1. Kinh doanh

Làn sóng công nghệ không thể đảo ngược

Yêu cầu tất yếu của cuộc sống

Mỗi sáng, hành trang đi chợ của Lan Phương, bà nội trợ năm nay 58 tuổi tại Hà Nội chỉ có một chiếc làn nhựa và điện thoại di động, thay vì phải mang theo túi xách, ví tiền như trước đây khiến việc di chuyển khá bất tiện.

Giờ đây, bất kỳ hàng thịt, rau, tạp hóa nào ở chợ cũng đều có các mã QR thanh toán, bà chỉ cần mang theo điện thoại đã mua được sản phẩm mình muốn. Tương tự, tại nhiều nhà hàng, cửa hiệu, các điểm vui chơi công cộng, các mã QR như vậy cũng ngày một phổ biến, đem lại phương thức thanh toán tiện dụng cho người dân.

Phúc Sinh, một sinh viên trẻ đang sinh sống và học tập tại TP.HCM cho hay, vì thường xuyên phải chuyển phòng trọ, nên trước đây cậu hay mất thời gian cho việc khai báo tạm trú tại trụ sở công an phường.

Từ khi ứng dụng VNeID cho phép người dân khai báo, kiểm tra thông tin cư trú trực tuyến, Phúc Sinh hầu như chỉ mất vài phút cho một công việc từng tốn hàng giờ đồng hồ.

Dù không sống chung tại một thành phố, nhưng cả Sinh và bà Phương đều cảm nhận rõ những thay đổi diễn ra ở nơi họ đang sinh sống nhờ vào dòng chảy công nghệ.

Mã QR mà bà Lan Phương sử dụng được xem là thành tựu của hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực thanh toán tài chính. Còn ứng dụng VNeID mà Sinh dùng để khai báo tạm trú là thành tựu của hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực dịch vụ công.

Mã QR hay ứng dụng VNeID chỉ là hai trong số rất nhiều thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong quá trình chuyển đổi số thời gian qua. Có thể nói, giờ đây, chuyển đổi số không còn là một lựa chọn, mà đã trở thành yêu cầu tất yếu đối với cả một đất nước.

Mã QR được xem là thành tựu của hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực thanh toán - Ảnh: MoMo

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đến năm 2025, chuyển đổi số sẽ đóng góp khoảng 20% vào GDP của Việt Nam, đánh dấu một bước tiến mạnh mẽ trong việc xây dựng nền kinh tế số.

Các doanh nghiệp từ nhiều lĩnh vực như sản xuất, bán lẻ, tài chính và bảo hiểm đều đang tích cực thực hiện lộ trình số hóa của mình. Sự chuyển dịch từ các hệ thống truyền thống sang những nền tảng công nghệ hiện đại không chỉ giúp họ tối ưu hóa hoạt động nội bộ mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT từng nhận xét: "Chuyển đổi số là con đường duy nhất để doanh nghiệp tồn tại và phát triển trong thời đại công nghệ".

Cùng với đó, số liệu từ Vietnam Digital Economy Forum 2023 cho thấy, Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, với kinh tế số dự kiến đạt 43 tỷ USD vào năm 2025, đánh dấu một trong những tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Sự bùng nổ của thương mại điện tử và số hóa các dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm đã chứng minh rằng Việt Nam có tiềm năng để trở thành một quốc gia số hàng đầu trong khu vực.

Nhưng đằng sau những con số ấn tượng ấy, hành trình chuyển đổi số không phải là con đường trải đầy hoa hồng. Đối với doanh nghiệp Việt Nam, số hóa là một quá trình dài hạn, đòi hỏi sự kiên trì và khả năng thích nghi mạnh mẽ.

"Chúng tôi hiểu rằng, chuyển đổi số không dừng lại ở việc áp dụng công nghệ mà còn là sự thay đổi toàn diện trong tư duy quản lý và văn hóa doanh nghiệp", ông Bình nhấn mạnh.

Cơ hội đồng hành cùng thử thách

Như bất kỳ hành trình nào khác, con đường chuyển đổi số của Việt Nam với cấu phần chính là các doanh nghiệp không thể thiếu đi những khó khăn và thử thách. Một trong những thách thức đầu tiên mà hầu hết các doanh nghiệp phải đối mặt chính là thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trong một buổi hội thảo gần đây, đại diện của Vinamilk đã thẳng thắn thừa nhận: "Chúng tôi gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân sự có khả năng vận hành các hệ thống công nghệ hiện đại. Đào tạo nội bộ là một trong những chiến lược nhưng đòi hỏi thời gian và nguồn lực lớn".

Chi phí đầu tư cho công nghệ cũng là một rào cản. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đầu tư vào chuyển đổi số đòi hỏi chi phí lớn, không chỉ trong việc mua sắm thiết bị, mà còn trong việc vận hành và bảo trì hệ thống.

Ông Nguyễn Văn Hùng, chủ một doanh nghiệp sản xuất nhỏ cho biết: "Để số hóa toàn bộ quy trình, chúng tôi cần một khoản đầu tư đáng kể, và đó là điều khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ phải do dự".

Ngoài ra, việc thay đổi tư duy và văn hóa doanh nghiệp cũng là một thách thức lớn không kém. Các doanh nghiệp Việt đã quen với những quy trình truyền thống, nơi mà mọi thứ đều phải làm bằng tay hoặc dựa vào giấy tờ.

Để chuyển đổi hoàn toàn sang công nghệ số, họ phải đối mặt với sự kháng cự từ bên trong, khi nhân viên và thậm chí là ban lãnh đạo không dễ dàng chấp nhận sự thay đổi đột ngột.

Ông Phạm Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (Pjico) - Ảnh: VH

Là công ty cổ phần đầu tiên trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, trong thời gian đầu khi triển khai chiến lược công nghệ thông tin, Pjico đã gặp rất nhiều khó khăn, do hai nguyên nhân chính.

Thứ nhất, cách thức tổ chức vận hành truyền thống đã ăn sâu vào tư duy của hệ thống. Thứ hai, cần phải lựa chọn được giải pháp công nghệ đúng và phù hợp với Pjico.

Tuy nhiên, các vấn đề dần dần được tháo gỡ, công nghệ thông tin dần được ứng dụng vào các khâu vận hành, góp phần quan trọng vào hiệu quả quản lý và kinh doanh của Pjico trong những năm gần đây.

Quá trình này đã được Pjico tập trung thực hiện từ năm 2019 và đến nay đã đạt được nhiều thành tựu, tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn chuyển đổi số sắp tới.

Ông Trần Huy Bảo Giang, Tổng giám đốc FPT Digital đánh giá, sự chỉ đạo tích cực và gương mẫu chuyển đổi của đội ngũ lãnh đạo, tinh thần trách nhiệm và chủ động của đội ngũ công nghệ đã góp phần vào thành công trong chương trình chuyển đổi số tại Pjico.

Điều này thể hiện rõ trong việc người Pjico đã nghiêm túc ứng dụng ngay các công cụ công nghệ được xây dựng triển khai, thao tác đầy đủ bước quy trình, nhập chính xác dữ liệu, hỗ trợ tích cực đối tác và khách hàng trong cài đặt và dùng các công cụ.

Bài học từ những doanh nghiệp tiên phong

Bắt đầu từ những năm đầu thập kỷ trước, các doanh nghiệp Việt dần nhận ra rằng chuyển đổi số không chỉ là việc áp dụng công nghệ mà là cách thức để tồn tại và phát triển trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hóa.

Chuyển đổi số có thể tạo ra những cú hích lớn, nhưng con đường này không ít chông gai, đặc biệt khi doanh nghiệp đối mặt với những thách thức về văn hóa, nhân sự và đầu tư.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp tiên phong đã sẵn sàng đương đầu với những khó khăn này. Vinamilk, TPBank hay FPT Retail là những ví dụ điển hình, mỗi doanh nghiệp phải vượt qua các thử thách đặc thù và tìm ra những giải pháp sáng tạo, từ đó tạo tiền đề cho các doanh nghiệp khác học hỏi.

Vinamilk được biết đến là một trong những tập đoàn sản xuất sữa lớn nhất Việt Nam, nhận ra rằng sự phát triển vượt bậc của thị trường đòi hỏi một mô hình sản xuất và phân phối linh hoạt, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường luôn biến động.

Trước đây, việc dự báo nhu cầu sản xuất gặp nhiều khó khăn, dẫn đến việc thừa hoặc thiếu hàng tồn kho. "Chúng tôi từng gặp thách thức lớn trong việc dự báo nhu cầu của thị trường, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến quy trình sản xuất", đại diện Vinamilk chia sẻ.

Để giải quyết vấn đề này, Vinamilk đã triển khai hệ thống phân tích dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo (AI) để dự đoán nhu cầu tiêu thụ. Các công nghệ này cho phép Vinamilk tối ưu hóa quy trình sản xuất, điều chỉnh nhanh chóng theo nhu cầu của thị trường, và giảm chi phí lưu kho.

"Giờ đây, chúng tôi có thể lập kế hoạch sản xuất dựa trên dữ liệu thực tế, không chỉ giảm lãng phí mà còn tăng cường sự linh hoạt trong phân phối", lãnh đạo Vinamilk cho biết. Đây là một ví dụ điển hình cho việc áp dụng chuyển đổi số để giải quyết các thách thức quản trị chuỗi cung ứng.

Các bước lập kế hoạch chuyển đổi số trong doanh nghiệp - Ảnh: FDX

Trong khi đó, ở ngành tài chính ngân hàng, bài toán chuyển đổi số không chỉ đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt, mà còn đặt ra yêu cầu cao về bảo mật và xử lý dữ liệu.

TPBank, một trong những ngân hàng tiên phong trong lĩnh vực số hóa, đã nhanh chóng nhận thấy rằng việc đơn giản hóa quy trình giao dịch và cải thiện trải nghiệm khách hàng là điều tất yếu nếu muốn dẫn đầu thị trường.

Ban đầu, ngân hàng gặp phải nhiều phản ứng từ nhân viên về việc tích hợp các công nghệ mới vào hệ thống. Nhiều nhân viên, đặc biệt là những người đã làm việc lâu năm, cảm thấy khó chấp nhận thay đổi.

"Thách thức lớn nhất không phải là công nghệ mà là con người. Chúng tôi phải thay đổi tư duy và cách làm việc truyền thống để tạo ra một văn hóa số thực sự", ông Bùi Quang Cương, Giám đốc khối công nghệ thông tin TPBank chia sẻ.

Để khắc phục điều này, TPBank đã áp dụng chiến lược kết hợp giữa đào tạo nhân lực và triển khai các công nghệ mới nhằm bảo mật giao dịch và tăng cường sự minh bạch.

Nhờ đó, mọi giao dịch được mã hóa và bảo vệ an toàn hơn, giảm thiểu nguy cơ gian lận và lỗi hệ thống, đồng thời cải thiện đáng kể tốc độ xử lý giao dịch.

Khác với những doanh nghiệp sản xuất hay tài chính, ngành bán lẻ đòi hỏi một sự linh hoạt cao trong việc tương tác với khách hàng. FPT Retail, một trong những nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam, đã nhận ra tầm quan trọng của việc cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm nhằm nâng cao sự hài lòng của khách hàng và tối ưu hóa doanh thu.

Thách thức của FPT Retail nằm ở việc làm sao để hiểu rõ nhu cầu và hành vi của từng khách hàng. Trước đây, các chiến lược bán hàng chủ yếu dựa trên dữ liệu chung chung, thiếu sự cá nhân hóa.

"Chúng tôi nhận thấy rằng, để cạnh tranh trong thị trường hiện đại, cần phải lắng nghe khách hàng không chỉ bằng cảm quan mà bằng công nghệ", bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch FPT Retail cho biết.

FPT Retail đã áp dụng các hệ thống AI để phân tích hành vi mua sắm của khách hàng, từ đó tạo ra các gợi ý sản phẩm cá nhân hóa và chiến dịch tiếp thị đúng đối tượng.

Nhờ đó, không chỉ tăng cường sự hài lòng của khách hàng, doanh số bán hàng cũng tăng trưởng mạnh mẽ. "Công nghệ đã giúp chúng tôi hiểu khách hàng hơn, và đó là chìa khóa để duy trì lợi thế cạnh tranh", bà Điệp chia sẻ.

Tăng trưởng nhờ công nghệ

Chuyển đổi số không thể thành công nếu thiếu sự hỗ trợ từ các nhà cung cấp giải pháp công nghệ. Tại Việt Nam, FPT IS, Base.vn và 1C Vietnam là những doanh nghiệp đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt quá trình số hóa của nhiều doanh nghiệp.

Tại FPT IS, chuyển đổi số đã thổi hồn vào ngành gỗ, vốn khô khan giúp doanh nghiệp hàng đầu là AA Corporation quản trị rủi ro và dự báo về nhu cầu sản phẩm mới.

Từ các nông trường cho tới xưởng sản xuất, kho bãi của AA Corporation, công nghệ giúp những người thợ có thể nói cùng với nhau một loại "ngôn ngữ", thay thế cho phương thức truyền thống là các bên email, gọi điện, ghi chép ra giấy, có thể mất tới vài tuần, mà chưa chắc các bộ phận đã hiểu ý nhau.

Nhờ đó, Tonmat có thể mở rộng quy mô liên tục với khả năng tùy chỉnh linh hoạt, tích hợp dễ dàng, trao đổi dữ liệu nhanh chóng không chỉ trong hệ sinh thái nội bộ mà còn có thể đồng bộ với các giải pháp của nhiều nhà cung cấp khác.

Ông Nguyễn Thượng Tường Minh, CEO Base.vn - Ảnh: Base.vn

Ở quy mô doanh nghiệp vừa và nhỏ, Base.vn đã giúp các đơn vị này tối ưu hóa quy trình quản lý công việc và nhân sự. Sau khi áp dụng sản phẩm của Base, Tomorrow Marketers, một startup trong lĩnh vực truyền thông đã tiết kiệm được 40% thời gian quản lý và tăng đáng kể hiệu quả làm việc của đội ngũ.

Nhìn lại những đóng góp này, có thể thấy chuyển đổi số là một quá trình phức tạp, đòi hỏi sự thay đổi mạnh mẽ từ cả phía doanh nghiệp lẫn xã hội.

Các doanh nghiệp đã chứng minh rằng, với chiến lược đúng đắn và quyết tâm mạnh mẽ, chuyển đổi số có thể giúp tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh và tạo ra lợi thế cạnh tranh dài hạn.

Từ góc độ quốc gia, Việt Nam đã thể hiện rõ sự quyết tâm trong việc trở thành một quốc gia số hàng đầu trong khu vực. Kế hoạch chuyển đổi số quốc gia đến năm 2030, với mục tiêu xây dựng chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, là nền tảng để các doanh nghiệp và tổ chức đi theo lộ trình chuyển đổi của mình.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông từng khẳng định: "Chuyển đổi số là chìa khóa mở ra cánh cửa phát triển bền vững, là cách duy nhất để Việt Nam bắt kịp và vượt qua các nền kinh tế lớn khác".

Theo báo cáo của McKinsey & Company về kinh tế số Việt Nam, chuyển đổi số có thể giúp tăng năng suất lao động lên đến 20-30% trong 5-10 năm tới.

Việt Hưng

Tin khác