1. Kinh doanh

Lan tỏa tinh thần vượt khó vươn lên trong cộng đồng

Ông Triệu Phúc Nguyên

Gia đình ông Triệu Phúc Nguyên ở thôn Păng Dung, xã Đạ K’nàng, nơi có đông đồng bào người Dao sinh sống và được nhiều người biết đến là một trong những điển hình tiên phong về phát triển sản xuất với mô hình kinh tế tổng hợp. Ông Nguyễn Phúc Nguyên chia sẻ: Những năm ở xã Yên Cư, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn), đồng bào Dao sống bằng nghề canh tác lúa nước. Tuy nhiên, do khai thác vàng sa khoáng rộ lên nên đã làm ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Cuộc sống vốn dĩ đã khó khăn, nay cái đói, cái nghèo luôn bám lấy bà con người Dao trong bản. Trước thực trạng trên, năm 1993, gia đình ông Nguyên cùng một số hộ dân trong bản quyết định hạ sơn rời tỉnh Bắc Kạn vào huyện Đam Rông (Lâm Đồng) sinh cư lập nghiệp. Thời điểm đó, ở vùng quê mới này còn khá hoang vu, dân cư thưa thớt, cơ sở hạ tầng còn nhiều thiếu thốn…

Với khát khao vươn lên thoát nghèo, vượt qua cuộc sống khó khăn, ông Triệu Phúc Nguyên cùng bà con người Dao luôn nỗ lực, không có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước để phát triển kinh tế. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, thấy nhiều mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, ông Nguyên chịu khó tìm tòi, đi tìm hiểu thực tế, học hỏi kinh nghiệm những người đi trước về các mô hình kinh tế hiệu quả; tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật và mạnh dạn trồng xen các loài cây có giá trị kinh tế cao.

Ông Triệu Phúc Nguyên bày tỏ: “Để mưu sinh, chúng tôi phải bắt tay vào việc khai hoang làm rẫy gieo tỉa bắp, lúa nương rồi khi thấy người dân từ Lâm Hà vào đây trồng cây cà phê chúng tôi cũng làm theo”.

Nhận thấy điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương phù hợp trồng các loại cây lâu năm, ông Nguyên bắt tay vào việc xây dựng trang trại và xác định lấy cây công nghiệp lâu năm làm hướng chủ lực. Với lợi thế đất triền đồi (10 ha) của gia đình, ngoài trồng cây cà phê, ông Nguyên còn phát triển mô hình trồng xen cây mắc ca, đàn hương và trám đen… Đồng thời vận động bà con người Dao và đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương vừa xen canh cây mắc ca, vừa ghép cải tạo giống cà phê cao sản để nâng cao sản lượng trên một đơn vị diện tích.

Với diện tích gần 10 ha đất canh tác, sau khi chia đều cho các con, giờ vợ chồng ông Nguyên còn lại khoảng 3 ha. Ngoài cà phê, gia đình ông còn có 300 cây mắc ca, trên 100 cây đàn hương và gần 200 cây trám đen. Bên cạnh đó, ông Nguyên còn trồng thêm gần 2 sào rau và kết hợp chăn nuôi gia cầm, thả cá để tự cung, tự cấp, cải thiện cuộc sống gia đình. Hiện nay, nguồn thu chính của gia đình ông Nguyên chủ yếu từ cà phê và mắc ca, trừ chi phí mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, trở thành một trong những hộ gia đình có thu nhập khá của thôn, xã.

Nhờ biết mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị trên cùng một diện tích nên chỉ sau thời gian ngắn, gia đình ông Nguyên không chỉ thoát cảnh nghèo khó mà dần có “của ăn, của để”. Điều đáng trân quý ở ông Triệu Phúc Nguyên, đó là ông biết cách “truyền lửa” cho các hộ đồng bào Dao cũng như con cái trong gia đình biết chủ động, tích cực phát huy nội lực, tinh thần vượt khó phát triển kinh tế.

Sau hơn 30 năm định cư ở quê hương thứ 2, với nghị lực vượt khó vươn lên, đến nay, đời sống của gia đình ông Nguyên cũng như bà con người Dao trong thôn đã có nhiều khởi sắc, nhiều hộ đã có kinh tế khá giả, trở thành điển hình trong phong trào phát triển kinh tế có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm như: gia đình ông Lý Văn Chương, Dương Văn Viên, Dương Văn Minh…, góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi công cuộc xóa đói, giảm nghèo và nâng cao các tiêu chí trong phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. “Mặc dù, gia đình tôi đã có cuộc sống khá ổn định, trong thời gian tới, gia đình tôi tiếp tục hoạch định phát triển kinh tế để xây dựng gia đình ngày càng khang trang và hạnh phúc hơn”, ông Triệu Phúc Nguyên nói.

NDONG B'RỪM

Tin khác