phía nhà quản lý, cần thực hiện nhiều nhóm giải pháp hỗ trợ như: đào tạo năng lực cho đội ngũ thực thi, nâng cao năng lực ứng dụng thương mại điện tử, cung cấp trực tuyến các dịch vụ công liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các thủ tục hành chính. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, phối hợp liên ngành trong đấu tranh chống các hành vi gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại điện tử.

Anh Phương - Quỳnh Anh

Tin khác