Làng mai vàng chờ Tết
Điều đặc biệt nhất, nếu một số nghề truyền thống đang bị thu hẹp thì nghề trồng mai ở đây lại được mở rộng, tạo ra nhiều tỷ phú nông dân từ chính những gốc mai vàng.
Cách đây ít ngày, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã ký quyết định công nhận nghề trồng mai vàng ở xã Bình Lợi là nghề truyền thống nhưng từ vài chục năm trước, mai vàng đã mang lại sinh kế cho người nông dân.
Dọc các tuyến đường Mai Bá Hương, Láng Le Bàu Cò, Trần Đại Nghĩa… rất dễ thấy những vườn mai xanh um tùm lô nhô. Dù gọi là làng nghề trồng mai Bình Lợi nhưng thực tế, ngoài địa bàn xã Bình Lợi, một số hộ dân ở xã lân cận như Lê Minh Xuân cũng có tham gia trồng mai bởi thương hiệu làng nghề được nhiều người biết tới. So với chừng hơn 10 năm trước, diện tích mai ở khu vực này đã tăng hàng chục lần.
Anh Nguyễn Văn Hai, 41 tuổi, chủ của hơn 700 gốc mai cho biết, mấy tháng cuối năm là thời gian quyết định “thành bại” của vụ mai Tết. Dù chỉ được tiêu thụ trong vài ngày cận Tết nhưng nông dân trồng mai phải mất cả năm để chăm sóc cây.
“Đầu năm mình bón phân, chăm sóc mạnh để cây phát triển tự nhiên, cho gốc và cành lớn. Tới giữa năm bắt đầu hãm lại để uốn cây tạo thế. Còn thời gian này cách Tết chừng 4 tháng thì tháo dây uốn (thép, nhựa) để cây phát triển tự nhiên theo thế uốn. Ngoài ra nếu cây nào chưa vừa ý có thể uốn lại, tạo thế để Tết có thể ra được cây tốt nhất”- anh Hai cho biết.
Cũng theo người đàn ông này, trong số hơn 700 gốc mai của anh thì một nửa là mai cóc, tức loại cây nhỏ tuổi đời gần một năm. Số còn lại là những cây lâu năm hơn, giá trị cao hơn. Ngoài ra cũng có khoảng gần 50 gốc mai của khách gửi ở vườn, anh chỉ việc chăm sóc, giữ thế cũ và lặt lá cho đúng dịp tết mà thôi. Những cây này có chi phí gửi khoảng 1 triệu tới 2 triệu đồng tùy theo gốc mỗi năm.
Theo nhiều hộ trồng mai ở Bình Lợi, dịp Tết Ất Tỵ sắp tới có một số tín hiệu tích cực, đặc biệt là nhu cầu tiêu thụ ở các tỉnh phía Bắc. Những năm gần đây, mai vàng ở các tỉnh phía Nam được vận chuyển ra Bắc tiêu thụ không phải là điều hiếm hoi nhưng năm nay dự báo nhu cầu sẽ cao hơn.
“Một số bạn hàng ở ngoài Hà Nội đã gọi và nói sẽ đặt mai vàng đem ra đó tiêu thụ. Theo tính toán, năm nay lượng mai tiêu thụ sẽ cao hơn những năm trước bởi thời gian qua thời tiết các tỉnh phía Bắc không thuận lợi, ảnh hưởng đến hoa kiểng Tết. Đây cũng là cơ hội cho các chủ vườn mai ở Bình Lợi dù thị trường miền Bắc rất kén hàng” - anh Trần Văn Đức (48 tuổi), chủ một hộ trồng mai khác ở Bình Lợi chia sẻ. Anh Đức cho hay, hiện vườn mai nhà anh có hơn 2.500 gốc mai với nhiều loại kích thước và kiểu dáng. Giá của gốc mai này cũng chênh lệch rất lớn, từ dạng bình dân cho tới cao cấp, thậm chí có nhiều gốc mai lớn giá vài trăm triệu đồng thường cho các đối tác thuê dịp tết.
Theo anh Đức, do cây mai có giá trị cao nên chủ vườn thường phải tìm khách hàng từ trước Tết rất sớm chứ không đợi sát Tết mới đem đi bán như các loại hoa cây kiểng thông thường. Nhiều cây mai ở thời điểm này đã được khách hàng chọn lựa và đặt cọc để chuẩn bị cho dịp Tết.
“Hơn 10 năm nay, năm nào tôi cũng thuê mặt bằng ở bên quận Bình Tân để bán Tết vì có nhà em vợ bên đó. Thế nhưng sau đợt dịch Covid - 19, chủ yếu mai ở vườn nhà tôi được đem ra các tỉnh phía Bắc và một phần gửi cho bạn hàng bên Campuchia tiêu thụ. Năm nay chắc cũng kết hợp vừa bán ở TPHCM, vừa bán ở xa” - anh Đức chia sẻ thêm.
Theo bà Phan Thị Thanh Công - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Lợi, hiện có gần 700 hộ nông dân trên địa bàn có trồng mai để kinh doanh với diện tích khoảng 600ha. Nghề trồng mai ở địa phương thu hút hơn 1.100 lao động và tạo ra nhiều lao động thời vụ dịp cuối năm. Được biết, trung bình các hộ dân có lợi nhuận 120 triệu đồng/năm nhờ nghề trồng mai vàng.
ĐOÀN XÁ