Lan tỏa phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp trong thanh niên
TẠO RA HỆ SINH THÁI KHỞI NGHIỆP
Nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, từ năm 2021 đến nay, BTV Huyện đoàn Thanh Bình phối hợp với Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tổ chức nhiều Cuộc thi Khởi nghiệp cấp huyện; đồng thời phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện tổ chức các Diễn đàn Khởi sự lập nghiệp, kết hợp tư vấn khởi nghiệp, bồi dưỡng kiến thức khởi nghiệp cho ĐV,TN. Trên địa bàn huyện hành lập được 13 Câu lạc bộ TN khởi nghiệp tại 13 xã, thị trấn nhằm trực tiếp làm công tác hỗ trợ công tác tư vấn khởi nghiệp, lập nghiệp cho ĐV,TN tại địa phương.
BTV Huyện đoàn tổ chức nhiều Cuộc thi Ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo trong ĐV,TN, học sinh. Hiện nay, có nhiều sản phẩm, mô hình khởi nghiệp do TN thực hiện thành công như: Cà na chua ngọt Tư Dính; Đậu phộng nhiều vị - Thiên Lam; Chuồn chuồn tre - Ngô Trọng Nghĩa (xã Tân Thạnh); Bánh tráng nướng (xã Tân Long); Tre gỗ - Cường Thịnh (xã Bình Thành); Trồng cỏ ngọt sấy khô - Lê Thanh Quy (xã Tân Quới); Phân hữu cơ từ cây lục bình; Phân rơm hữu cơ kết hợp trồng hoa vạn thọ; Trồng nấm bào ngư - Nguyễn Hữu Bình; Xà phòng gương sen - Nguyễn Thị Huỳnh Giao; Chăn nuôi heo rừng - Nguyễn Duy Thông (xã Phú Lợi)... Các sản phẩm, mô hình này đã khẳng định được tiềm năng và thế mạnh của TN trong phát triển kinh tế và khởi sự lập nghiệp. Qua đó, một số sản phẩm do TN khởi nghiệp tham gia đăng ký Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, làm phong phú thêm nguồn sản phẩm khởi nghiệp tại địa phương.
Hiện nay, xu hướng khởi nghiệp trong TN là các dự án khởi nghiệp nông nghiệp hữu cơ, dự án khởi nghiệp tận dụng tài nguyên bản địa. Ngoài ra, TN quan tâm các mô hình, dự án khởi nghiệp chăn nuôi, thực phẩm sấy khô, thực phẩm đông lạnh.
Năm 2019, Đất ngọt Hội quán của xã Tân Quới được thành lập, nhằm tạo môi trường hoạt động phù hợp với nhu cầu của ĐV,TN và tạo điều kiện cho ĐV,TN khởi nghiệp. Anh Lê Thanh Quy (SN 1992, ngụ xã Tân Quới, huyện Thanh Bình) khởi nghiệp chăn nuôi vịt sạch, trồng đu đủ, xoài an toàn, hoa giấy... Trong vai trò Phó Chủ nhiệm Hội quán, anh Quy đã liên kết, tìm đầu ra sản phẩm giúp TN và nông dân có thu nhập ổn định.
Anh Quy chia sẻ: “Hầu hết, TN đều muốn tham gia Hội quán để có không gian thỏa mãn sở thích của mình. Khi tham gia Hội quán, TN có thể chủ động bày tỏ quan điểm, tâm tư, nguyện vọng và được hỗ trợ giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong công việc và được tạo điều kiện tiếp cận khoa học công nghệ, giúp TN tìm đầu ra cho sản phẩm”.
HỖ TRỢ Ý TƯỞNG KHỞI NGHIỆP
BTV Huyện đoàn quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ cho các sản phẩm tham gia các sự kiện, hội chợ, diễn đàn kết nối nguồn lực từ các chương trình của tỉnh, các ban, ngành huyện. Cùng với đó, BTV Huyện đoàn tạo điều kiện hỗ trợ dự án tham gia các Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do Tỉnh đoàn phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức. Bên cạnh đó, tranh thủ các nguồn vốn giải quyết việc làm từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, tư vấn hỗ trợ cho 12 ý tưởng, mô hình khởi nghiệp tiếp cận vay vốn để mở rộng và tăng quy mô sản xuất.
Chị Lê Thị Cà Nuôi - Phó Bí thư Huyện đoàn Thanh Bình, cho biết: “Năm 2023, BTV Huyện đoàn đã hỗ trợ 6 mô hình, với tổng kinh phí 280 triệu đồng; phối hợp Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức 3 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng nấm bào ngư, trồng xoài, chăn nuôi heo rừng cho hơn 133 hội viên, TN. Nhờ đó, trên địa bàn huyện có 9 mô hình phát triển kinh tế hiệu quả của ĐV,TN, với thu nhập từ 50 triệu - 100 triệu đồng/mô hình/năm, tạo việc làm cho lao động địa phương. Qua đó, TN cùng với chính quyền địa phương góp phần thực hiện hiệu quả tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện”.
Từ năm 2021 đến nay, BTV Huyện đoàn hỗ trợ giải ngân 2 Dự án Khởi nghiệp từ Quỹ khởi nghiệp Đoàn TN tỉnh. Cụ thể, đã giải ngân 70 triệu đồng cho mô hình cải tạo vườn xoài của anh Nguyễn Quốc Khánh (xã Tân Huề); hỗ trợ giải ngân 99 triệu đồng cho mô hình sản phẩm trà khổ qua mix gạo lứt của chị Vương Đỗ Bảo Yên (xã Tân Quới); đồng thời hỗ trợ 3 Dự án khởi nghiệp tại các xã, thị trấn với số tiền 150 triệu đồng; tổ chức tư vấn kỹ thuật, giải pháp khởi nghiệp cho hơn 17 ý tưởng, dự án khởi nghiệp.
Năm 2023, sản phẩm “Khổ qua rừng sấy khô” của chị Vương Đỗ Bảo Yên (xã Tân Quới) đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp huyện. Chị Bảo Yên khởi nghiệp từ tháng 5/2022 với các sản phẩm nông sản sấy khô dùng làm trà và bột nguyên chất. Ban đầu, sản phẩm được phát triển với quy mô nhỏ, tuy nhiên, trong quá trình phát triển sản phẩm, nhận thấy có thể phát triển xa hơn với mong muốn mang lại hiệu quả kinh tế và tạo điều kiện tận dụng nguồn lao động nhàn rỗi tại địa phương, chị đã đầu tư thực hiện. “Dự án khởi nghiệp phát triển vì mục tiêu phát triển cộng đồng, bảo vệ môi trường, mang lại giá trị kinh tế và sức khỏe cho người nông dân và người lao động. Với mong muốn để người sử dụng tin tưởng và lựa chọn các sản phẩm sạch có nguồn gốc từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường và an toàn cho sức khỏe. Tôi chọn khởi nghiệp hướng đến vươn tầm nông sản xanh, phát triển kinh tế xanh” - chị Bảo Yên chia sẻ.
TN luôn là lực lượng đi đầu trong phát triển và thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trên từng lĩnh vực khác nhau. Riêng phong trào “Thi đua Khởi nghiệp trong TN” luôn được tiếp cận với chính sách của địa phương như: nguồn vốn, kiến thức, các hội thi khởi nghiệp, sinh hoạt khởi nghiệp trong ĐV,TN được tổ chức thường xuyên. Chị Lê Thị Cà Nuôi - Phó Bí thư Huyện đoàn Thanh Bình, cho biết thêm: “Thời gian qua, các hoạt động hỗ trợ TN khởi nghiệp, lập nghiệp luôn được BTV Huyện đoàn quan tâm đẩy mạnh. Mỗi năm, chúng tôi đều tổ chức hoặc phối hợp tổ chức ít nhất 1 cuộc thi ý tưởng, dự án án khởi nghiệp trong ĐV,TN và học sinh. Ngoài ra, hỗ trợ kết nối để TN khởi nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay, hỗ trợ các mô hình phát triển kinh tế. Qua đó, lan tỏa phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp trong TN, là điều kiện để các bạn trẻ chia sẻ kinh nghiệm lựa chọn, xây dựng mô hình phát triển kinh tế”.
Trong thời gian tới, về giải pháp hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp của TN từ Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp của Đoàn TN tỉnh, Quỹ khởi nghiệp Trung ương Đoàn, Quỹ giải quyết việc làm từ Ngân hàng Chính sách Xã hội...; đồng thời tư vấn hồ sơ, thủ tục tiếp cận vốn đầu tư đối với doanh nghiệp khởi nghiệp của TN. BTV Huyện đoàn quan tâm công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho khởi nghiệp của TN tại địa phương thông qua các hoạt động hỗ trợ, tư vấn và lập hồ sơ quản lý công tác khởi nghiệp; khảo sát hoạt động khởi nghiệp của TN và vận động các cơ sở khởi nghiệp tham gia Chi hội Doanh nhân trẻ cấp huyện.
DƯƠNG ÚT - KIỀU TRANG