Làn sóng kinh tế bạc trỗi dậy ở nước có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới
Bà Choi Soon Hwa, người sắp bước sang tuổi 81, là gương mặt mới trong “nền kinh tế bạc” đầy triển vọng của Hàn Quốc, vốn hướng tới các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ cho người cao tuổi.
Giới phân tích dự đoán giá trị của nhóm ngành kinh tế này lên đến 120 tỷ USD vào năm 2030 trong bối cảnh tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc đang giảm mạnh.
Vào năm 72 tuổi, khi đang là trợ lý điều dưỡng, bà Choi được một bệnh nhân khen là có thần thái của một người mẫu và nên sải bước trên sàn diễn thay vì phải thay chăn ga cho giường bệnh mỗi ngày.
Lời nhận xét nói trên làm bừng lên ngọn lửa đam mê tưởng chừng đã nguội lạnh của bà Choi.
Giờ đây, người phụ nữ ngấp nghé tuổi 81 xuất hiện trên các tạp chí thời trang nổi tiếng và tham gia các buổi diễn lớn trên khắp Hàn Quốc.
Vào tháng 9, sau khi ban tổ chức cuộc thi chọn ứng viên Hàn Quốc cho kỳ thi Hoa hậu Hoàn vũ dỡ bỏ quy định về tuổi tác, bà Choi đã đăng ký thi tuyển.
Trường hợp của bà Choi là một minh chứng sinh động cho “nền kinh tế bạc” đang phát triển ở Hàn Quốc, hãng tin Nikkei Asia nhận định.
Thị trường trị giá hàng trăm tỷ USD
Ngày càng nhiều doanh nghiệp nhận ra tiềm năng từ ngành kinh doanh hàng hóa và dịch vụ hướng tới người lớn tuổi trong bối cảnh tệp khách hàng này dần chiếm một phần lớn trong cơ cấu dân số.
Nghiên cứu của bà Kim Young Sun, Giám đốc Viện Kinh tế AgeTech & Silver Economy, dự báo rằng thị trường “nền kinh tế bạc” sẽ có giá trị 128 tỷ USD vào năm 2030, hơn gấp đôi con số 54 tỷ USD hồi năm 2020.
“Chúng ta có thể thấy ‘nền kinh tế bạc’ ở Hàn Quốc có nhiều tiềm năng song nếu so với các nước láng giềng thì thị trường Hàn Quốc vẫn đang ở mức thấp”, bà Kim nhận định.
Ông Kim chỉ ra các hoạt động giải trí, tư vấn pháp lý và tài chính cho người lớn tuổi sẽ là những lĩnh vực tăng trưởng mạnh trong “nền kinh tế bạc” sắp tới.
Yang Sun Mook, chuyên viên quảng bá cho các doanh nghiệp và sự kiện hướng tới người lớn tuổi, cho rằng nhiều phụ nữ cao niên ở Hàn Quốc có nhiều nét tương đồng với trường hợp của bà Choi.
“Nhiều phụ nữ ở Hàn Quốc hy sinh cả thanh xuân cho gia đình. Khi đến tuổi 60, họ bắt đầu tự hỏi bản thân sẽ làm gì tiếp theo. Những phụ nữ này vẫn tràn trề hy vọng và có thể làm được nhiều điều”, Yang nói với Nikkei Asia.
Chuyên gia Yang cũng tin rằng mô hình “kinh tế bạc” có thể là một “mũi nhọn” cho các hình thức hoạt động thương mại khác.
Bên cạnh đó, Yang cho rằng khi ngành “kinh tế bạc” phát triển chạm ngưỡng, Hàn Quốc có thể xuất khẩu các sản phẩm chăm sóc người cao tuổi ra nước ngoài, tương tự cách họ đã làm với các ấn phẩm văn hóa đại chúng, đồ điện tử và thực phẩm.
Tỷ lệ sinh giảm
Một số công ty khởi nghiệp phục vụ người tiêu dùng lớn tuổi đã xuất hiện trong những năm gần đây, chẳng hạn như Athler, một doanh nghiệp thời trang trực tuyến cho những người đàn ông cao niên.
Ngoài ra, nền tảng về lối sống Onew đã thu hút các khoản đầu tư vào những dịch vụ kết nối người cao niên với cộng đồng có chung sở thích với họ.
Shinhan Life Care, một công ty con của ngân hàng cùng tên, gần đây đã công bố thỏa thuận với Hyundai để xây dựng nhà ở và trung tâm chăm sóc người cao tuổi.
Một trong những yếu tố dẫn đến sự phát triển của “nền kinh tế bạc” nằm ở tỷ lệ sinh thấp hàng đầu thế giới của Hàn Quốc.
Vào năm 2023, tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc chạm ngưỡng thấp nhất mọi thời đại với 0,72 ca sinh trên mỗi phụ nữ.
Người cao niên đang dần chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu dân số Hàn Quốc. Cơ quan Thống kê Quốc gia Hàn Quốc dự đoán thành phần người trên 65 tuổi ở nước này sẽ chiếm 30,9% dân số đất nước vào năm 2036, sau đó tăng lên 40% vào năm 2050.
Giáo sư Park Yeong Ran của Đại học Kangnam cho biết các doanh nghiệp giờ đây phải thích nghi với tệp khách hàng cao tuổi, vốn đang tăng dần về mặt số lượng.
"20 năm trước, các công ty đã tập trung vào việc chăm sóc những người cao tuổi phải phụ thuộc vào gia đình. Bây giờ thị trường đang chuyển mình và nhắm vào những người theo đuổi lối sống mới của riêng họ khi đã quá tuổi trung niên", giáo sư Park nói với Nikkei Asia.
Đại Hoàng